Ý tưởng tuổi 20

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 07/02/2007
Lần cập nhập cuối: 14/04/2021

Làm giàu với “yêu thể thao”

26 tuổi, từng ba lần đoạt giải tin học trẻ toàn quốc, được cấp học bổng đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) tại Mỹ, Nguyễn Cao Trí là một gương mặt khá quen thuộc với các trang báo CNTT của Việt Nam.

Năm 2005, ý tưởng làm giàu từ thể thao và CNTT theo mô hình của kênh truyền hình ESPN ở nước ngoài đến với Trí và ngay lập tức được biến thành hiện thực sau đó.

Trang web yeuthethao.com do anh đầu tư và làm giám đốc điều hành nhắm đến kinh doanh tất cả những gì liên quan đến thể thao: cung cấp thông tin có bản quyền tất cả các giải đấu lớn trên thế giới, tổ chức sự kiện thể thao, bán hàng trực tuyến các sản phẩm thể thao và thực hiện các trò chơi trực tuyến liên quan đến kết quả bóng đá.

Trí cho biết sau một năm hoạt động, yeuthethao.com đã được các quĩ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đề nghị đầu tư. Công ty của anh hiện có trên 15 nhân viên và toàn bộ đều dưới 30 tuổi. Trí nói: “Tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng vì có kế hoạch tốt, rõ ràng và quan trọng là tôi không sợ thất bại”.

Từ “bàn chân trái”

Khoảng hai năm trước, khi Eztalk ra đời (*), mới đọc qua báo chí đã thấy mê, năm chàng trai cùng sinh năm 1980, cùng tốt nghiệp và cùng làm trong lĩnh vực viễn thông đã quyết tâm kinh doanh từ giải pháp này.

VPT ra đời vào cuối 2005, logo là một bàn chân trái với lý thuyết “khi đi vào một nơi mới có tính khám phá, bao giờ người ta cũng bước chân trái trước”, và VPT chính là bước chân khám phá thế giới mới của năm chàng trai ấy.

Sau một năm hoạt động, hiện VPT đã có 18 thành viên; mà “già” nhất sinh năm 1979, trẻ nhất sinh năm 1986; với trụ sở chính ở TPHCM và các chi nhánh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Thuận.

Nguyễn Thái Việt Huy, cựu học sinh chuyên lý của Trường Lê Quí Đôn (Khánh Hòa), là chủ tịch hội đồng thành viên ở tuổi 27 của VPT, không giấu tham vọng của công ty: giúp cả xã hội gọi điện thoại miễn phí (www.goidienmienphi.com).

Theo anh, khi mỗi gia đình, mỗi cơ quan đều gắn một thiết bị Eztalk thì việc gọi lẫn nhau giữa các máy điện thoại sẽ trở thành việc nối mạng nội bộ, hoàn toàn không tốn cước viễn thông.

“Hạnh phúc xã hội” cũng hái ra tiền

Phạm Thị Thúy.

“Chúng tôi mở công ty để làm giàu, đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng với nhóm chúng tôi, song song với lợi nhuận, việc kinh doanh phải giúp giải quyết các vấn đề xã hội, mang lại cuộc sống tinh thần tốt hơn cho người dân” – đó là tâm sự của cô thạc sĩ 29 tuổi Phạm Thị Thúy, giảng viên đại học, thành viên nhóm sáng lập kiêm phó giám đốc Công ty dịch vụ tham vấn kỹ năng sống Living Skills.

Thực tế, kinh doanh về tư vấn hôn nhân gia đình và kỹ năng nghề nghiệp không phải là quá mới ở TPHCM, nhưng khi tham gia tư vấn ở một số công ty, Thúy cùng hai bạn đồng nghiệp đã chia sẻ ý tưởng thành lập một công ty chuyên tổ chức những khóa đào tạo như: trang bị kỹ năng phỏng vấn việc làm, diễn thuyết; định hướng giá trị sống; hướng dẫn bạn trẻ cách nuôi dưỡng tình yêu; giúp các gia đình cách giữ hạnh phúc… “Living skills sẽ cấp chứng chỉ cho những kỹ năng sống và làm việc trong một xã hội hiện đại” – Thúy bảo.

(*) Tích hợp công nghệ Internet phone với hệ thống thoại truyền thống, giúp giảm 95% cước gọi quốc tế, điện thoại bàn hoặc điện thoại không dây sử dụng công nghệ này có thể gọi lẫn nhau miễn phí.

Theo Hoàng HồngTuổi Trẻ

Exit mobile version