Có không ít teen khi đi khám, cầm trong tay các kết quả xét nghiệm, siêu âm kết luận có thai vẫn không thể tin rằng mình đang mang bầu. Có bạn còn miêu tả với bác sĩ: “Không hiểu sao bụng cháu lại to như quả bưởi. Bên trong nghe như có tiếng nhạc!”.
Và sau chỉ vài câu hỏi, các bác sĩ thực sự sốc với khả năng hiểu biết về phòng tránh thai của teen thời nay. Đó là rửa ráy, thụt sâu âm đạo; là dùng nước Coca để diệt tinh trùng; vắt chanh vào vùng kín ngay sau khi quan hệ…
Một số bạn gái còn tin rằng “yêu” trong thời kỳ kinh nguyệt sẽ không thể mang bầu, nhảy lên nhảy xuống sau khi “yêu” để làm rớt tinh trùng, tắm nước nóng trước khi giao hợp, đi tiểu ngay sau khi “yêu”… là những cách hữu hiệu tránh mang thai.
Phổ biến hơn, không ít bạn cho rằng nếu chỉ quan hệ nhẹ nhàng bên ngoài, xuất tinh ngoài sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Song, điều này thật chẳng nhằm nhò gì với những chú tinh binh khỏe mạnh.
Qua một khảo sát về kiến thức, thái độ và thực hành về sức khỏe sinh sản trên 444 học sinh THPT TP.HCM năm 2004, hai tác giả Diệp Từ Mỹ và Nguyễn Văn Lơ (Đại học Y dược TP.HCM) nhận thấy có đến hơn phân nửa học sinh (57,2%) không có kiến thức về các biện pháp tránh thai.
Còn theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) cũng cho thấy thanh thiếu niên Việt Nam có kiến thức khá hạn chế về phòng tránh thai và phòng lây truyền HIV do các kiến thức này thường không được đưa vào chương trình học chính thức, thầy cô giáo không có đủ kiến thức và sự tự tin để nói những vấn đề này với học sinh.
Biết bao nhiêu bi kịch của các gia đình trẻ khi không thể có con đã xảy ra do người mẹ đã nạo phá thai không an toàn trước đó nhiều lần. (ảnh minh họa)
Ngay cả khi có kiến thức, thực hành tình dục an toàn cũng ít do sự kì thị đối với tình dục trước hôn nhân, nên các bạn trẻ rất ngại khi đi mua bao cao su vì sợ bị đánh giá.
Trong khi độ tuổi quan hệ ngày một sớm hơn, việc trang bị những kiến thức về tình dục an toàn đang rất dè dặt ở ngay cả trường học lẫn gia đình chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ nạo phá thai của vị thành niên nước ta ngày một gia tăng.
Những biến chứng nặng nề, những ám ảnh tâm lý khôn nguôi
Với trẻ vị thành niên khi nạo phá thai, theo các bác sĩ, sẽ phải khó khăn hơn, nguy hiểm hơn do cổ tử cung nhỏ, khó đưa dụng cụ vào khiến cổ tử cung dễ bị tổn thương. Ngoài ra, những biến chứng khác của nạo phá thai vẫn sẽ xảy ra như thường đối với các em.
Biến chứng thường gặp của nạo phá thai, về lâu dài, chính là tước mất khả năng làm mẹ sau này. Lý do là cấu tạo bộ phận sinh dục của phụ nữ dễ viêm nhiễm vì ở sâu bên trong, có nếp gấp, lại có kinh nguyệt hằng tháng.
Khi phá thai, khả năng này càng cao hơn bởi phải dùng dụng cụ bên ngoài can thiệp vào tử cung, khiến tổn thương ở các phần phụ, niêm mạc tử cung bị tổn thương sâu, gây dính buồng tử cung, thủng tử cung, tắc vòi trứng,… dẫn đến vô sinh.
Ngoài ra, khi nạo phá thai nhiều lần, thành tử cung không còn dinh dưỡng tốt, dễ dẫn đến nhau đóng bất thường ở các lần mang thai sau như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, khi sinh dễ bị băng huyết, rất nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Biết bao nhiêu bi kịch của các gia đình trẻ khi không thể có con đã xảy ra do người mẹ đã nạo phá thai không an toàn trước đó nhiều lần.
Còn với những biến chứng trước mắt, các em gái có thể bị như băng huyết, thủng tử cung và nhiễm trùng kéo dài… Song, các nhà tâm lý cảnh báo “biến chứng” lớn nhất chính là vết thương lòng của các em, mà với những đứa bé nhạy cảm, điều này có thể ám ảnh đến cuối đời.
BS Lê Kim Dung phân tích: “Trong lúc nhiều bộ phận trên cơ thể đã dậy thì thì nhiều thứ khác quan trọng hơn lại không được trang bị kịp, như sự trưởng thành trong suy nghĩ, sự đầy đủ về nhận thức, các hành động tự bảo vệ mình,… Vết thương này sẽ là đòn giáng mạnh đến tinh thần của các em.
Lỡ có thai, lỡ bị bệnh lây qua đường tình dục đã là đòn lớn, song cái lớn hơn là các em cảm thấy vô cùng ân hận vì bản thân mình đã để xảy ra tình huống xấu đến vậy, thất vọng về bản thân đến vậy… Học sinh nhiều em thích xem bói và lợi dụng tình trạng nạo phá thai đó, nhiều thầy bói phán vong trẻ em này, vong trẻ em kia ám theo… hỏi biết bao nhiêu người sợ và không sợ?
Biết bao nhiêu em vượt qua được ám ảnh giết người? Tôi tin là rất nhiều em cứ đến ngày mùng 1, rằm, lễ Tết lại thắp hương cầu khấn linh hồn của đứa bé bị bỏ đi. Nỗi ám ảnh đấy là quá lớn, day dứt cả cuộc đời”.
Sự vô tư của tuổi học trò mất đi, sự lo sợ về hậu quả của tình dục, những căn bệnh như viêm nhiễm, bệnh xã hội,… đã khiến những trẻ vị thành niên phải sống trong cảm giác bất an kéo dài.
Đặc biệt, ở các em nữ nhỏ tuổi, nhiều trường hợp sau những lần quan hệ tình dục đầu đời, nhất là với bạn tình thô bạo, có thể có ấn tượng sợ hãi đối với quan hệ tình dục và điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình sau này.
Kì thị xã hội khiến con trẻ hoang mang
Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) được thực hiện 2 lần vào năm 2003 và 2008, tuổi quan hệ tình dục lần đầu tiên ở thanh thiếu niên đã giảm khoảng hơn 1,5 tuổi giữa 2 lần điều tra (19,6 tuổi xuống 18,1 tuổi).
Song, theo BS Hoàng Tú Anh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), chưa có nghiên cứu nào đưa ra chính xác các nguyên nhân khiến thanh thiếu niên có quan hệ tình dục sớm hơn:
“Một số giả thiết đặt ra là trẻ em dậy thì sớm hơn, có nhiều thời gian và không gian riêng hơn, bị sức ép phải thể hiện mình là người hiện đại nhưng lại chưa có đủ các kĩ năng và kiến thức để có quyết định chính xác về việc quan hệ tình dục…”.
Việc trẻ quan hệ ngày càng sớm tỉ lệ thuận với con số nạo phá thai ngày càng tăng. Nguyên nhân nằm ở đâu? Trả lời cho câu hỏi này, BS Lê Kim Dung cho rằng: “Trẻ ngày một dậy thì sớm. Và khi trẻ đã dậy thì thì nhu cầu tình dục là có, tất yếu dẫn tới khả năng có quan hệ tình dục.
Ngày xưa, cha ông ta có câu: Gái thập tam, nam thập lục. Nghĩa là con gái 13 tuổi đã có thể lấy chồng, đẻ con rồi. Thế nhưng, ở cái thời đại này, kiến thức của trẻ 13 bây giờ sao đủ để làm mẹ, làm vợ, đẻ con, nuôi con?
Các em không đủ cả kinh tế lẫn kiến thức để nuôi dưỡng một đứa trẻ. Do đó, một khi đã có nhu cầu tình dục, đã tò mò muốn khám phá, song vấp phải thực tế không thể nuôi con thì tỉ lệ phá thai đương nhiên là cao”.
Có một quan điểm khá cởi mở giải thích cho vấn đề mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở Việt Nam quá nhiều, BS Hoàng Tú Anh khẳng định:
“Tôi cho rằng, không phải là quan hệ tình dục trước hôn nhân nhiều hay ít dẫn tới có thai ngoài ý muốn và phá thai mà chính là do cách nhìn kì thị của xã hội đối với vấn đề tình dục trước hôn nhân; là do vị thành niên và thanh niên không nhận được giáo dục giới tính hiệu quả ở trường cũng như ở nhà.
Là cách nhìn bất bình đẳng về trinh tiết khiến bạn gái nếu đã có quan hệ tình dục thì sẽ trở nên yếu thế hơn, mất thể diện, dễ bị bạn trai coi thường và giảm khả năng thương thuyết trong các vấn đề tình yêu và tình dục.
Cũng vì kì thị xã hội đối với việc mang thai và phá thai mà các bạn lần lữa, không dám đi đến các dịch vụ này vì sợ, ngại, không có tiền và vì không có ai để các bạn có thể tâm sự, để xin tư vấn.
Các sang chấn tâm lý phần lớn cũng là do sự đàm tiếu của mọi người, sự lo sợ bị đánh giá, trong đó phải kể đến việc nhiều báo chí đưa ra những trường hợp rất bi kịch của mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai càng làm tăng kì thị của xã hội với vấn đề này.
Tôi khẳng định là kĩ thuật phá thai của Việt Nam nhìn chung là rất tốt và các dịch vụ cũng rất sẵn có với giá thành chấp nhận được. Song, để đến được các nơi có dịch vụ tốt là cả một vấn đề”.
Cùng chung một quan điểm, đã đến lúc cần phải hỗ trợ cho thanh thiếu niên các kiến thức để bảo vệ mình trước nhu cầu tình dục chính đáng, các bác sĩ đang phải trực tiếp tiến hành nạo phá thai cũng như nghiên cứu về vấn nạn này cho rằng giáo dục giới tính cần được đưa vào trường học, giáo viên cần phải có kĩ năng dạy thực sự về vấn đề này chứ không phải chỉ giới thiệu qua loa rồi yêu cầu các em tự đọc tài liệu.
Giáo dục giới tính cần bắt đầu sớm, tốt nhất là trước tuổi dậy thì. Ngoài kênh trường học thì bố mẹ cần tạo được môi trường để con cái có thể nói chuyện và tâm sự về mọi chuyện trong cuộc sống thì các em mới có thể trao đổi với bố mẹ về các mối quan hệ riêng tư.
Các hình thức giám sát, theo dõi không bao giờ là hiệu quả vì với chương trình học hiện nay, với sự bận rộn của bố mẹ và với các phương tiện như điện thoại, Internet, các em có thể dễ dàng thoát khỏi mọi sự giám sát nếu các em muốn.
Theo Hứa Bích
Đời sống & Pháp luật