“Vương quốc khô cá sặc bổi” nhộn nhịp ngày giáp Tết

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 30/01/2016
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

 

Vào dịp gần tết là mùa ăn nên làm ra của làng khô nổi tiếng này

Làng khô cá sặc bổi ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long bởi hương vị độc đáo của loài khô ngoại nhập từ nước bạn Campuchia nhưng giờ đã được “nội địa hóa”.

Khô sặc bổi vùng này nổi tiếng không chỉ có bề dày truyền thống lâu năm, mà chính là cách tẩm ướp gia vị và chế biến con khô rất vừa ăn. Khâu ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng và đây cũng là “bí quyết” gia truyền. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở chế biến khô ở Khánh An ngoài chế biến cá khô, còn có thêm loại cá sặc rằn một nắng thay vì phải phơi 2 – 3 nắng.

Hàng chục tấn khô mỗi ngày để cung ứng cho thị trường nên tiếng của làng khô này càng đi xa hơn

Ông Nguyễn Huỳnh Long, chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết, toàn xã hiện có 5 cơ sở chế biến khô quy mô lớn và 20 hộ làm nhỏ lẻ buôn bán trong dịp tết. “Nếu như bình thường họ làm 6 tấn/ngày thì vào những dịp tết như hiện nay bà con làm khoảng 10 tấn/ngày. Giá khô hiện nay dao động từ 180.000đ – 220.000đ/kg. Nhờ làng khô này mà nhiều người có công ăn việc làm ổn định trong dịp tết này!” – ông Long nói.

Theo ông Long, đa số cá nguyên liệu lấy từ các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau và nước bạn Campuchia. Vào những tháng gần Tết, cơ sở phải sản xuất gấp ba lần ngày thường mới có đủ hàng giao cho khách, nhiều nhất là bán cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, miền Đông…

Hiện nay bà con đã thử nghiệm làm khô cá lóc, cá trê để bán ra thị trường dịp tết

Nhiều người ở làng khô Khánh An còn sản xuất thêm nhiều loại khô khác như: Cá Lóc, cá Trê… Điều quan trọng là hàng chục người lao động nghèo, khó khăn ở vùng này đã có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày. “Họ thuê với giá 400.000đ/tấn từ lúc làm cá đến khi phơi xong khô. Bà con ở đây sống nhờ con khô này. Nếu không phải mùa làm khô thì cũng kiếm việc khác làm nhưng làm khô cá sặc bổi này nhẹ hơn những nghề khác nhiều”, chị Nguyễn Thị Lý, xã Khánh An nói.

Được biết, toàn huyện An Phú hiện có 22 cơ sở chế biến, cung ứng khô cá sặc rằn ra thị trường mỗi năm gần 1.000 tấn. Trong khi đó, huyện thì có 38 hộ nuôi cá sặc rằn với trên 16.000m2, sản lượng 372 tấn/năm, chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu chế biến.

Minh Thư 

Exit mobile version