Việc tái hiện chân dung của các mỹ nhân nổi tiếng trong showbiz Việt qua những bức tranh truyền thần nhằm thể hiện tài năng và sự hâm mộ là việc làm không còn lạ trong giới trẻ Việt. Thế nhưng, ít ai lại có ý tưởng và niềm đam mê phác họa chân dung các nhân vật lịch sử trong triều đại cách đây hàng nghìn năm như chàng trai Bùi Hải Bình (sinh năm 1991, từng là sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP.HCM).
“Ăn, ngủ” cùng vương triều Lê Sơ
Những tác phẩm đặc biệt của Hải Bình được biết đến khi cuốn tiểu thuyết “Thành Kỳ Ý” ra mắt công chúng trong thời gian gần đây dưới hình thức gây quỹ cộng đồng.
Bên cạnh những yếu tố lịch sử hấp dẫn, chân thực kể về cuộc đời đầy biến động của những đứa trẻ sinh ra trong vương triều phong kiến, tác phẩm còn gây ấn tượng mạnh bởi phần tạo hình và minh họa bằng hàng loạt bức tranh kỳ công nhất từ trước đến nay, tái hiện lại các chân dung lịch sử nổi tiếng.
Những ai đặc biệt yêu thích vương triều Lê Sơ- một triều đại được coi là rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ đời sống chính trị cho đến tư tưởng văn hóa hẳn không còn lạ với những nhân vật nổi tiếng như: vua Lê Nhân Tông, vua Lê Thái Tông, công chúa Diên Trường, Trường Lạc hoàng hậu… Qua bàn tay của họa sĩ trẻ tài năng, các nhân vật này hiện lên một cách sống động từ thần thái, khí chất cho đến trang phục lộng lẫy, toát lên vẻ uy nghi của những người nắm giữ quyền lực trong triều đình.
Hải Bình cho hay, ý tưởng tái hiện lại các nhân vật lịch sử này anh đã ấp ủ cách đây 3 năm nhưng đến năm 2015 mới có cơ hôi thực hiện. Niềm đam mê của bản thân cùng với trách nhiệm với tác phẩm được nhiều người mong đợi chính là động lực giúp chàng trai 9x hoàn thành những bức tranh lịch sử độc đáo này.
Tuy vậy, để hoàn thành 20 bức tranh về các nhân vật trong triều đại Lê Sơ, Bùi Hải Bình đã mất không ít thời gian tìm hiểu về từng nhân vật cũng như đặc trưng trang phục và không gian sống của vúa chúa thời này.
Hải Bình có nghệ danh là họa sĩ San
“Tôi dựa theo cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức rồi tham khảo cổ vật, tượng đá, những bản vẽ xưa và sự ảnh hưởng trang phục của các nước Đồng văn cùng thời, để có được cái nhìn chân thực nhất về vương triều Lê sơ. Bên cạnh đó, tôi cũng tìm hiểu trên mạng xã hội, tự đi thu thập thêm tư liệu tại Huế. Cũng khá kỳ công nhưng vì yêu thích nên tôi có cảm giác như mình đang đi du lịch vậy”, Hải Bình chia sẻ.
Mỗi bức tranh chân dung nhân vật, Hải Bình mất 1 đến 2 tuần để hoàn thành tùy theo độ khó và mức độ chi tiết cần có. Chàng trai 9x thừa nhận, việc phỏng dựng và phục dựng các nhân vật lịch sử là một công khá khô khan tuy nhiên niềm cảm hứng có được từ 3 năm ấp ủ ý tưởng cũng đủ để cậu duy trì động lực thực hiện.
“Vất vả và kỳ công nhưng cái tôi nhận được là rất lớn. Đó không chỉ là 20 tác phẩm khá ấn tượng mà còn là khối kiến thức về cổ phong, khả năng chịu áp lực và kỹ năng làm việc như một tác giả độc lập. Không chỉ vậy, mỗi khi ngắm nhìn lại các bức họa, tôi lại nhớ rằng bản thân đã có lúc được ăn, ngủ, sống cùng niềm đam mà rất khó khăn mới có thể theo đuổi này”, Hải Bình cho hay.
Bỏ đại học để theo đuổi đam mê
Trước khi thực hiện dự án vẽ chân dung lịch sử, Bùi Hải Bình từng được biết đến qua rất nhiều tác phẩm đặc sắc với nghệ danh “họa sĩ San”. Hải Bình cho hay, anh tập tọe cầm chì học vẽ từ khi mới lên 3 tuổi vì… nhà ít đồ chơi.
Chân dung vua Lê Thái Tông, một vị vua anh minh của triều đại Lê Sơ
“Hồi nhỏ, tôi có rất ít đồ chơi nên chị gái hay lấy giấy, bút dạy tôi vẽ nghuệch ngoạc. Về sau, trò chơi trẻ con dần trở thành thói quen, tôi thường lén lút vẽ trong giờ học và cho đến bây giờ, vẽ đã trở thành công việc nghiên cứu nghiêm túc như hiện tại”, Hải Bình chia sẻ.
Năm 2009, Hải Bình vào Sài Gòn học ngành Thiết kế Nội thất của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Là sinh viên nơi đất khách, quê người, việc làm thêm đầu tiên của Hải Bình là vẽ tranh bán cho khách nước ngoài. Năm đại học thứ 2, chàng trai trẻ tập làm quen với một vài trang web nghệ thuật lớn và bắt đầu kiếm được những đơn đặt hàng vẽ tranh màu nước từ nước ngoài, đồng thời thử sức với lĩnh vực truyện tranh.
Dần dà, cây cọ và mảnh giấy đã trở thành những thứ không thể thiếu trong cuộc sống của chàng trai trẻ và anh đã có một quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời.
Chân dung vua Lê Nhân Tông
“Đến năm đại học thứ 4, tôi quyết định nghỉ học và đi làm toàn thời gian cho một công ty chuyên về truyện tranh và truyện thiếu nhi, kết hợp với việc thiết kế bìa sách tự do cho nhiều nhà xuất bản. Quyết định này của tôi bị gia đình phản đối dữ dội, thậm chí bố mẹ còn tìm mọi cách gây sức ép, buộc tôi phải quay trở lại trường. Tuy nhiên, sau một năm tiến hành “chiến tranh lạnh”, bố mẹ đã dần ủng hộ việc tôi theo nghiệp vẽ. Đó cũng là lúc, tôi đã đạt được một số thành công nho nhỏ”, Hải Bình kể.
Cho đến giờ, Hải Bình vẫn chưa một lần hối hận về quyết định bỏ ngang đại học để theo nghiệp vẽ. Bởi với anh, quyết định đó dù có đem lại vô vàn khó khăn thì nó vẫn cho anh một cơ hội tuyệt vời, đó là cơ hội được sống cùng đam mê.
“Sẽ thật tuyệt nếu đam mê và ước vọng của một người trùng hợp với con đường học vấn. Rất tiếc, tôi lại rơi vào trường hợp ngược lại và cái tôi chọn là đam mê. Hơn nữa, tôi cũng đã có 2 năm suy nghĩ và chuẩn bị kỹ càng rồi mới đưa ra quyết định nên tôi nghĩ, mình có đủ tự tin chịu trách nhiệm cho lựa chọn của bản thân”, Hải Bình chia sẻ.
Chân dung Trường lạc Hoàng hậu lúc trẻ
Chân dung công chúa Diên Trường
Chân dung Hoàng tử Lê Khắc Xương
Chân dung Hoàng tử Lê Tư Thành
Chân dung phế Thái tử Lê Nghi Dân
Tạo hình nhân vật Ngọc Huyên
Theo Hạ Nhiên
Dân Việt