Quốc gia danh giá này chính là nước Ý. Thật thú vị, dù thuộc về hai châu lục hoàn toàn khác nhau, nhưng lối sống và văn hoá con người Ý lại có nét hồn hậu, hiếu khách và mang nhiều màu sắc khá giống với người Việt.
Ý có Cappuccino, Việt Nam có Cà phê sữa
Là nơi khai sinh của chiếc máy pha cà phê hơi nước (máy espresso) đầu tiên trên thế giới, đồng thời sở hữu danh sách các công thức pha cà phê phong phú và tinh tế bậc nhất, Ý xứng danh là cái nôi của nền văn hoá cà phê hiện đại. Menu cà phê của các chuỗi thương hiệu lớn như Starbucks hay The Coffee Bean & Tea Leaf vì thế mà không thể thiếu Cappuccino, Macchiato, Latte hay Mocha.
Đó là ở châu Âu xa xôi, còn ở châu Á, có thể khẳng định ngay, không quốc gia nào mê cà phê bằng Việt Nam. Từ người dân đến du khách ai cũng mê đắm những ly cà phê đen, cà phê sữa pha phin mộc mạc với hương vị đậm đà, hay cầu kỳ và công phu hơn là những tách cà phê chồn, cà phê trứng thơm ngậy. Hơn thế nữa, Việt Nam còn tự hào ghi tên trên “bản đồ cà phê” thế giới với sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất.
Văn hoá thưởng thức cà phê của hai quốc gia cũng có nhiều nét tương đồng khi khái niệm “take-away” không phải là lựa chọn phổ biến. Thay vào đó, cả người Ý và người Việt đều trân trọng sự thưởng thức và kết nối trong văn hoá cà phê. Trong khi người Ý quen thuộc với việc ngồi lại quán, tán gẫu đôi câu chuyện với barista, thưởng thức những shot Espresso nóng hổi rồi mới quay trở lại công việc, thì vừa thưởng thức cà phê vừa đọc báo, cập nhật tin tức và trò chuyện cùng bạn bè là một sở thích không thể thiếu trong lối sống của người Việt. Chả thế mà cứ tụ tập, hẹn hò là lại rủ nhau: “Hôm nào cà phê nhé!”
Ẩm thực phong phú và cân bằng
Nếu người Ý là tác giả của nhiều món ăn ngon nổi tiếng như Pizza, Kem (Gelato), hay Mỳ ống (Pasta), thì người Việt cũng không thiếu những sản phẩm ẩm thực đặc sắc như Phở, Bánh mì hay các món Nem cuốn. Nhưng tuyệt vời hơn cả, cả người Ý và người Việt đều là những nghệ nhân của sự cân bằng trong dinh dưỡng.
Trong khi người Ý cân bằng tính công nghiệp của bữa ăn bằng những sản vật đầy tươi ngon của vùng Địa Trung Hải như olive, cà chua, các loại rau gia vị thì người Việt lại sử dụng thật nhiều các loại rau củ tươi ngon của xứ nhiệt đới. Nhờ vậy, mỗi bữa ăn của người dân Ý và Việt đều đầy ắp hương vị tươi ngon, thanh mát và cân bằng dưỡng chất.
Một điểm chung thú vị khác chính là nền ẩm thực của hai quốc gia đều sở hữu sự tinh tế, cầu kỳ và đầy sáng tạo. Trong nấu ăn, cả người Ý và người Việt đều luôn ưu tiên chọn những thực phẩm tươi ngon và chất lượng từ tự nhiên, kết hợp cùng các gia vị thảo mộc và phương pháp chế biến kỳ công. Có thể nói, phong phú nhưng hài hoà, ăn là để thưởng thức chứ không ăn qua loa, xong bữa chính là điểm chung trong ẩm thực của hai quốc gia nằm trên hai châu lục khác biệt.
Đam mê môn thể thao vua
Ai đến Ý cũng sẽ được truyền tụng câu chuyện sau: Có ba thứ không được động vào đàn ông Ý, đó là bóng đá, gia đình và mẹ của anh ta. Lịch trình sinh hoạt của người Ý cũng thể hiện niềm đam mê bóng đá mãnh liệt, nơi họ lui tới thường xuyên vào thứ Bảy chính là…sân vận động. Ý cũng là một trong những cường quốc bóng đá thế giới hàng trăm năm nay khi 4 lần là quán quân của World Cup và là quê hương của những huyền thoại bóng đá như hậu vệ Paolo Maldini hay tiền đạo Alessandro Del Piero.
Bóng đá cũng chắc chắn là môn thể thao vua tại Việt Nam. Lực lượng fan hâm mộ bóng đá tại Việt Nam không loại trừ một ai, từ đàn ông, phụ nữ đến người già, trẻ em, từ người dân trong nước đến kiều bào khắp thế giới. Mỗi khi đội tuyển Việt Nam ra sân, sự cuồng nhiệt, sôi nổi và tinh thần đoàn kết của người dân chỉ có thể so sánh với những cuộc cách mạng oai hùng bảo vệ đất nước.
Tôn thờ các giá trị gia đình và sự gắn kết các thế hệ
Một trong những thứ quý giá nhất của người Ý chính là gia đình. Ở Ý, người ta thích sống nhiều thế hệ trong một gia đình. Thời gian rảnh rỗi, người Ý sẽ dành trọn vẹn cho gia đình và bồi dưỡng tình cảm qua các hoạt động thường xuyên như những bữa cơm nhà ấm cúng hay các buổi họp mặt gia đình rộn rã tiếng cười.
Ở Việt Nam, con cái chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già, cháu chắt vui vầy bên ông bà, 3 – 4 thế hệ cùng sống chung một mái nhà là truyền thống lâu đời của dân tộc thể hiện tình yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau trong tất cả những vấn đề của cuộc sống.
Một minh chứng cho sự trùng hợp về truyền thống “gia đình tương trợ lẫn nhau” của người Ý và Việt là cứ 3 người Ý sẽ có 1 người xin được việc nhờ họ hàng, và nhiều khả năng nghề nghiệp của người Ý được thừa hưởng từ bố mẹ. Gia đình Ý cũng là một ngân hàng nội bộ thu nhỏ, chuyên cho các thành viên tuổi mới lớn hay “start-up” vay không…lãi suất. Còn đối với người Việt, việc bố mẹ luôn cố gắng dành một khoản tiền lập nghiệp cho con khi ra trường, của hồi môn khi kết hôn hay việc chia sẻ, tặng lại đồ đạc cho người thân, họ hàng là những minh chứng cho tình cảm khăng khít và tương trợ lẫn nhau trong gia đình.
Hồn hậu và hiếu khách
Nếu người Ý rất dễ nở cụ cười với người lạ thì người Việt lại vô cùng nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ người khác, đặc biệt là khách du lịch. Khi đến Ý, dù bạn ở hostel, homestay hay khách sạn sang trọng, họ vẫn đón tiếp một cách nồng nhiệt và chu đáo.
Ở Việt Nam cũng không thiếu những câu chuyện “đãi khách” đơn sơ mà đậm tình. Người Việt không giỏi xã giao với người lạ nhưng chưa bao giờ tiết kiệm nụ cười với tất cả những người bạn quốc tế.
Người Ý quý bà con hàng xóm, anh em, người Việt khuyên nhau “mua láng giềng gần”. Người Ý tuần nào cũng mời khách nhà bên sang mở tiệc, người Việt cứ gặp hàng xóm là bảo: “Vào ăn cơm”.
Hai quốc gia, hai châu lục, hai lịch sử phát triển văn hoá xã hội khác nhau nhưng lại sở hữu nhiều điểm tương đồng đã khiến người Việt cảm giác người Ý gần gũi, đáng yêu hơn bao giờ hết.
Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến Ý để trải nghiệm những nét tương đồng thú vị trên một cách sống động hơn nhé. Cùng tham khảo thêm 8 lưu ý hữu ích khi du lịch Ý tại đây.
Còn nếu chưa sắp xếp được lịch trình, hãy ghé GenVita đăng ký tham dự “Ngày Hội Sống Như Ý” ngay để trải nghiệm một Italia “thu nhỏ” đầy ngọt ngào ngay giữa lòng Sài Gòn vào ngày 14 và 15/12 sắp tới.