Đâu là thể tích thực?
Theo định nghĩa, thể tích là khoảng không gian mà vật (chất rắn, lỏng hoặc khí) chiếm chỗ còn dung tích, là sức chứa tối đa mà vật có thể chứa đựng một khối chất khác có thể là rắn, lỏng hoặc khí.
Hiểu một cách đơn giản nhất, trong một thùng sơn, thể tích thực là con số dùng để chỉ lượng sơn thực tế ở phía trong thùng còn dung tích bao bì là để chỉ sức chứa của thùng sơn. Ví dụ một thùng sơn 5 lít chứa một lượng sơn 4 lít thì 5 lít là dung tích bao bì của thùng sơn và 4 lít là thể tích thực của sơn. Tuy nhiên, để có lợi, nhiều nhà sản xuất hoàn toàn không phân địch rạch ròi giữa hai khái niệm này.
Theo anh Nguyễn Quang Phú một nhà thầu xây dựng tại Hà Nội, cuối tháng 8 vừa qua, anh mua 25 thùng sơn loại 5 lít của một hãng sơn khá nổi tiếng trên thị trường để về sửa sang lại nhà cho một khách hàng. Tuy nhiên, trong lúc sơn nhà thì anh vô tình phát hiện ra thể tích thực của các thùng sơn này được nhà sản xuất ghi chỉ là 4,5 lít. “Vì giá sơn của hãng này rẻ hơn một chút so với hãng sơn khác cùng loại nên chúng tôi quyết định chọn mua. Tôi rất bất ngờ vì dòng chữ 5 lít được nhà sản xuất ghi rất to bên ngoài thùng sơn khiến cho không chỉ tôi mà còn rất nhiều người mua lầm tưởng. Số sơn hao hụt là 0,5 lít/thùng tương đương với 10% giá thành thực sự là một con số đáng kể nếu khách hàng mua với số lượng lớn. Điều này làm tôi thực sự không hài lòng.”
Cùng dung tích 5 lít nhưng thể tích thực có hãng đủ 5 lít, có hãng chỉ 4,5 lít khiến khách hàng dễ chọn lầm thùng rẻ hơn nhưng thể tích thực ít hơn, cuối cùng “tưởng rẻ hóa đắt”
Chị Minh An (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng đã từng thắc mắc với đại lý sơn chỉ vì chị mua thùng sơn 5 lít nhưng thể tích thực của thùng sơn này lại chỉ 4,5 lít. Theo chị phản ánh, thông tin về thể tích thực của thùng sơn được hãng ghi chú rất bé, rất dễ bỏ qua nếu khách hàng không tinh ý. “Tâm lý của khách hàng là cùng 2 thùng sơn có dung tích 5 lít – chất lượng tương đương, người tiêu dùng sẽ chọn thùng sơn có giá rẻ hơn. Nhưng nếu nhìn vào thể tích thực, thùng rẻ hơn chỉ có 4,5 lít. Như vậy nếu xét về đơn giá, thùng “tưởng là đắt” vẫn rẻ hơn” – chị An cho biết.
Trên thực tế, số khách hàng gặp phải trường hợp như anh Phú hay chị An không phải là ít. Đã có trường hợp, nhà sản xuất sơn để hạ giá thành nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đã ghi dung tích bao bì thay vì ghi thể tích thực của lượng sơn có bên trong thùng. Nhờ đó, nếu so với các loại sơn cùng dung tích, giá bán của hãng sẽ rẻ hơn, khiến cho người tiêu dùng nhầm lẫn.
Tỉnh táo chọn nhà sản xuất
Như đã đề cập, việc nhầm lẫn dung tích bao bì và thể tích thực sẽ khiến cho quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng.
“Thực tế ước tính ban đầu của chúng tôi 25 thùng sơn là đủ nhưng sau đó lại phải đội thêm 3 thùng sơn nữa, mỗi thùng có giá trên 1 triệu đồng, như vậy rẻ lại hóa đắt. Chưa kể còn bị khách hàng phàn nàn. Đây chỉ là một công trình nhà ở nhỏ, nếu là một dự án lớn thì con số sẽ đội lên nhiều” – anh Nguyễn Quang Phú chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, lựa chọn hãng sơn uy tín, đóng gói đủ dung tích bao bì và có thông tin nhãn mác rõ ràng là cách mà người tiêu dùng nên làm để tránh thiệt hại về mình. Hiện nay trên thị trường có một số hãng sơn lựa chọn bơm sơn đủ dung tích của thùng sơn và rất được người tiêu dùng đón nhận như Dulux.
Một số nhà thầu xây dựng cũng nhận định, việc bơm sơn đủ dung tích bao bì sẽ tạo nên sự minh bạch, chính xác trong việc tính toán khi thi công đồng thời sẽ khiến khách hàng không có cảm giác bị “lừa”.
“Việc bơm sơn đủ dung tích bao bì cũng phần nào thể hiện sự minh bạch của nhà sản xuất. Đây cũng là một trong những yếu tố để khách hàng có thể đánh giá sự tin cậy về chất lượng sơn ” – Anh Trung Anh, một nhà thầu xây dựng tại TP. HCM nhận định.
Hà Thu