Chiều 22/3, tại Hà Nội, buổi Giao lưu trực tuyến với thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác tại nước ngoài năm 2015 đã được tổ chức. Chương trình thu hút sự tham gia của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại 32 quốc gia, trong đó có các nước đã có tổ chức Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam như: Hungary, Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Lào…
Buổi giao lưu trực tuyến với thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác tại nước ngoài chiều ngày 22/3
Nhằm giải đáp tốt nhất những vấn đề các bạn trẻ quan tâm, Hội SVVN đã mời tới buổi giao lưu các vị đại diện các đơn vị, ban ngành có liên quan, đến từ Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Ban Công tác quần chúng Đảng ủy ngoài nước, Phòng quản lý Lưu học sinh – Cục quản lý đào tạo với nước ngoài – Bộ Giáo dục & Đào tạo…
Lắng nghe nhu cầu của thanh niên, SV Việt tại nước ngoài
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các du học sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước ngoài đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng với Thường trực Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Ngoài nước.
Buổi giao lưu trực tuyến với thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác tại nước ngoài là hoạt động thường niên được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho sinh viên, thanh niên Việt Nam đang học tập, công tác tại nước ngoài đóng góp ý kiến, suy nghĩ, sáng kiến của mình về công tác thanh niên nói chung, công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam nói riêng; tăng cường tinh thần đoàn kết, tính xung kích sáng tạo, chung sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp. Đây cũng là một hoạt động giúp nắm bắt và cung cấp thông tin, chia sẻ cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở ngoài nước về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội trong công tác chăm lo, giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Nhân dịp này, các bạn thanh niên, du học sinh Việt đã nêu lên nhiều vấn đề xoay quanh chuyện học hành và lập nghiệp, điển hình như: câu hỏi về những chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước dành cho các du học sinh muốn trở về tham gia góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước; Hội Sinh viên Việt Nam có những định hướng gì về việc làm cho du học sinh sau khi tốt nghiệp về nước; Có tổ chức, trung tâm giới thiệu việc làm hoặc những chương trình hỗ trợ nào cho sinh viên Việt Nam ngoài nước ngoài không; những yếu tố nào giúp phong trào học tập trong toàn thể sinh viên đạt kết quả cao và thành công trong lĩnh vực nghiên cứu của mình; Trong trường hợp sinh viên ở nước ngoài tiến hành các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, Trung ương Hội có nguồn kinh phí nào hỗ trợ hoặc Hội có thể giới thiệu tới các tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho sinh viên, du học sinh hay không…
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc cho các bạn trẻ. Anh Phong cho rằng, buổi giao lưu là cơ hội để Đoàn hiểu thêm về nhu cầu thực tiễn của thanh niên, sinh viên ngoài nước. Theo anh, đây là lực lượng lớn, đóng vai trò quan trọng.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc cho các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài
Trong thời gian qua, Truung ương Hội đã dành nhiều sự quan tâm với lực lượng này, đã có sự kết nối, quan tâm chia sẻ, hỗ trợ trong học tập và cuộc sống. Thông qua qua cuộc giao lưu trực tuyến ngày 22/3, Trung ương Hội Sinh viên mong muốn đại diện bộ ngành Trung ương lắng nghe các chia sẻ của các sinh viên, học sinh, thanh niên đang học tập, sinh sống tại các nước, để hiểu hơn về những khó khăn, thuận lợi đang gặp phải, gợi mở những chia sẻ, cung cấp thêm thông tin, thuận lợi cho học tập và sinh sống.
Những vấn đề nóng hổi, thiết thực với TN, SV ở nước ngoài
Dưới đây là một số câu hỏi và giải đáp được nhiều bạn trẻ quan tâm trong buổi giao lưu trực tuyến với thanh niên, sinh viên Việt Nam đang học tập và công tác tại nước ngoài.
Hội SVVN tại Đức gửi câu hỏi: “Trong trường hợp sinh viên ở nước ngoài tiến hành các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, T.Ư Hội có nguồn kinh phí nào hỗ trợ, hoặc Hội có thể giới thiệu tới các tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học cho sinh viên, du học sinh hay không?”.
Anh Lê Quốc Phong giải đáp như sau: “Điều này sẽ tùy thuộc vào đề tài cụ thể mà các bạn sẽ triển khai tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan, kể cả các doanh nghiệp để tìm kiếm những hỗ trợ đối với các nghiên cứu của các bạn. Rất mong các bạn sớm thông tin cụ thể những đề tài nghiên cứu của các bạn để chúng ta cùng trao đổi và tìm hướng hỗ trợ”.
Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan đặt câu hỏi: “Sinh viên Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các bạn sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có cần phải phấn đấu trở thành Đảng viên hay không, nếu như sau này các bạn đó không có ý định làm ở trong các cơ quan Nhà nước? Tại sao?”
Ông Phạm Văn Mích – Phó Trưởng Ban Công tác quần chúng Đảng ủy ngoài nước trả lời: Việc phấn đấu trở thành Đảng viên là hoàn toàn tự nguyện. Vào Đảng không phải để thăng quan, tiến chức, vào Đảng là để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Vì vậy không nhất thiết phải ở cơ quan nhà nước mới phấn đấu trở thành đảng viên, ở cương vị nào, lĩnh vực công tác nào cũng có thể phấn đấu trở thành Đảng viên. Đảng luôn rộng mở kết nạp những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào đội ngũ của Đảng.
Một câu hỏi khá thiết thực của Nguyễn Hoàng Duy, SV ĐH Sydney, bang New South Wales, Australia: “Xin cho biết thông tin cập nhật về những chính sách ưu đãi, khuyến khích của Nhà nước dành cho các du học sinh muốn trở về tham gia góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước?”.
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ Trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ trả lời câu hỏi
Ông Vũ Đăng Minh – Vụ Trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ trả lời: Chính phủ đã có hướng dẫn việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, có một số quy định về ưu tiên trong tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.
Ngày 24/01/2014 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 86 –KL/TW về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Mục tiêu của Đề án này là thu hút những người có triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nhân tài của đất nước, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Trong đó, có quy định nhiều chính sách ưu tiên thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đang học tập tại nước ngoài về nước công tác.
Theo đó, những người đang học tập, công tác ở nước ngoài có nhiều cơ hội được trở về nước đóng góp sức lực, trí tuệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc (nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện của Đề án).
Hàng chục câu hỏi khác của các bạn sinh viên, thanh niên Việt ở nước ngoài đã được các khách mời giải đáp tường tận tại buổi giao lưu và tiếp tục trả lời email. Độc giả quan tâm có thể theo dõi tại website của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Mai Châm