Ước mơ của Luyện

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 20/02/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Nỗ lực cho ước mơ

 

Năm đầu tiên thi trượt ĐH, Luyện đã quyết định rời quê Hà Tây vào TPHCM thực hiện “ước mơ cháy bỏng của cuộc đời là vào ĐH”. Một năm sống tại thành phố, Luyện vừa làm, vừa học và trong mùa tuyển sinh năm 2003 Luyện trúng tuyển vào khoa Lịch sử.

 

Vì gia đình ở quê, bố mẹ làm nông với vai ba sào ruộng cộng với chăn nuôi. Trong khi đó  bốn anh em đều đi học, Luyện lại có thêm một quyết định mà lúc đó cậu nghĩ là “táo bạo” – tự lực cánh sinh, “tự làm, tự học để sống ở đất Sài Gòn này”. Từ đó chàng sinh viên với dáng ngoài nhỏ thó, gầy gầy Trương Văn Luyện đã bắt đầu cuộc sống nơi giảng đường của mình với đủ thứ nghề.

 

Năm nhất sống ở Linh Trung (Thủ Đức) chưa quen với môi trường, “ở Linh Trung lại không có chỗ làm thêm cho ra tiền, vì dân ở đây cũng nghèo” Luyện xin phụ việc bưng bê ở quán cơm rồi quán nhậu với lương được trả là… một bữa cơm/lần phục vụ.

 

Có quán nhậu trả tiền nhưng “cũng chẳng thấm vào đâu” vì chỉ có 1.500 đồng/giờ làm. Tuy nhiên  do một năm làm việc trong thời gian ôn thi bước đầu Luyện cũng có đủ tiền để trang trải.

 

Dần dần quen với môi trường, ổn định việc học Luyện đi liên lạc với các trung tâm dạy thêm và nhanh chóng kiếm được chân “thầy giáo”. Bắt đầu có lương 300.000 – 400.000 đồng/tháng để trang trải tiền ăn, tiền học Luyện tích cóp để “mua sách”.

 

Chỉ một bao tải và một vali với hàng trăm cuốn sách mới có, cũ có Luyện chia sẻ: “Quả thật sách là gia tài quí nhất của mình, sinh viên thì phải tự học, tự đọc để bổ sung kiến thức. Số sách này mình phải mất hơn 3 triệu đồng để sưu tập đó”.

 

Năm hai, rồi đến năm thứ ba này người bạn với thân hình tưởng chừng “trói gà không chặt này” vẫn đeo đuổi, tìm kiếm những việc làm mới để tự nuôi sống bản thân mình.

 

Hiện nay cứ đến ngày thứ 7, Chủ nhật Luyện lại đạp xe từ Linh Trung đến Lái Thiêu (Bình Dương) để làm thêm. Đoạn đường dài gần 20 km nhưng đôi chân nhỏ của Luyện vẫn không quản ngại.

 

Luyện kể “có hôm nổ lốp giữa đường vào lúc 11 giờ đêm, mình phải dắt bộ gần 3 cây số từ Linh Xuân về đến Linh Trung”. Mới đầu vượt 20 km để làm phục vụ cuối tuần tại Công ty du lịch sinh thái Phương Nam ở Bình Dương người uể oải, “tưởng chừng như không thể đi được, nhưng đi rồi quen” – Luyện bộc bạch.

 

“Sẽ về quê phục vụ!”

 

Phải dành nhiều thời gian để “tự lực cánh sinh” nhưng nhìn vào bề dày thành tích học tập, rèn luyện và làm công tác Đoàn, tình nguyện của Luyện chúng tôi cảm thấy “nể” người bạn này.

 

Với kết quả học tập từ năm nhất đến học kì 1 của năm 3 luôn trên 8,0. Mỗi học kì đều được nhận học bổng loại giỏi với số tiền hơn 1 triệu. Luyện nói “mình dùng tiền này để mua sách, học thêm tiếng Anh, vi tính và “phòng khi trái gió trở trời”.

 

Năm 2005, Luyện còn đạt giải khuyến khích cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác – Lênin cấp thành Đoàn. Cậu còn là người “mê nghiên cứu khoa học” nữa. Hiện giờ Luyện đang cùng một người bạn đang gấp rút hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp trường về “Sự tiếp cận thông tin của sinh viên làng ĐH Thủ Đức”.

 

Ngoài chuyện làm thêm Luyện còn là “cây tình nguyện” của lớp. Các chương trình tình nguyện như chiến dịch Mùa hè xanh, tham gia dạy học tình nguyện cho trẻ em nghèo ở nhà tình thương ấp Tân Lập, Dĩ An, Bình Dương vẫn được Luyện ưu tiên. 

 

Cả ngày học ở trường; tối thứ 2, 4, 6 thì đi dạy tình nguyện cho các em nghèo ở lớp học tình thương ấp Tân Lập; tối 3,5 thì đi học thêm Anh văn; ngày thứ 7 và Chủ nhật thì đi làm thêm ở tận Bình Dương. Đó là thời gian biểu của Luyện trong một tuần mà chúng tôi tạm ghi chép được.

 

Khi được hỏi về ước mơ sau khi ra trường, Luyện chia sẻ một cách chân thành: “Ước mơ cháy bỏng của mình là sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ về lại quê hương dạy học, đem kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền thụ lại cho các lớp đàn em. Mình muốn về quê phục vụ”.

 

Luyện cũng đã tranh thủ thời gian  học tập và hoàn tất khoá học kĩ năng sư phạm tại trường ĐĐ Sư phạm TPHCM ngay từ năm 2. Nhưng trước tiên sẽ cố gắng để tốt nghiệp ĐH và học cao hơn một chút. “Ngoài niềm đam mê dạy học mình còn thích làm kinh tế và mai mốt nhất định sẽ vừa dạy học vừa làm kinh tế ở quê nhà” – Luyện cười thật tươi khi chia sẻ điều ấy.

 

Theo Chí Quốc, Đình LongTuổi Trẻ

Exit mobile version