Ngày 12/4, Hội người mù TP.Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 – 17/4/2019) và tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 – CT/TƯ của Ban Bí thư TƯ Đảng khoá VI ngày 12/4/1989 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông Lê Trung Quyết – Chủ tịch Hội Người mù TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, tổ chức thành viên của Hội Người mù Hà Nội đã trải khắp 30/30 quận, huyện, thị hội với 334 chi hội, 6.157 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt và khoảng 2.500 hội viên không tham gia thường xuyên, chiếm 80% người mù toàn thành phố.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC Lê Vinh chia sẻ, người tàn tật nói chung, người khiếm thị nói riêng phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, nhưng luôn có sự nỗ lực, sáng tạo và vươn lên bằng nội lực mạnh mẽ.
Xuất phát từ những trăn trở, suy tư đó, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Tổng Giám đốc AIC đã chỉ đạo hàng trăm cán bộ đi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người khiếm thị, khiếm thính để làm nên ứng dụng “9999 Hy vọng”.
Nhân dịp này, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đã trao tặng điện thoại di động đã được cài đặt ứng dụng “9999 Hy vọng” do chính AIC xây dựng cho Hội Người mù Việt Nam. Trong đó:
Ngày 8/4/2019: Trao tặng Hội Người mù tỉnh Yên Bái 100 chiếc.
Ngày 12/4/2019: Trao tặng Hội Người mù TP.Hà Nội 300 chiếc; Hội Khuyết tật Hà Nội 20 chiếc; Dự kiến ngày 17/4/2019 trao tặng Hội Người mù Việt Nam đợt đầu 300 chiếc; Dự kiến ngày 3-/4/2019 trao tặng Hội Người mù TP.HCM 300 chiếc.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế AIC Lê Vinh (thứ 3 từ phải sang) đại diện trao những chiếc di động đã được cài đặt ứng dụng “9999 Hy vọng” tặng Hội Người mù TP.Hà Nội .
Tiếp nối dự án “9999 Tết” và bước chuyển giao từ “9999 Tết” sang “9999 Việt Nam”, dự án “9999 Hy vọng” đã được khởi động, với mục tiêu mang ứng dụng “9999 Tết” gần gũi hơn với cộng đồng người khiếm thính, khiếm thị ở Việt Nam.
Ứng dụng sẽ duy trì và tiếp tục phát triển các nhóm chức năng mới để ứng dụng “9999 Việt Nam” trở thành công cụ hữu ích giúp người khiếm thị, khiếm thính ở Việt Nam hoà nhập với cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Người khiếm thị có thể đọc báo, đọc truyện thông qua tính năng TalkBack và VoiceOver.
Tính năng tìm kiếm địa điểm sẽ giúp người khiếm thị định vị và được dẫn đường, tất cả những tương tác này đều dựa vào giọng nói, được hỗ trợ gửi tin nhắn bằng giọng nói, tra cứu thông tin ngày tháng, thời tiết.
Không dừng lại ở việc tiếp cận với các thông tin đại chúng về văn hoá, giải trí, khoa học…, ứng dụng sẽ giúp người khiếm thị chủ động hoà nhập và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, tiền tệ. Trợ lý ảo thông minh cũng được định hướng phát triển giúp người khiếm thị nắm bắt tỷ giá vàng, tỷ giá ngoại tệ hàng ngày…
Phương Nhung