Thời điểm vàng để phát triển công nghệ tự hành
Theo nghiên cứu mới nhất của Intel, công nghệ tự hành có thể giúp kinh tế toàn cầu tăng thêm 800 tỷ USD (đến năm 2035) cho đến 7 ngàn tỷ USD (đến năm 2050), gấp hơn 30 lần GDP Việt Nam. Đứng trước “phần thưởng” khổng lồ này, hàng loạt nhà sản xuất ô tô, các công ty công nghệ, thậm chí các nhà cung cấp linh kiện cũng không tiếc tay rót hàng tỷ USD đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển xe tự hành.
Một công bố khá bất ngờ mới đây của KPMG cho biết, mặc dù công nghệ tự hành được nhắc đến một cách rầm rộ tại Mỹ với những ông lớn như Google, GE, Tesla… nhưng châu Á mới là thiên đường của các công nghệ mới nổi.
Tại Singapore, các thử nghiệm về xe tự hành đã được diễn ra trong hơn 2 năm qua và đạt được những thành tựu lớn. Với cơ sở hạ tầng đường bộ gần như hoàn hảo, hạn chế tắc nghẽn giao thông, chính phủ nước này tuyên bố xe bus và taxi tự hành sẽ có thể lưu thông trên đường phố từ năm 2022. Trong khi đó, Philippines chú trọng phát triển mô hình thành phố thông minh cũng như có chính sách khuyến khích các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực tự hành. Còn Malaysia cũng tuyên bố sẽ tiến hành một chương trình nghiên cứu phát triển xe không người lái, lộ trình đến 2025.
Nhận thấy tiềm năng phát triển của công nghệ tự hành, chính phủ Việt Nam đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, góp phần tạo lợi thế cho nước ta trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Là đơn vị đầu tàu về công nghệ, FPT cũng là doanh nghiệp tiên phong trong mảng xe tự hành. Sau hơn 2 năm triển khai, FPT đặt mục tiêu trong 2019 sẽ lập trình xe tự hành đạt tới cấp độ 3 trên thang phân loại mức độ tự hành từ 0 đến 5, và hướng tới các cấp độ cao hơn trong thời gian tới.
Cuộc đua số – sân chơi giúp giới trẻ đón đầu xu hướng công nghệ tương lai
Mặc dù hạ tầng giao thông chưa phù hợp để thử nghiệm trên đường phố và các khu dân cư đông đúc, lĩnh vực tự hành vẫn có tính ứng dụng cao tại Việt Nam nếu được triển khai tại các khu đô thị, nhà máy, resort, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng công nghệ có môi trường thử nghiệm, nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới.
Công nghệ tự hành đã mở ra một tương lai đầy tiềm năng cho các bạn trẻ yêu công nghệ, những nhân tố với khả năng tiếp thu tri thức nhạy bén, từng được vinh danh nhiều lần trên những đấu trường quốc tế về công nghệ. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam cũng bị đánh giá là nặng lý thuyết, thiếu kỹ năng và điểm kinh nghiệm hầu như bằng 0. Để chuẩn bị đón đầu những xu hướng công nghệ tương lai, giới trẻ cần được cập nhật những xu hướng công nghệ hiện đại, cũng như tích cực tham gia các sân chơi trải nghiệm thực tế nhằm rèn luyện kỹ năng và tăng thêm kinh nghiệm.
Cuộc đua số là sân chơi duy nhất về công nghệ tự hành tại Việt Nam hiện nay do FPT phối hợp cùng VTV tổ chức. Các bài toán được đặt ra với yêu cầu tương đương nhiều cuộc thi công nghệ tự hành lớn trên thế giới và độ khó tăng dần qua các năm. Trong quá trình tham gia cuộc thi, từ việc lập đội, nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ chuyên gia… các bạn sinh viên sẽ ngày vững vàng hơn về kiến thức, trưởng thành hơn về kỹ năng thực hành công nghệ mới. Đây cũng là nền tảng để các bạn trẻ sẵn sàng cho những cơ hội toàn cầu trong lĩnh vực tự hành.
Từ khi ra mắt, cuộc thi đã đón nhận được sự quan tâm của sinh viên trên khắp cả nước, đồng thời cũng được đánh giá cao bởi các chuyên gia công nghệ, những người làm giáo dục hàng đầu tại Việt Nam. Kể từ năm 2018, Cuộc đua số chính thức được Đài truyền hình Việt Nam song hành cùng FPT đứng ra tổ chức.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: “Cuộc đua số với chủ đề xe tự hành đòi hỏi cao về công nghệ, nhưng sinh viên cho thấy các em tiếp cận công nghệ mới rất nhanh. Cuộc thi sẽ là một sân chơi hữu ích, hấp dẫn có tác dụng lôi cuốn sự đam mê sáng tạo của giới trẻ với KH&CN nói chung và CNTT-TT nói riêng, góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước”.
Với những dấu hiệu tích cực trong ngành công nghiệp xe tự hành ở thời điểm hiện tại cùng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ như FPT, hi vọng rằng, một ngày nào đó không xa, sinh viên Việt Nam sẽ trở thành nguồn lực chủ chốt của Việt Nam, vươn lên dẫn đầu cuộc đua phát triển công nghệ tự hành toàn cầu.
*, Cuộc đua số là cuộc thi thường niên về lập trình xe tự hành dành cho các bạn sinh viên yêu công nghệ do Tập đoàn FPT và VTV đồng tổ chức. Bán kết Cuộc đua số khu vực phía Bắc sẽ diễn ra ngày 11/4 tại Nhà thi đấu Quận Cầu Giấy (Hà Nội). Trước đó, vào ngày 7/4, vòng bán kết khu vực phía Nam đã đưa 4 cái tên đầu tiên bước vào đêm chung kết gồm: SQ26 (Đại học Thông tin liên lạc), CDS-NTU2 (Đại học Nha Trang), Dateh IT (Đại học Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Tp.HCM) và LHU The Walkers (Đại học Lạc Hồng).
*, Đội vô địch Cuộc đua số 2018 – 2019 sẽ được nhận phần thưởng có giá trị hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó có một tuần trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Mỹ hoặc Nhật Bản, 15 triệu đồng tiền mặt và một suất học bổng Tiến sĩ về ngành Trí tuệ nhân tạo trị giá 700 triệu đồng dành cho thí sinh xuất sắc.