Dính thì bỏ
“…Khi quan hệ như vậy sao em không dùng biện pháp an toàn?
– Không thích tí nào, vướng víu bỏ xừ ý chị ạ.
Nếu vậy, rất dễ dính bầu…
– Dính á? Thì bỏ đi chứ sao?
Nạo phá thai rất nguy hiểm, có thể bị vô sinh…
– Còn xin được con nuôi cơ mà…”
Tôi thực sự ngỡ ngàng với những lời tâm sự từ một cô học trò 9X (THPT T.P HN). Đó là trường hợp của Mai N, khi nói chuyện, tay cô bé vân vê lọn tóc xoăn màu hạt dẻ của mình và rất hồn nhiên kể về những chiến tích tình yêu của cô.
Rồi không khỏi ngỡ ngàng khi tới một trung tâm phụ sản, nhìn thấy những gương mặt rất non nớt đang ngồi chờ đến lượt mình lên bàn phẫu. Có cô bé, cậu bé trêu đùa nhau, cười khúc khích. Có những cậu bé ngồi chờ bạn gái ngoài hành lang vừa tu hộp sữa vừa đọc truyện tranh. Có những cô bé đứng chống tay nói xa xả vào điện thoại trách móc người yêu vì tới trễ nên “phá rồi, đừng hỏi nữa, mà tối nay cũng chẳng đi chơi đâu…”.
Trà L – cô học sinh cấp 3 trường PTTH V.Đ. Từ một lần “không kiểm soát được” với bạn trai, Linh thực sự hoảng sợ, thế nhưng sự hoảng sợ này cũng qua rất nhanh sau một lần nạo thai thành công và theo cô là “nhẹ nhàng và chịu đựng được”.
Một lần cũng đồng nghĩa với việc coi nhẹ và dễ dãi với những lần tiếp theo, cô bé coi đó là chuyện bình thường, thậm chí còn không màng đến những hậu quả mà việc nạo phá thai ảnh hưởng tới sức khoẻ sau này. Tới lần sau, khi bị sự cố ngoài ý muốn, cậu người yêu lại “tung tăng” dẫn cô bé đi phá thai.
Hỏi đến tâm trạng của các học sinh này, bác sĩ Linh – ở một trung tâm phụ sản tư trên đường Giải Phóng cho biết, có số ít học sinh đến đây với tâm trạng lo lắng, còn lại đa số, họ vẫn rất “hồn nhiên” và còn tỏ ra hết sức lấy làm lạ là tại sao lại phải tới đây (?)…
Con cái vô tư, cha mẹ tá hỏa
Bác Thanh Hoa thở dài não nề kể về cậu con: “Bác luôn nghĩ con trai bác rất ngoan, nó rất chăm học, là đứa trẻ biết nghe lời cha mẹ. Nhưng, từ khi đọc bài báo, một lá thư của một người mẹ phát hoảng lên vì cậu con trai có lối sống quần hôn, bác đã phải kiểm tra máy tính của con trai cho an tâm. Hóa ra máy con mình cũng chẳng tử tế hơn. Bác rất mệt mỏi và bất ngờ, đọc báo cứ nghĩ đó chỉ là chuyện của người ta, ai ngờ…”
Chú Tuấn (cán bộ ngân hàng): “Chú chỉ có một cô con gái, nó thường đi học thêm, đi đường sợ có vấn đề gì nên lớp 10 chú đã mua một chiếc điện thoại cho nó. Có một lần máy em nó hết pin để ở nhà, chú sạc pin cho nó, đang nấu cơm, thì thấy chuông tin nhắn reo rất to, tính ra tắt nhưng ấn thế nào lại thành ra xem tin. Giật thót người.
Có một số máy mà con bé nhà chú đặt là kinhkong, nội dung tin nhắn là khen cơ thể nó đẹp. Chú cố gắng giữ bình tĩnh xem hết những tin trong máy, mở mục xem tin đã gửi thì thấy con bé nhà chú nhắn cho bạn nó dặn mang theo bao cao su. Chú nghĩ mình đang cầm máy điện thoại của ai chứ không phải con bé Hương nhà chú. …”
Các bậc phụ huynh nước mắt dài nước mắt ngắn kể về những đứa con trẻ người non dạ. Có những đứa con tuổi teen “sống thoáng” như thế nên mới có những ca “nạo phá” tuổi teen trong đầy rẫy các bệnh viện, các trung tâm phụ sản bây giờ.
Theo Hương Hà