Một buổi sáng khó phai…
Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có trên 200.000 trẻ tự kỷ, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia nhận định: tự kỷ ở trẻ em Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn trong cuộc sống hiện đại, (năm 2007, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ đã tăng lên 50 lần so với năm 2000).
Sáng 2/4, nhân ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, tại Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật đã diễn ra chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương”.
Chương trình ý nghĩa này thuộc dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” đã được Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ phối hợp cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng và đồng hành trong 5 năm, từ 2018 – 2022, với kinh phí ban đầu do PNJ tài trợ 10 tỷ đồng, với mục tiêu chính của dự án: Hơn 10.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em tự kỷ sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các hoat động của chương trình.
Có mặt tại Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhìn các cháu tự kỷ vui đùa một cách hồn nhiên, đáng yêu. Với các cháu, hôm nay như là ngày hội. Có cháu thích thú khi cầm chiếc chong chóng đủ màu sắc xoay xoay theo chiều gió…
Dù tư duy, ngôn ngữ cũng như sự hoà nhập của mỗi cháu không được như một đứa trẻ bình thường, nhưng hôm nay, trông các cháu thật vui khi xung quanh là bạn bè và nhiều hoạt cảnh tái hiện khung trời tuổi thơ.
Nhìn các cháu hồn nhiên vui đùa, với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều người nước mắt rưng rưng…
Ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại PNJ cho biết, cán bộ, nhân viên PNJ đã làm nhiều chiếc chong chóng đa dạng màu sắc phần nào để gợi sự thích thú cho các cháu và những chiếc chong chóng này cũng là hình ảnh đại diện cho chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương”.
“Chiếc chong chóng vốn luôn gắn liền với tuổi thơ các em, đặc biệt đối với những đứa trẻ tự kỷ, chiếc chong chóng còn như là một người bạn thân thiết. PNJ mong rằng, mỗi chúng ta hãy là một chiếc chong chóng, là một người bạn của các em. Đủ nắng, hoa sẽ nở, đủ gió thì chong chóng sẽ quay và đủ yêu thương sẽ tạo nên những phép màu kỳ diệu”, ông Tẩn nói.
Một buổi sáng khó phai với các cháu bị tự kỷ. Tình yêu thương được cụ thể bằng hành động. Tại sự kiện này, nhiều người tự nhủ lòng và sẵn sàng kết nối hành động để giúp các em có được cuộc sống vốn có của những đứa trẻ. Thông điệp: “Hãy hiểu đúng, chia sẻ và lan tỏa yêu thương” đã được truyền đi một cách mạnh mẽ.
Lan tỏa yêu thương
Bên cạnh các hoạt động trọng tâm của dự án mang tính khoa học và chuyên môn sâu về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam như: Ban hành bộ tài liệu kiến thức chuẩn quốc gia về tự kỷ, đào tạo đội ngũ chuyên môn… thì chương trình “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” do PNJ phát động cũng là một hoạt động hết sức quan trọng trong chặng đường 5 năm của dự án.
Sự kiện “Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương” ngay lần đầu tiên khởi động đã đón nhận sự phối hợp của Qũy bảo trợ trẻ em Việt Nam, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật thuộc Bộ LĐTBXH tại TP HCM, sự tham dự, đồng hành của nhiều đơn vị trong và ngoài nước.
Phát biểu tại chương trình, đại diện Qũy bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết: Trong tháng 4/2019, hạng mục quan trọng đầu tiên của chương trình “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” là bộ tài liệu quốc gia đầu tiên về hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ sẽ chính thức được công bố. Bộ tài liệu sẽ cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để trẻ cải thiện hành vi.
Trong những bước đi tiếp theo, chương trình sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực lực lượng cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ, phổ biến kiến thức cho cha mẹ có con tự kỷ, hỗ trợ các giáo viên và cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận, chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam, giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em tự kỷ.
Dung Đỗ