Đây không phải là lần đầu tiên chị Lê Thu Hoài (TPHCM) gặp tình huống dở khóc dở cười vì chọn sống xanh, sống sạch.
Đón con sau giờ học, hai mẹ con thường uống nước mía. Từ lâu, chị chọn uống luôn tại chỗ để không phải dùng ly nhựa nhưng rất nhiều quán chỉ có loại ly dùng một lần, kể cả với những khách không mang đi. Ngay tại quán, ly nhựa một lần đã qua sử dụng chất từng đống.
Có lần ghé siêu thị tiện lợi gần nhà, không mang theo túi tái chế nhưng chị nhất quyết không lấy túi nilon, cầm hàng ở tay. Cô nhân viên bán hàng thấy chị cầm lỉnh kỉnh, đưa túi cho chị, nhét đồ vào, chị phải gỡ ra lắc đầu. Khi chị bước đi, cô nhân viên buột miệng nói chị… bày đặt.
Chị Hoài kể, hơn một năm gần đây, chị mới thật sự ý thức việc sống xanh, tránh hết sức việc sử dụng đồ nhựa, túi nilin. Đi siêu thị, chợ, chị cầm theo túi tái chế, hiếm khi chị mua đồ ăn sẵn mang về… Trong nhà chị dùng ống hút inox, ống hút tre, hạn chế mua sắm giày dép, quần áo, mua sắm đồ dùng nếu không thật cần thiết.
“Dù đã tiết chế như vậy nhưng hàng ngày gia đình tôi vẫn xả ra một lượng không nhỏ túi ni lông, đồ nhựa, đồ tiêu dùng rất lớn. Mỗi lần dọn tôi lại rùng mình”, chị nói.
Chị Ngọc Mai, ở Phú Nhuận, TPHCM cho biết, nhiều lần không được sự phục vụ vì từ chối không dùng đồ nhựa, xốp dùng một lần. Lần gần nhất chị đi mua trà sữa, cầm theo bình nước cá nhân đề nghị quán bỏ trà sữa vào bình để mình cầm về.
Môi trường đang “ngộp thở” vì túi nilon, đồng nhựa dùng một lần (Ảnh từ một cuộc thi về môi trường)
Thế nhưng, nhân viên ở đây vẫn làm vào một ly nhựa một lần in thương hiệu của quán rồi đưa chị tự rót vào bình nước của mình.
Một vài lần chị đi mua đồ từ chối không dùng túi nilon còn được nghe lườm nguýt “đua đòi học theo mấy đứa tuổi teen”.
“Mua cái mới đi, có bao nhiêu tiền đâu!”
Nhiều người xuất phát từ mong muốn sống xanh, sống sạch lại có thể bị mang tiếng là keo kiệt, bủn xỉn, không biết thiệt hơn.
Chị Lê Thúy Anh, ở Gò Vấp ở TPHCM kể, trước khi vào năm học là chị thường đăng tin xin sách cũ cho hai con, rồi lại gói sách của của con mình cho người khác.
Hay quần áo của hai đứa con, dùng rất giữ gìn, chị thường đóng gói gửi cho con cháu ở quê. Chị cũng thường đi xin quần áo cho con từ đồng nghiệp, bạn bè.
Nhiều người bũi môi, nói tiền sách, tiền quần áo đáng bao nhiêu, mua đồ mới mà xài. Chị còn được cái tiếng “chuyên gia đi xin đồ cũ”.
Tác giả nhiều cuốn sách nuôi dạy trẻ Trần Thu Hà chia sẻ, đợt rồi chị sửa nhà, thấy tủ quần áo và tủ bếp cũ còn tốt, chị gọi thợ yêu cầu chỉnh sửa một chút theo thiết kế của mình để dùng nhưng tìm tận 5 công ty đều tự chối.
Có nơi không nhận sửa đồ, có nơi chê lên chê xuống nói thiếu thốn gì mà chị phải tiết kiệm, khổ sở vậy. Có nơi đến kiểm đồ, nhận đưa về sau lại bảo hỏng hết rồi, chị làm mới đi, nói chị sửa mất tiền cũng chỉ dùng được 2 – 3 năm nữa. Rồi còn nói trả tiền chở đi vứt miễn phí cho. Nơi nào cũng nhắc đi nhắc lại làm tủ mới và tủ cũ thì chi phí như nhau, tội gì…
“Nhưng chỉ như nhau với cái ví tiền của mình, chứ đâu có như nhau với trái đất này. Bỏ ra một đống gỗ khổng lồ đó, rồi lại xẻ thêm một đống gỗ khổng lồ khác, là phí mất bao nhiêu rừng, là mất bao nhiêu điện trong nhà máy gỗ, là mất bao nhiêu năm mới tiêu huỷ được?”, chị Hà cho hay và bày tỏ, đi sửa đồ, trả tiền mà như thể chị đang làm một việc không đàng hoàng.
Theo chị Hà, ai nhìn vào cũng cho vấn đề là tiền, trong khi thải một đống ra đó rồi con cháu mình hứng nợ cả chứ đâu bốc hơi thành oxy được.
Người trẻ tham gia các chiến dịch dọn túi nilon, làm sạch môi trường
Mục tiêu đến năm 2025, chúng ta sẽ không dùng đồ nhựa dùng một lần. Có lẽ chưa lúc nào, việc sống xanh, sống sạch lại được nhiều người quan tâm như hiện nay. Không chỉ nằm ở việc hô hào, kêu gọi… rất nhiều người đã thật sự ý thức, áp dụng từ những điều nhỏ nhất.
Với thói quen tiêu dùng vô tội vạ, ít quan tâm đến các vấn đề môi trường của số đông người dân nhiều năm qua, ý thức sống xanh của nhiều người chắc chắn ít nhiều sẽ gặp trở ngại.
Tuy nhiên, nói như chị Thu Hoài, thay vì chờ đợi mọi người thay đổi, mỗi người phải tự thay đổi chính thói quen, hành vi của mình trước.
Theo thông tin từ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về phát sinh nhiều chất thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines. Trong khi đó, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỉ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi ni lon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi ni lon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.
Lê Đăng Đạt