Truyền hình trong việc tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 22/12/2011
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021

Diễn đàn là nơi gặp gỡ giữa những người làm truyền hình và các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý các địa phương có di sản văn hóa, nhằm chia sẻ những ý kiến và đóng góp thiết thực, qua đó nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình về di sản văn hóa.

Những năm qua, thành phố Hội An là địa phương đã làm rất tốt công tác bảo tồn các giá trị của một di sản văn hóa thế giới.

Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Lê Thị Minh Lý – Cục phó cục Di sản cho biết, với những lợi thế về âm thanh, hình ảnh, truyền hình là kênh thông tin nhanh và mạnh hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.

“Truyền hình đã giúp người dân nhận dạng, nuôi dưỡng và trao truyền di sản văn hóa một cách tự nguyện, qua đó nâng cao tính bền vững của các di sản. Bên cạnh đó, truyền hình cũng tác động rất tốt tới thệ hệ trẻ. Thông qua các chương trình được thực hiện ngắn gọn nhưng sinh động, truyền hình đã phần nào gắn được nhu cầu thưởng thức và tiếp nhận của giới trẻ với các di sản văn hóa”, tiến sỹ Lý nhấn mạnh.
TS Lê Thị Minh Lý trình bày tham luận tại diễn đàn

Tuy nhiên, đa phần các tham luận đều cho rằng, dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía các phóng viên, biên tập viên chuyên thực hiện các đề tài về di sản văn hóa nhưng thời gian, các chương trình truyền hình về đề tài này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Cách thực hiện các chương trình về di sản văn hóa thường mang tính truyền thống, hình ảnh đẹp, lời bình hay nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn, thường không có điểm nhấn. Bên cạnh đó, nhiều chương trình bị trùng lặp đề tài, thường chú trọng đến các di sản văn hóa thuộc quá khứ, khá vắng bóng các đề tài đương đại, chương trình thường chỉ được xem xét dưới một góc độ…

Lý giải về vấn đề này, nhà báo Phan Công Khương, Ban Văn hóa – Thể thao, Đài truyền hình Đà Nẵng cho biết: “Di sản văn hóa là một đề tài khô khan nếu không được người tuyên truyền thổi vào đó những phân tích, cảm nhận thẩm mỹ, nhân văn… trên cơ sở khoa học, qui luật cuộc sống. Điều quan trọng là người tuyên truyền không được áp đặt, phải tạo điều kiện cho chủ thể văn hóa nói, tránh sự chủ quan, một chiều. Như vậy vấn đề cần quan tâm ở đây là năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người phóng viên, biên tập viên tuyên truyền về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng”.

Phố cổ Hội An – Di sản văn hóa thế giới

Đề cập đến những giải pháp cho vấn đề trên, nhà báo Khánh Mai, Đài truyền hình TPHCM cho hay, việc học tập các chương trình về di sản văn hóa của các kênh truyền hình lớn trên thế giới như NHK, DW về cách thức tư duy, tiếp cận đề tài, xây dựng kịch bản, viết lời bình… là một gợi ý tốt.

Còn nhà báo Trần Thanh Minh, Trung tâm THVN tại thành phố Huế lại đưa ra giải pháp sử dụng những phóng viên chuyên trách về lĩnh vực di sản văn hóa tại các đài truyền hình, đồng thời phải có quy chế phối hợp tuyên truyền giữa các địa phương có di sản văn hóa và các cơ quan báo chí. Đây cũng là giải pháp được đại diện của thành phố Hội An hết sức đồng tình bởi mối quan hệ hai chiều giữa phóng viên và địa phương có di sản mang lại lợi ích hết sức thiết thực cho cả hai bên.

Khánh Hồng

Exit mobile version