Lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật tạp kĩ
Có thể nói, My đến với xiếc như một cái duyên Trời cho khi sinh được ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là nghệ sĩ Nguyễn Thị Thịnh đã gắn bó với nghề xiếc khoảng 30 năm.
Ngay từ khi còn rất bé, My đã được tiếp cận với những màn biểu diễn đầy hấp dẫn trong một sân khấu tròn rực rỡ sắc màu. Niềm yêu thích ấy lớn dần trong nhận thức, trở thành niềm đam mê và ước mơ của cô gái này.
Năm 12 tuổi – khi vừa đủ tuổi, My “nhập môn” Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Một khóa học kéo dài trong 5 năm để vừa học những kiến thức cơ bản, vừa tập luyện chuyên ngành riêng của mình.
My lựa chọn một màn trình diễn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ hơn cả vì tính rủi ro rất cao. Tiết mục nguy hiểm vì sử dụng kiếm, dao và biểu diễn trên không mà không có bất cứ hình thức bảo vệ nào.
Tiết diện tiếp xúc giữa dao và kiếm rất nhỏ, người biểu diễn phải dùng miệng để nâng kiếm với độ nặng khoảng chừng 1 kg. Những buổi đầu, My còn phải nhét áo vào trong người để tránh những “tai nạn nghề nghiệp”.
Thật may mắn, trong suốt thời gian tập luyện và biểu diễn, My luôn giữ cho mình phong thái tốt nhất để mỗi màn trình diễn đều trọn vẹn và an toàn. Cũng có một số sự cố nhỏ như bị rơi kiếm, rồi ngã từ trên dây lụa xuống đất, nhưng chưa lần nào gặp phải chấn thương nghiêm trọng, chỉ bị xây xước ngoài da.
Thành công đầu tiên
Mất những 5 năm để khổ luyện trong trường Xiếc, gặp rất nhiều khó khăn và đôi lúc tưởng như nản lòng. Để có màn trình diễn hoàn thiện và đẹp mắt như mọi người vẫn thưởng thức trong vài phút, người diễn viên xiếc phải mất vài năm để tập luyện.
Lần đầu tiên cô bạn của chúng ta lên sân khấu biểu diễn tiết mục của mình là năm 17 tuổi. Lúc đấy không ai là tránh được cảm xúc hồi hộp, lo lắng và rất nhiều áp lực.
Chưa bao giờ, My đứng trước một lượng khán giả lớn như vậy. Có rất nhiều khác biệt trong lúc tập luyện và biểu diễn. Khi tập, My chỉ chú ý chau chuốt sao cho thật thuần thục về mặt kĩ thuật, chuyên môn của bài diễn.
Nhưng khi bước ra sân khấu, 50% quyết định thành công lại là nghệ thuật thẩm thấu âm nhạc, thể hiện vũ đạo, phong cách và biểu đạt cảm xúc của người nghệ sĩ.
Trong chuyến tham gia lưu diễn tại Nga vừa qua, My xuất sắc giành giải thưởng cao nhất – HCV Liên hoan xiếc quốc tế. Đây là lần đầu My được ra nước ngoài biểu diễn và cọ xát với làng xiếc thế giới. Ấy vậy mà nghệ sĩ trẻ tài ba của Liên đoàn xiếc Trung Ương đã không làm mọi người phải thất vọng.
My tâm sự: “Tiết mục của bạn bè quốc tế rất xuất sắc và đáng nể phục. Lúc trao giải, My hồi hộp vô cùng. Cảm thấy buồn và có chút hụt hẫng khi đợi mãi không thấy tên mình. Cuối cùng niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi tên mình được sướng lên sau cùng với giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Cảm xúc lúc ấy khó có thể diễn tả bằng lời”.
Cuộc sống của một diễn viên xiếc
Trong khi giới trẻ hiện nay chẳng mấy ai còn mặn mà với xiếc, thậm chí là với cả những người có truyền thống gia đình vì xiếc vẫn được coi là một nghề rất “bạc”. Bây giờ những người đi theo con đường này không nhiều.
Ngày My còn trong trường Xiếc, có khoảng 60 người tham gia tập luyện nhưng khi ra trường chỉ có khoảng 20 người. Còn hiện tại, con số đấy còn nhỏ hơn nữa khi một khóa học chỉ có chục người.
Đi theo nghề nghiệp của mẹ, My chưa một lần nào hối hận với quyết định của mình. Có những lúc nản vì nghề xiếc mất quá nhiều thời gian. Tuổi thọ của nghề không được lâu, hạn chế người tập dành thời gian cho bản thân và gia đình.
Nhưng quan niệm không gì hạnh phúc hơn khi được sống với niềm đam mê và ước mơ của mình khiến cô bạn sinh năm 1993 bỏ lại sau lưng khó khăn đó. Nghệ thuật đã ngấm vào máu nên mỗi khi nhìn các bạn bước ra sân khấu biểu diễn là My không thể ngồi yên được.
Hàng ngày, lịch học tập và làm việc của My khá dày. Tới trường học từ 12h trưa tới 6h chiều, sau đó lại tập luyện tối từ 7h đến 9h. Các ngày cuối tuần tham gia biểu diễn tại rạp xiếc Trung Ương.
Trà My cho biết mẹ luôn là người động viên và theo sát cô con gái nhỏ và cô Thịnh cũng là huấn luyện viên số một của bạn ấy. Những ý tưởng cho bài diễn đều là do My và mẹ cùng thảo luận rồi kiên trì tập luyện. Vì đã có thâm niên với nghề nghiệp cô Thịnh hiểu những khó khăn khi cho con gái theo nghề xiếc. Cô trở thành chỗ dựa không thể thiếu giúp My có được thành công ngày hôm nay.
Bên cạnh đó còn phải kể đến sự chăm sóc và cưng chiều cô con “rượu” của bố My. Là một cảnh sát giao thông, nghề nghiệp được nhiều người cho là khô cứng nhưng bố My lại là người vui vẻ, hòa đồng và rất tâm lý với vợ con.
Vẫn biết là vất vả như thế nhưng khi hỏi về mong ước của bản thân, Trà My lại làm người viết bất ngờ khi chỉ mong muốn có thật nhiều sức khỏe để vừa học, vừa tham gia biểu diễn. My hiểu mình chỉ có thể gắn bó với nghề khi sức trẻ, nhiệt huyết còn tràn trề.
Đến một độ tuổi nào đó, khi phải dừng lại, My sẽ tiếp tục theo đuổi ước mơ thứ hai của mình. My đang theo học kế toán tại Đại học Phương Đông và mong rằng sau này sẽ có một nhà hàng riêng.
Xiếc Việt sẽ phát triển thế nào?
Trong chuyến lưu diễn tại Nga và Pháp vừa qua, My học hỏi và mở mang được rất nhiều điều. Cô bạn cung Nhân Mã rất thích sự tự do và “du hí” khắp nơi đã có một thời gian đẹp tại nước bạn.
My được đến nhiều nơi, hiểu thêm về văn hóa cũng như cách sống của họ. My nhận thấy xiếc Việt Nam còn bị hạn chế rất nhiều. Điều kiện tập luyện và bố trí thời gian của các diễn viên xiếc nước ngoài khá hoàn hảo và hợp lý.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng xiếc Việt Nam không phải không có chỗ đứng trên trường quốc tế. Và My đã khẳng định điều đó với thành công lần này. Xiếc giờ đây không chỉ đơn thuần là những gì người nghệ sĩ có thể làm được những điều mà người bình thường không thể, xiếc là nghệ thuật. Vậy nên nếu thực sự đam mê nó, có sự sáng tạo, đầu tư, chăm chút cho phần trình diễn của mình thì xiếc Việt còn tiến xa hơn nữa.
Nghệ sĩ xiếc cũng thường xuyên có show diễn tại các tỉnh xa. Lúc nào, My cũng tham gia vô cùng tích cực. Việc cảm thấy người dân khắp nơi đón chào mình rất nồng nhiệt là một hạnh phúc.
Không phải mọi người quay lưng lại với xiếc, chỉ có điều người Hà Nội giờ đây đã có quá nhiều hình thức để vui chơi, giải trí khiến cho họ vô tình lãng quên một nghệ thuật đặc sắc như xiếc mà thôi.
Theo Hoa học trò