Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” là dự án thử nghiệm tại 4 tỉnh gồm Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh theo định hướng đổi mới hệ thống TGXH, tập trung vào các nội dung: (i) xác định đối tượng thụ hưởng chính sách; (ii) tích hợp các chính sách tản mạn thành gói trợ cấp hộ gia đình, tách bạch rõ giữa việc đảm bào về nhu cầu của đối tượng (tức là một khoản tiền để đảm bảo đủ cho ăn mặc và đủ để chi trả cho các dịch vụ xã hội cơ bản) và đảm bảo về cung (tức là sự sẵn sàng, sẵn có của các dịch vụ các dịch vụ này nhu y tế, giáo dục, nước sạch v.v.); (iii) xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ và một hệ thống thông tin quản lý hiện đại để quản lý và cập nhật đối tượng, theo dõi tình hình và kết quả thực hiện chính sách, thực hiện chế độ báo cáo và hỗ trợ cho công tác giám sát, đánh giá; (iv) đổi mới công tác chi trả thông qua cơ quan chi trả độc lập; (v) huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ chăm sóc đối tượng, hướng đến các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng; (vi) tăng cường công tác giám sát, đánh giá v.v.
Ông Đặng Kim Chung, Giám đốc dự án cho biết: “Mục tiêu của đổi mới đó là phải hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, những đối tượng yếu thế; huy động được đa dạng các nguồn lực trong xã hội; đảm bảo minh bạch trong thực hiện chính sách nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững”.
Sau gần một năm triển khai thí điểm dự án đã thu được những kết quả khả quan và nhận được phản hồi tích cực từ người dân. Công tác chi trả thông qua Bưu điện đã đạt tỉ lệ thành công trên 90%. Kết quả này đã giảm thiểu áp lực cho bộ máy quản lý vốn quá tải, cồng kềnh và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả. Người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cũng như giúp người dân hàng tháng có một khoản tiền tập trung hơn để đầu tư cho dinh dưỡng, khám sức khỏe và cho trẻ đến trường.
Để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội trên toàn bộ 63 tỉnh thành, dự án đã phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Cục Bảo trợ xã hội và 63 tỉnh/ thành phố trong cả nước tiến hành hoạt động thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có người đang hưởng trợ cấp/trợ giúp hàng tháng. Đồng thời, dự án cũng căn bản hoàn thành hệ thống Thông tin quản lý (MIS) tích hợp cho các chính sách trợ giúp xã hội.
Một mô hình có thể chia sẻ trong cách tiếp cận đối tượng BTXH của dự án là việc xây dựng và củng cố năng lực cho hệ thống cộng tác viên thôn/bản. Lực lượng này là nòng cốt, được bồi dưỡng kiến thức về chính sách của chương trình Tạo cơ hội và các kỹ năng truyền thông để hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng dự án trong đăng ký tham gia chương trình, cung cấp thông tin và tuyên truyền vận động người dân sử dụng tiền trợ cấp đúng mục đích. Dự án cũng thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001567 để hỗ trợ ghi nhận giải đáp thắc mắc cho người dân kịp thời.