Về nghỉ không quên… kiếm tiền
Được nghỉ học là đôi bạn cùng quê Thanh Hoá, Thu Quỳnh, ĐH Kinh tế và Lữ Thoa, ĐH KHXH&NV Hà Nội lại bắt tay vào “vụ lớn” cuối năm. Thoa và Quỳnh mua hoa quả về nhà bán Tết. Thoa được nghỉ học sớm, nên lên đường về quê chuẩn bị “cửa hàng”, còn Quỳnh ở lại mua hàng, đóng gói rồi gửi về.
Quýt ngọt là món hàng chính hai người buôn, nhưng họ còn tuỳ vào thị trường ở quê để kinh doanh thêm các hoa quả khác như thanh long, lê, táo. Quỳnh cho biết, ý tưởng buôn hoa quả của hai cô có từ Tết năm trước. Khi mà về nghỉ Tết họ thấy bố mẹ mua gần đến 40.000 đồng một cân quýt, chênh lệch với giá ở Hà Nội gần ba lần.
Năm ngoái, do lần đầu “cọ xát”, chưa có kinh nghiệm trong việc mua hàng, bán hàng nên đợt buôn của họ hoà vốn. Nhưng đổi lại, họ có được kinh nghiệm để năm nay “tổng công kích”.
Về quê, Thoa “bắt mối” được với nhiều nhà bán hoa quả lẻ để nhập hàng. Trời lạnh, hàng được giao tận nơi với giá phải chăng thì không còn gì bằng. Còn Quỳnh “lùng” ở chợ Long Biên cả mấy hôm cũng tìm được chỗ mua với giá bán buôn, tự cô kiểm hàng nên rất đảm bảo.
“Từ đầu tuần này, tớ đã gửi về hai chuyến hoa quả. Mỗi chuyến là 10 thùng quýt, mỗi thùng 20 kg. Chỉ riêng những hợp đồng cố định trong tay từ giờ đến 29 Tết đã gần một tấn quýt, đó là chưa kể Thoa còn trực tiếp bán lẻ” – Quỳnh hồ hởi.
28 Tết này, Quỳnh sẽ lên đường về nhà, “bám đuôi” cùng chiếc xe chở chuyến hàng lớn nhất của mình. Quỳnh khoe: “Đến thời điểm này, dư dư ra bọn tớ cũng đã có thể tính khoản tiền lãi của mình, đủ cho hai đứa tự trang trải cả kỳ học sau”.
Mang hàng từ Hà Nội về quê bán dịp Tết cũng được rất nhiều sinh viên khác tranh thủ. Hàng mà nhiều sinh viên đưa về quê buôn nhất là hoa, có thể là hoa tươi, hoa nhựa, cây cảnh nhỏ…
Thanh Hiệp, ĐH Xây dựng cũng “đầu tư” gần hai triệu đồng để buôn các loại hoa, cây cảnh từ Hà Nội về quê ở tận Hà Tĩnh. Vì ở quê Hiệp, chợ Tết rất khan hiếm “món này”.
“Mình đã tham khảo thị trường hoa và cây cảnh nhỏ trên đường Hoa Hoa Thám cả tuần rồi và đã tìm được chỗ lấy hàng. Chủ yếu là những loại cây trồng nhỏ nhắn như xương rồng, hoa cúc, giá rẻ”.
Dự tính của Hiệp là 26 về quê và sẽ bán ngay trước nhà vì nhà cậu ở ngay trung tâm thị trấn. “Lần đầu mình đi buôn mà, chẳng nói trước được gì. Bố mẹ nói, nếu không may sẽ bù lỗ cho mình một nửa. Nhưng biết đâu vài năm nữa lại có thương hiệu cây cảnh Thanh Hiệp ở huyện thì sao nhỉ?” – Hiệp hóm hỉnh.
Buôn “ngược dòng”
Cũng là những “phi vụ” kiếm tiền nhưng không phải từ phố về quê mà ngược lại… Cậu sinh viên Trần Quốc Hiệu, ĐH Khoa học Tự nhiên mang lá dong từ quê ra thành phố kiếm lãi.
Hiệu “bén duyên” với lá dong khi là cậu học năm thứ hai. Lần đó, Hiệu đến chơi nhà một người bạn ở huyện Thanh Trì, nghe ông chú của cậu bạn kêu trời vì thiếu lá dong để bán Tết. Biết ở quê mình các bản trồng rất nhiều lá dong nhưng chủ yếu là đem cho, hoặc bán thì cũng rất ít. Thế là Hiệu đặt ngay vấn đề “buôn lá dong” với ông chú của bạn.
Ngay trong năm đầu tiên, với hai chuyến xe tải chở lá dong từ Nghệ An ra Hà Nội, Hiệu đã có được số tiền lãi ngoài sức tưởng tượng của mình.
Năm nay, cậu “ăn gian” mấy buổi học cuối năm về nhà gom lá. Chỉ sau ba ngày lặn lội ở các bản, Hiệu đã có đủ hàng cho chuyến “xuất quân” ra Hà Nội của mình.
“Mỗi bó lá dong 100 lá mình mua tại nơi là 2.500 đồng, ra Hà Nội nhập thẳng cũng đã gần 7.000. Hàng nghìn bó một chuyến, trừ tiền xe ít nhất mình cũng đã lãi trên 5 triệu” – Hiệu thật thà.
Tuy nhiên, so với năm ngoái, năm nay trời rét ít người đi lấy lá nên Hiệu chỉ kịp gom được một chuyến. “Nhưng từng đó cũng đủ để mình có một cái Tết đàng hoàng mà không cần xin bố mẹ, ra năm lại có tiền đóng học phí”.
Một cậu bạn thân của Hiệu cũng đang buôn đào rừng từ Sơn La xuống Hà Nội. Hiệu cũng mong bạn mình “làm ăn” tốt để ra năm còn tổ chức bữa liên hoan.
Điểm khác nhau giữa những việc làm thêm của sinh viên và kiểu đi buôn thời vụ của mình, Hiệu chia sẻ: “Mình cần có vốn và nhất là phải có chút máu liều”.
Hiệu và cô bạn Thu Quỳnh cùng có chung suy nghĩ: “Sinh viên làm thêm mà, phải tranh thủ bất kể lúc nào có thể. Lãi cũng quan trọng nhưng hơn hết là tạo cho mình tính tự lập và va chạm nhiều hơn nữa với cuộc sống mà những bài học trên giảng đường không có được”.
Hoài Nam