Tranh cãi về giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 08/07/2011
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021
Trong danh sách những đạo diễn được xét tặng danh hiệu NSND và xét duyệt giải thưởng Nhà nước ở lĩnh vực điện ảnh năm nay có tên đạo diễn Nguyễn Thước của Hãng phim tài liệu & khoa học TW.
 
Những tranh cãi bắt đầu nảy sinh khi website của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch công bố danh sách những cá nhân được hội đồng cấp Bộ đề nghị hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Nhà nước năm nay, trong danh sách đó, đạo diễn- NSƯT Nguyễn Thước đăng ký 3 bộ phim: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @ Chất xám.
 

Một cảnh trong phim Sự nhọc nhằn của cát

Bộ phim Sự nhọc nhằn của cát của đạo diễn Nguyễn Thước do Phan Thanh Tú viết kịch bản, Phan Huyền Thư viết lời bình. Với bộ phim này, biên kịch Phan Thanh Tú đã đoạt giải Bông Sen Vàng ở hạng mục giải thưởng dành cho biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) quốc gia năm 2004. Với bộ phim Chất xám (đạo diễn Nguyễn Thước, biên kịch Phan Huyền Thư), tại LHP lần thứ XVI tổ chức cuối năm 2010 tại TPHCM, Phan Huyền Thư đoạt Bông Sen Vàng cho biên kịch xuất sắc nhất. Chính vì sự việc 2 biên kịch đoạt giải thưởng cấp quốc gia, trong khi, đạo diễn không có giải thưởng lại gửi phim xét tặng giải thưởng Nhà nước đã gây những tranh cãi, kiện cáo.

 

Sau khi biên kịch Phan Thanh Tú phát đơn kiện, đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ với phóng viên Dân trí: “Sở dĩ Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú có những phản ứng như vậy là do cả hai bạn ấy không hề hiểu về tiêu chí xét tặng giải thưởng Nhà nước của hội đồng cấp Bộ trước khi gửi lên hội đồng cấp Nhà nước. Đúng là từ năm 2000 trở về trước, giải thưởng Nhà nước chỉ xét duyệt cho các tác giả kịch bản. Tuy nhiên, từ năm 2005, việc đó đã thay đổi. Năm 2007 có rất nhiều đạo diễn đã được xét duyệt giải thưởng Nhà nước với tư cách đạo diễn, đơn cử, năm 2007, đạo diễn – NSND Bùi Đình Hạc đã được tặng thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh, đạo diễn – NSƯT Thanh Vân đã được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước. Biên kịch Phan Thanh Tú còn có sự nhầm lẫn khác rằng, nếu tôi đưa phim Sự nhọc nhằn của cát xin xét duyệt năm nay, Phan Thanh Tú sẽ không có cơ hội gửi phim xét duyệt giải thưởng những năm khác. Chị Tú hoàn toàn nhầm lẫn. Chị ấy vẫn có thể gửi phim xin xét duyệt giải thưởng sau này”.

 

Đạo diễn Nguyễn Thước

Theo đạo diễn Nguyễn Thước, việc 2 biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú khiếu kiện đã thể hiện sự không tôn trọng đối với đồng nghiệp, trong khi, đạo diễn Nguyễn Thước, biên kịch Phan Huyền Thư, biên kịch Phan Thanh Tú là những cộng sự cùng cơ quan (hãng phim Tài liệu & Khoa học TW), đã cùng nhau trải qua nhiều vất vả để có được những “đứa con” chung, trong đó có 3 tác phẩm trên.

Đạo diễn Nguyễn Thước cho rằng: “Đạo diễn luôn là tác giả chính của một bộ phim, từ xưa đến nay, nền điện ảnh nào cũng công nhận điều đó. Tôi coi trọng kịch bản, tôi coi trọng đóng góp của những nhà biên kịch, tuy nhiên, họ cũng phải thấy rằng, quá trình làm phim tài liệu là một quá trình thay đổi nhận thức. Từ kịch bản đến phim là cả một hành trình, và có sự thay đổi rõ nét. Khán giả xem Chất xám, xem Sự nhọc nhằn của cát… là xem phim, chứ có phải đọc kịch bản đâu? Kịch bản của phim tài liệu đôi khi chỉ bắt đầu từ một ý tưởng, thậm chí, từ một câu nói vu vơ trong khi trao đổi, trò chuyện cũng có thể thành một kịch bản. Và tôi cho rằng, với một tác phẩm có tính tập thể như điện ảnh, đừng ai vỗ ngực tự nhận mình là quan trọng nhất! Tôi gửi phim xin xét duyệt chỉ gửi xin xét duyệt với tư cách đạo diễn”.

 

Biên kịch Phan Huyền Thư

Liên hệ với Phan Huyền Thư – tác giả kịch bản của Những công dân @Chất xám, 2 trong 3 bộ phim đạo diễn Nguyễn Thước gửi xin xét duyệt giải thưởng Nhà nước, chị cho biết: “Đạo diễn Nguyễn Thước phải thấy rằng, trong cả 3 bộ phim anh ấy gửi xin xét duyệt giải thưởng Nhà nước với tư cách đạo diễn – như anh ấy nói, không có phim nào anh ấy từng đoạt được giải thưởng với tư cách đạo diễn. Trong đó, tôi và chị Phan Thanh Tú đều có giải Bông Sen Vàng cấp quốc gia ở tư cách biên kịch. Những công dân @ cũng là phim đã đoạt nhiều giải Cánh Diều Vàng của hội Điện ảnh, tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thước cũng không đoạt giải cá nhân. Vậy thì, khi anh không có giải thưởng cấp quốc gia dành cho tư cách đạo diễn, tại sao anh có thể mang phim xin xét duyệt giải thưởng Nhà nước ở vai trò đạo diễn?”.

Phan Huyền Thư khẳng định: “Tôi không muốn đôi co về việc này, thực sự thế. Tôi đã im lặng trong một khoảng thời gian dài… Nếu chỉ đơn giản việc anh Nguyễn Thước được xét duyệt NSND, tôi sẽ không nói gì, thậm chí, tôi mừng cho anh ấy, tôi mừng khi phim của tôi có thể góp được phần vào danh hiệu anh ấy có được. Nhưng, giải thưởng Nhà nước là một giải thưởng lớn, uy tín, rất ít người có thể có được… Tôi không khiếu kiện, tôi chỉ nghĩ, đây là một cơ hội tốt để anh Nguyễn Thước có thể tự nhìn nhận, tự đánh giá lại bản thân và vị trí của mình trong sinh hoạt điện ảnh”. 
 

3 bộ phim đạo diễn Nguyễn Thước gửi xin xét duyệt giải thưởng Nhà nước thuộc những công trình văn học, nghệ thuật- lĩnh vực điện ảnh. Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh là những giải thưởng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật.

Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.

Giải thưởng Nhà nước được xét và công bố 2 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9.

 

Hiền Hương
Exit mobile version