Trải lòng của những cô gái hành nghề massage

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 09/03/2012
Lần cập nhập cuối: 14/01/2021

Từ sức ép tình cảm phũ phàng

 

Nga ăn Tết Nhâm Thìn, cái Tết đầu tiên tại Hà Nội và cũng là cái Tết đầu tiên cô xa nhà. Cô mới ra Hà Nội từ tháng 7/2011. Mới làm việc và thời gian làm việc ngắn nên số tiền Nga kiếm được không nhiều. Nhà cô tận Hậu Giang nên nếu về nhà thì phần lớn số tiền dành dụm cho gia đình ăn Tết sẽ phải chi tiêu vào việc đi lại.

 

“Cả Tết em chỉ nằm và khóc. Nhớ đến cả cái nắng ấm của quê em. Nghe tiếng người đi chúc tụng nhau mà lại tưởng tượng ra cảnh ba mẹ em đang làm mâm cúng, hàng xóm họ hàng qua chơi… mà không cầm được nước mắt. Lúc đó chỉ thèm có một người ở bên mình thôi”, Nga nói trong ngậm ngùi.

 

Ở độ tuổi tràn đầy sinh lực và khao khát, sống giữa một thế giới quá nhiều tiếp xúc với đàn ông cộng thêm sức ép của sự cô đơn, không khó để hiểu rằng chuyện yêu đương trở thành một nhu cầu mạnh mẽ và chính đáng của mỗi cô gái. Ví như Út Hương, người yêu cô hơn cô 17 tuổi và ở Hải Dương.

 

Lần đầu gặp Út Hương, người đàn ông đó “bo” thẳng 1 triệu và lên Hà Nội công tác nhiều hơn. Anh ta đã có gia đình với những đứa con cũng xấp xỉ tuổi Út Hương. Cô biết và chấp nhận, “chẳng ai thật lòng với thân gái như bọn em đâu anh. Làm sao mà một mình mãi được. Anh ấy tuy vậy nhưng tốt với em mà. Em đâu có gì mà đòi hỏi nhiều hơn thế?”. Cô đã yêu một tình yêu lầm lỗi và quyết định sinh con với người đàn ông này, dành thời gian học hành bài bản để chuyển sang làm tại một trung tâm spa.

 

Phần lớn những cô gái làm massage đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ở lứa tuổi này, nhu cầu làm vợ, làm mẹ trở thành một quyền chính đáng của bất kỳ người phụ nữ nào. Nhưng để có một gia đình gần như các cô gái không có lựa chọn nào khác là về quê lấy chồng. Tuy nhiên đây là một lựa chọn quá nhiều rủi ro.

 

Thứ nhất họ phải trả lời câu hỏi gia đình họ sẽ tiếp tục sống như thế nào khi nguồn cung chính bị cắt đứt. Thứ hai liệu họ có lấy được một người chồng tử tế chấp nhận quá khứ và các điều tiếng họ mang. Thứ ba bản thân những người đàn ông nơi quê hương họ với những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng cũng không chắc mang lại cho họ hạnh phúc.

 

Còn Trúc, thông thường bữa ăn chính bắt đầu vào lúc 0h. Trúc 17 tuổi và làm cho một quán massage trên đường Giảng Võ, Hà Nội. Cuộc sống của Trúc là một vòng quay đều đặn. Sáng 9h ngủ dậy, 10h có mặt ở chỗ làm. Cả ngày cô sẽ tiếp tục ngủ, đợi có khách, làm việc và chờ đợi cho đến 23h30’.

 

“Muốn yêu một người tử tế cũng khó lắm anh à. Chẳng ai có công ăn việc làm mà lại sinh hoạt như bọn em cả. Có yêu thì cũng chỉ yêu dân xã hội làm cá độ và hay sống về đêm thôi”, Trúc tâm sự trong tiếng thở dài: “Thân con gái đi về giữa đêm hôm sao chẳng thèm ai đó bên mình. Thôi thì nhiều khi đành chấp nhận”.

 

Trong môi trường khép kín của mình, nhiều cô gái làm massage đều tìm kiếm tình yêu từ chính những khách hàng. Không có quá nhiều thời gian để hiểu về nhau, để suy xét và cân nhắc những điều hơn thiệt, phần lớn những cuộc tình đều diễn ra chóng vánh. Thiếu học hành và hiểu biết xã hội cũng như sự che chở từ gia đình, các cô gái đều bước vào những cuộc tình không một chút khả năng đề kháng trước những rủi ro.

 

Nếu yêu một kẻ ăn chơi, họ cũng sẽ trở thành người ăn chơi, yêu một kẻ tệ nạn, họ cũng dễ dàng sa vào tệ nạn. Khi cuộc tình qua đi, với những nỗi buồn, thất vọng, chán chường, không khó để hiểu rằng họ sẽ tiếp tục dấn sâu thêm vào những sai lầm trong khi tuổi trẻ đang ngày càng ngắn lại. Làm sao họ chủ động được cuộc sống tình cảm của mình?

 

Những ngả đường hướng thiện

 

Thực tế không phải các cô gái làm massage không có những tiềm năng để vươn tới cuộc sống bền vững hơn. Đa phần họ đều có ngoại hình khả quan, khả năng giao tiếp và thích nghi tốt. Tuy nhiên, họ là những người học hành không đến nơi đến chốn và thiếu những kỹ năng cơ bản nhất của cuộc sống.

 

Không khó để thấy rằng gần như họ không được gia đình đầu tư và giáo dục để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, trong những tâm hồn in đậm dấu ấn của một vùng đất phóng khoáng đến hoang sơ đó vẫn tồn tại một khao khát  hướng thiện.

 

Mai làm ở khách sạn trên đường Hàng Chuối, Hà Nội, bỏ học từ năm 14 tuổi để phụ giúp gia đình. Cô đã từng chăn vịt, từng dệt chiếu, từng xin vào làm công nhân khu chế xuất nhưng không đủ tuổi. Năm cô 17, ba mẹ mua cho cô dăm bộ quần áo đẹp và son phấn. Cô chỉ việc đi loanh quanh khắp vùng để tìm kiếm môi giới lấy chồng Hàn. Lập gia đình như vậy gia đình cô sẽ được trả từ 1.000$ đến 5.000$.

 

Nhìn cảnh bạn bè quen biết lấy những ông chồng già lụ khụ, những người khuyết tật, những người bất thường về nơi xa xứ mà đến tiếng nói còn không hiểu, Mai quyết định đi làm massage. Cô không oán trách gia đình mà vẫn đều đặn gửi tiền về nuôi cha mẹ. “Em chỉ ước mơ mở một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ ở quê. Rồi nếu lấy được một người chồng tốt thì cuộc sống cũng không đến nỗi khó khăn quá anh à”.

 

Mỗi cô gái đều phải chấp nhận gánh nặng lớn từ gia đình, nhưng ít ai trách móc hay bỏ rơi gia đình mình. Với sự bao dung vượt lên những hạn chế của gia đình và sức ép mưu sinh, hầu như trong mỗi cô gái đều nuôi niềm tin về một sự đoàn tụ và ước mơ về một gia đình êm ấm.

 

Như thể một chiếc neo, một ngọn hải đăng giữ lại và hướng con người tới những điều tốt đẹp, những khát khao thầm kín ấy bảo vệ nhiều cô gái trước những cám dỗ của cuộc sống và lầm lạc trong những hoàn cảnh khó khăn. Dù nhiều thử thách và không ít đớn đau, dằn vặt nhưng chính họ đã thực hiện quyền cơ bản nhất để trở thành một người trưởng thành: học chính từ cuộc đời để sống chính cuộc đời mình.

 

Trong xã hội hiện đại, massage luôn được coi là một nghề kiếm sống chính đáng với những quy định quản lý nghiêm  ngặt của Nhà nước. Không ai muốn chọn một nghề dễ bị tổn thương, nhưng con đường kiếm sống để tồn tại, vươn lên thật có nhiều ngả.

 

Nhiều cô gái làm nghề này tâm sự với chúng tôi, họ chỉ làm đến một độ tuổi nào đấy, kiếm lưng vốn để trở về quê chuyển sang một nghề mới. Hãy sẻ chia bằng cái nhìn cảm thông để giúp các cô gái mà chúng tôi đề cập trong phóng sự này thực hiện được ước mơ hướng thiện của họ

 

Theo Thanh Tùng

CAND

Exit mobile version