TP. HCM: Hàng ngàn người dân đến chùa xin lộc thời khắc giao thừa

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 28/01/2017
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Hàng ngàn Phật tử đến chùa xin lộc thời khắc giao thừa

Ở đây, Phật tử được phép gióng một tiếng chuông, gửi vào đó những ước nguyện trước thềm năm mới. Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, nhất là dịp tết, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc.

Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.

Phật tử đốt hương to khấn Phật sau đó mang về nhà như rước lộc.
Hương được dùng thường khá to để có thể kịp mang về nhà.
Thả chim phóng sanh.
Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời – đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Phật tử được phép giống một tiếng chuông, gửi vào đó những ước nguyện trước thềm năm mới.

Cô Kimberly Elizabeth Smith, đến từ đại học Harvard, Mỹ không thuộc tín đồ của tôn giáo nào nhưng lại diện một tà áo dài đến chùa xin lộc. “Tôi cảm thấy rất yêu đất nước Việt Nam, tôi cảm thấy bất ngờ về con người ở đây. Thật thú vị khi đón tết cổ truyền Việt Nam với bộ áo dài, chắc chắn tôi sẽ trở lại đây…”, Kimberly chia sẻ.

Dù không theo một tôn giáo nào nhưng bạn Kimberly vẫn như những Phật tử khác, vẫn chắp tay cầu nguyện.

Kimberly cùng các bạn Việt Nam của mình.

Đi cùng vợ và hai con, anh Phạm Đức Hiền, ngụ Tân Bình cho biết: “Như mọi năm, vào thời khắc giao thừa, gia đình tôi đi lễ chùa cầu mong một năm mới suôn sẻ, vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cũng mong những dự định của mình trong năm 2017 được thuận lợi…”.

Gia đình anh Phạm Đức Hiền đến chùa xin lộc đầu năm.

Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực.

Do đó, người ta đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Vào dịp đầu năm, người dân thường ghé lại các đình, chùa để xin một nhánh non đem về treo trước cửa nhà hoặc chưng trên bàn thờ gia tiên với hy vọng rước được phước lộc về cho gia đình.

Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.

Nếu ngày xưa, việc hái lộc phải từ những cây ở chùa thì hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những phá cách mang tính tích cực.
Những năm gần đây, người đi hái lộc đầu xuân thường hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt đọt cây.
Một cành lộc giấy được Phật tử mua cầu phúc năm mới.
Làn khói hương lan tỏa như lời ban phúc đấng từ bi chứng minh cho lời thỉnh cầu của các Phật tử.
Số lượng hương cắm nhiều đến nỗi có lúc lửa bén cháy đỏ rực cả lư đồng.
Lực lượng bảo vệ nhắc nhở liên tục việc đốt hương vừa phải và tự bảo quản tài sản cá nhân.
Mỗi Phật tử đến chùa đều mang theo những ước vọng đầu năm.

Cứ mỗi độ xuân về, trong phút giao thời giữa năm cũ và mới, nhiều người Việt thường có tục lễ chùa và xin lộc. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.

Phạm Nguyễn

Exit mobile version