Tôi đi làm… nhân viên nhà nghỉ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 19/05/2008
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Tôi từng có một thời gian làm nhân viên ở những nhà nghỉ nhỏ vùng ngoại ô TP Hà Nội. Dạng nhân viên này hay được gọi là bảo kê cho oai chứ thực ra chỉ là một người làm tạp nham rất nhiều việc. Dẫu vậy, đi đến đâu thì vẫn được gọi là… bảo kê. Danh từ để chỉ những người trông nom ổ chứa, tiếp xúc, quản lý đám nhân viên nữ.

 

Chỉ cần dạng bình dân

 

Những người được gọi là bảo kê ở ngoại thành, phần lớn chỉ là những chàng trai bình thường, không cần “trang bị” võ nghệ do đặc tính công việc của họ. Một chàng trai tốt nghiệp THPT hay thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học cũng có thể tranh thủ chờ đợi cơ hội đi làm bảo kê. Khi đến còn ngơ ngác không biết gì, nhưng công việc không quá khó, vừa làm vừa nhìn người khác, chỉ hai ba ngày là quen.

 

Trong khi đó, đối với những động lắc, sàn nhảy, hay những ổ chứa lớn ở một vài khách sạn, nhà hàng nội thành thì khác. Hầu hết họ được trang bị chút ít võ nghệ, thân hình cao lớn, chắc nịch, đôi khi còn phải xăm trổ, nhìn bề ngoài trông dữ dằn, dễ khiến người khác sợ. Vậy mới là những bảo kê có thể đảm bảo được an ninh, an toàn cho chủ.

 

Có nghĩa là sự tuyển chọn sẽ rất khắt khe, không phải ai cũng có thể làm được. Chủ đặt ra những tiêu chuẩn cao và sẵn sàng trả lương cao cho những chàng trai bệ vệ của mình. Họ chẳng những là bảo kê, mà còn đóng vai trò như những vệ sĩ.

 

Tốt nghiệp lớp 12, tôi gần như thất nghiệp, nhờ một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Bưởi tìm cho. Thế là họ đưa đi Đông Anh, dẫn vào làm ở nhà nghỉ. Cùng tôi vào đợt đó còn có một người tên Chính ở Sài Đồng, Gia Lâm.

 

Nhà nghỉ thiếu người, việc bận nên được nhận. Ngay tức khắc, cả hai được giới thiệu qua loa về đặc trưng của công việc và những gì chúng tôi phải làm.

 

Ông chủ tên V. cười nói rằng: “Công việc không khó khăn, nhưng cũng cần nhanh nhạy và khéo”. Anh nói một vài ám hiệu trong khi tiếp khách để nếu chẳng may Công an ập tới còn biết mà ứng phó.

 

Ví như có khách đang nghỉ cùng với nhân viên nữ ở đằng sau thì phải khóa cửa lại. Có một người đứng sau cánh cửa đó. Bao giờ ở quầy có tiếng “T. ơi cho vào với” hay “H. ơi cho vào với” mới được mở ra.

 

Anh V. vỗ vai tôi: “Mấy hôm trước có thằng đến đây, huấn luyện thế nào nó cũng chẳng hiểu. Thanh toán tiền cho khách sai bét bèn bẹt. Khách kêu. Thế là bái bai luôn. Anh hy vọng hai chú làm được việc”.

 

Hai chú ở đây là tôi và Chính. Chính người to cao chứ không như tôi khiêm tốn 50kg. Chẳng cần phải nói thì tôi cũng biết cần phải làm gì, vì mình đang thất nghiệp. Lại thấy công việc ở đây vừa có chút mạo hiểm, hay hay nên hào hứng làm.

 

Nhà nghỉ có 6 nhân viên nam. 4 người chuyên trách trong nhà nghỉ, còn 2 chịu trách nhiệm dùng xe máy chợ búa, mua đồ dùng, đưa đón nhân viên nữ. Có chỗ nào gọi thì sẵn sàng đưa nhân viên nữ đến “đáp ứng yêu cầu” cho họ. Hoặc nếu mình thiếu thì có thể đi chở, hoặc gọi họ chở đến.

 

Thời gian rảnh, hai nhân viên này trông xe bên ngoài, hoặc đi “liên hệ” để kéo thêm nhân viên nữ mới và xinh về nhà nghỉ của mình “công tác”. 4 người còn lại làm tất cả mọi việc trong nhà nghỉ, từ làm thuế, quản lý nhân viên, chấm công đến điều nhân viên nữ cho khách đến chơi, thanh toán, dọn phòng, dọn nhà… Ngoài ra, còn phải nhận tin tức từ các em, xem hôm nay có ai “bị” không tiếp khách được, thì đừng điều đi.

 

Nguyễn Công Chung, làm cho nhà nghỉ H.C. được 4 năm, nói rằng từ ngày anh làm chưa để ra sai sót gì quá đáng. Có nghĩa là anh đã thạo tất cả những tình huống có thể xảy đến và biết cách xử lý ra sao.

 

Ngoài ra, còn phải biết cách chiều chuộng khách quen nữa, nếu người đó đến một mình thì thi thoảng “biếu” luôn, để họ còn dẫn cả cơ quan đến, hay kéo những đoàn khách khác đến thết đãi. Lợi cả đôi bên. “Đôi khi phải biết thả con săn sắt bắt con cá chuối đấy các chú ạ”.

 

Nhà nghỉ H.C. có thâm niên hơn mười năm, biết bao lượt nhân viên nam làm bảo kê ở đây, còn những cô gái đã đến và đi nhiều vô kể. Và một điều là, những nhân viên nam “bảo kê” đến làm chủ yếu là những người không được học cao, thất nghiệp, những gã chạy xe ôm trẻ… Miễn là chịu được vất vả, dễ sai bảo.

 

Ban đầu làm việc, tôi được sự dẫn dắt của anh Chung. Từ cách lau nhà thế nào để nhanh và sạch, cách ứng phó với đối tượng khách say xỉn, quậy phá, kinh nghiệm “điều” nhân viên đi với khách thế nào cho hợp lý. Tôi không đến nỗi chậm chạp quá nên rất nhanh thích ứng, và chẳng bao lâu đã có thể điều cho cả 20 khách một lúc mà không thấy ai kêu ca gì.

 

Cuộc sống thường nhật và những cám dỗ

 

Đặc trưng của bảo kê ngoại thành là những người dễ sai khiến, không có nhiều mánh lớn kiếm tiền bằng cách làm ăn thêm ở bên ngoài. Chủ yếu sống dựa vào chủ, tiền boa của khách và đưa đón nhân viên nữ để họ bồi dưỡng thêm và, không yêu cầu trình độ. Do đặc trưng công việc nên đối tượng này không cần quá nhiều đến cơ bắp. Mà có thì càng tốt. Thành phần tương đối đa dạng. Người có vợ rồi cũng như thanh niên mới lớn.

 

Chưa vào làm thì công việc có vẻ rất dễ dàng. Nhưng phải một thời gian sau tôi mới thấy rõ sự phức tạp của nó. Cảnh sống tập thể, ở chung dưới một mái nhà, ăn cơm chung, nên những va chạm nhiều như… muối biển. Nhiều chuyện nhất là đám nhân viên nữ. Họ phải sống tập trung trong hai căn phòng chật hẹp, không có khách, hoặc ngồi đánh bài ăn tiền, hoặc nằm ngả ngớn ra sàn.

 

Trong đám nữ có Ban là cô gái được mệnh danh là “Bà la sát” sẵn sàng nhảy xổ vào cấu xé bất cứ cô gái nào dám cãi lại mình. Ban 25 tuổi và là người khiến đám nhân viên nam phải nể vì tính hiếu chiến. Đến được một tháng thì được chứng kiến trận chiến của Ban với cô Thy và Cúc ở Hải Dương chỉ vì Thy mặc nhầm quần lót của Ban phơi trên tầng tum. Ban lèm bèm chửi cho dù Thy đã xin lỗi. “Có gì mà quá đáng thế, em đã xin lỗi chị rồi”.

 

Ban quát: “A, con này, mày dám bảo tao quá đáng”. Thế là Ban nhảy bổ vào Thy. Cúc là người cùng Thy dắt díu nhau đi làm, thấy bạn bị đánh nhảy vào bênh. Kết cục là cả hai đều bị tả tơi quần áo. Nếu đám bảo kê không can nhanh thì chẳng biết sự thể sẽ đi đến đâu.

 

Sự việc phải nói là phức tạp khi xảy ra sự mâu thuẫn giữa các nhân viên nữ. Họ cũng bè cánh, bắt nạt nhau. Còn trả thù nhau nữa. Những nhân viên nam như tôi phải đứng ra phân xử tất tật, không xử được thì đến tay chủ nhà nghỉ. Xử làm sao cho khéo để không ai cảm thấy bị tổn thương, không cảm thấy người kia được bênh vực còn mình thì bị hắt hủi…

 

 

Nhân viên bảo kê với nhau thôi cũng khối vấn đề cần nói. Như mâu thuẫn vì chia chác tiền “boa” của khách, tranh nhau một cô gái xinh trong nhà. Mà điều này đã diễn ra trước đó hai năm. Hai anh chàng nhảy vào đánh nhau như đấu sĩ chỉ vì một cô gái khá khả ái. Sau đó cả hai phải nghỉ việc. Nghe đâu sau khi nghỉ việc họ còn hẹn nhau để đánh tiếp.

 

Hành nghề này là phạm pháp, vì thế mà khó tránh khỏi tai mắt của chính quyền và Công an. Nên đám bảo kê còn phải lo ứng phó để trốn Công an. Lỡ để họ tóm được thì tha hồ nộp tiền phạt. Nhưng đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma.

 

Lỡ để Công an bắt được khách đang mua bán dâm với nhân viên nữ thì người thiệt hại nhiều là chủ chứa. Nên ông ta sẽ khiển trách, thậm chí chửi mắng dã man. Mà làm việc thì có ai không sai bao giờ. Vậy nên, khi Công an gay gắt kiểm tra, thì áp lực đối với bảo kê thật lớn.

 

Những cám dỗ ở đây cũng nhiều vô kể, chẳng cứ gì đám bảo kê ở những khách sạn, những ổ chứa lớn. Đám bảo kê cũng là đàn ông, mà nhân viên nữ thì ăn mặc khêu gợi vì… nghề nghiệp. Cũng có nhiều cô xinh xắn, lại môi phấn má hồng, nên nảy sinh ham muốn là khó tránh khỏi.

 

Đến như chủ nhà nghỉ vẫn còn bí mật “gọi” nhân viên ở nơi khác về nghỉ nữa là. Nên chuyện nam nữ ở đây thích nhau là thường. Tôi cũng có nguy cơ bị cuốn theo cái guồng đó. Đúng là có cô đã chủ động mồi chài mình.

 

Họ đi qua, vuốt ve lên ngực hay cố  tình khêu gợi bằng các cử chỉ để các anh sập bẫy. Anh Chung nhếch mép bảo: “Chú mày cứ “ăn” đi. Nó vờn vỡ thế mà không ăn có mà phí của. Nhát làm gì, nó khinh”. “Không, em sợ lắm, chẳng dám đâu”.

 

Nếu không kìm nén được ham muốn, thì bất kể nhiều hay ít tuổi, đã vào đây là “dính” các em ngay. Cho nên, tôi vẫn bị Chung chửi là ngu. Còn Chính thì khinh ra mặt: “Anh chẳng dám làm gì cả. Kém!”…

 

Lời kết

 

Làm bảo kê là gắn với những vất vả và nhiều thử thách. Những cám dỗ cũng nhiều vô kể. Điều này thực sự nguy hại đối với những ai dễ dãi, không làm chủ được mình khi đứng trước những cô gái làm tiền.

 

Những chàng trai mới lớn, từ quê ra, đi tìm cho mình một nghề kiếm cơm, ý thức về phòng chống bệnh tật chưa có, những kinh nghiệm về đường đời non nớt nên dễ bị lừa, lôi kéo vào đường thác loạn và bệnh tật.    

 

Đặc trưng của bảo kê ngoại thành là rất dễ thích và cưới nhân viên nữ cùng nhà nghỉ với mình làm vợ, và nhanh chán nhau. Chứng kiến mấy đám cưới chóng vánh, rồi mỗi người một nơi, cô gái làm tiền hoặc vác bụng, hoặc ôm con đi lại con đường nhơ nhuốc mình đã đi mà cảm thấy đắng đót.

 

Còn nữa, những đứa trẻ sinh ra là hệ quả của những cuộc tình trong nhà nghỉ, đã phải gánh chịu HIV lây từ cha hoặc mẹ, chúng sẽ sống ra sao, chúng có tội gì.

 

Tạm biệt Đông Anh sau ba năm tôi làm bảo kê, và thấy ám ảnh bởi cuộc sống đầy rẫy nỗi chua chát.

 

Theo Diên Khánh

Công An Nhân Dân

Exit mobile version