Tờ báo dành riêng cho… những người sống ẩn dật

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 27/03/2017
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021
Tờ báo dành riêng cho… những người sống ẩn dật - 1

Những năm tháng ngoài 20 tuổi của anh Naohiro Kimura chủ yếu chỉ có một mình, anh là một trong hàng trăm ngàn thanh niên Nhật lựa chọn lối sống ẩn dật, không gặp gỡ ai, không giao lưu với xã hội, dù về tinh thần, thể chất, học vấn, diện mạo, anh Kimura như tất cả những người bình thường khác.

Cuộc sống của anh Kimura, là cuộc sống của một người ẩn dật điển hình tại Nhật (những người này thường được gọi là “Hikikomori”). Cuộc sống của họ thường chỉ diễn ra trong giới hạn căn hộ nhỏ của mình.

Kể từ khi quyết định bứt ra khỏi lối sống ẩn dật này hồi đầu năm ngoái, anh Kimura quyết định thành lập một tờ báo ra định kỳ hàng tháng để dành riêng cho những con người sống ẩn dật tại Nhật.

Đã có gần một thập kỷ sống trong sự cô đơn, ẩn dật tột cùng, anh Kimura hy vọng tờ báo mà mình thực hiện sẽ có thể giúp các “Hikikomori” thoát ra khỏi tình trạng của họ và giúp xã hội hiểu hơn về một nhóm người đặc biệt cần nhận được sự cảm thông, giúp đỡ.

Anh Kimura đã cùng với một số cộng sự thành lập tờ Hikikomori News hồi tháng 11 năm ngoái để giúp những người đồng cảnh ngộ. Người đàn ông 32 tuổi này từng một thời sợ hãi việc gặp gỡ, giao tiếp với mọi người, nhưng giờ đây, anh định kỳ tiến hành những cuộc gặp của ban biên tập diễn ra tại văn phòng nhỏ giản dị, cũng chính là căn hộ của anh, nằm ở Tokyo.

Một cuộc gặp mặt của nhóm thực hiện nội dung cho tờ Hikikomori News

Đối với nhiều thành viên của tờ Hikikomori News, bản thân họ cũng từng là những “Hikikomori” sống ẩn dật, việc dần thích nghi với những cuộc gặp như thế này là nhiệm vụ khó khăn đối với họ. Ở Nhật Bản, người ta quen dùng thuật ngữ “Hikikomori” với ý nghĩa “ẩn dật”.

Theo con số mà tờ nhật báo tài chính Nikkei (Nhật) đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, số lượng “Hikikomori” ở Nhật trong độ tuổi từ 15-30 vào khoảng 540.000 người; dù vậy, tình trạng ẩn dật bất thường này còn tồn tại cả ở những người ngoài 30-40 tuổi, khiến con số này có thể lên tới một triệu người.

Đây là con số thường được nhắc tới trong các bài báo viết về hiện tượng “Hikikomori” ở Nhật. Con số này từng được đưa ra bởi nhà tâm lý học Tamaki Saito – người đã tạo ra thuật ngữ “Hikikomori” trong ngôn ngữ Nhật khi ông bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng xã hội này.

Hiện tượng “Hikikomori” đã bắt đầu được biết đến tại Nhật hồi giữa thập niên 1980, khi những thanh niên trẻ xuất hiện những biểu hiện như lờ đờ, thờ ơ với mọi sự xung quanh và lảng tránh giao tiếp xã hội.

Hiện tượng này đã khiến nhà chức trách Nhật phải đưa ra định nghĩa chính thức về “Hikikomori”, đó là những người chưa rời khỏi nhà hoặc có tương tác với những người khác trong vòng ít nhất 6 tháng.

Tờ Hikikomori News ra đời còn để tiếp cận người thân của các “Hikikomori” với hy vọng có thể giúp đỡ các gia đình có thành viên đang sống với hội chứng riêng có ở Nhật này. Mức giá bán của Hikikomori News là 500 yên/tờ (hơn 100.000 đồng), mỗi tháng có khoảng 2.000 ấn bản được bán ra trên thị trường.

Lý do khiến một thanh niên bỗng trở thành một “Hikikomori” thường đến từ những áp lực trong đời sống, như trường hợp của anh Kimura – chủ biên tờ “Hikikomori News”, sau khi bị trượt Đại học, anh bắt đầu lảng tránh mọi người, cảm thấy cuộc sống không còn mục đích, định hướng.

Một nghiên cứu xã hội tiến hành tại Nhật năm 2012 cho thấy rằng đa số “Hikikomori” đến từ các gia đình trung lưu, những thanh niên này phải đối diện với nhiều kỳ vọng của gia đình về việc học tập tốt, vào Đại học, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt…

Khi không thể đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, họ dễ rơi vào trạng thái “ẩn dật”, xa lánh mọi người, lúc này, chính điều kiện kinh tế ở mức trung bình của gia đình, lại khiến các bậc phụ huynh đành chấp nhận chăm nom cho những đứa con bỗng trở thành “Hikikomori”.

Bích Ngọc
Theo Quartz

Exit mobile version