Tình huynh đệ “nát bươm” vì “không uống là khinh”

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 09/05/2019
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Hấp dẫn như bạn nhậu

Với không ít người, bạn nhậu là chiếm ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của họ. Họ có thể từ chối nhiều thứ, có thể quay lưng lại với cả những người mình yêu thương, yêu thương mình nhưng quyết không từ chối bạn nhậu. 

Nhiều thanh niên đi làm xa, chẳng mấy khi về thăm bố mẹ, kể cả lúc bố mẹ đau ốm. Nhưng bạn cũ ới, bạn nhậu gọi, đám cưới có độ “anh em ta là một gia đình” có thể lên xe nhảy về quê trong đêm.

Lễ lạt  được tiếng về thăm cha mẹ nhưng không ít người, thời gian chủ yếu là ở chỗ bạn nhậu, bố mẹ chỉ gặp mặt khi lê lết về nhà trong men say. 

Rất nhiều ông chồng, bất chấp lời kêu gọi, tha thiết của vợ con sau giờ làm, luôn dành thời gian quý giá trong ngày để cho bạn nhậu. Từ bạn lâu ngày, bạn ngắn ngày, bạn mới quen rồi ép nhau uống còn vì… chúc mừng chúng ta gặp lại nhau tính từ bữa nhậu hôm qua. 

Cũng không ít người có mồi ngon, rượu sang thì khư khư quyết giữ cho bạn nhậu. Họ có thể tính toán, keo kiệt với toàn thế giới, với cả cha mẹ, con cái nhưng lại dốc lòng, thậm chí chìm trong nợ nần vì nhậu và bạn nhậu. 

Cuộc nhậu cũng hớn hở hò với tình cảm quý hóa “một gia đình là chơi hết mình”, không say không về, sinh tử có nhau… Hài hước ở chỗ thứ tình cảm có thể cho nhau hết nhưng khi vào bàn nhậu lại có thể tính toán từng cốc bia, ly rượu với mệnh lệnh “không uống là khinh”. 

Nhậu nhẹt, bạn nhâu là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của rất nhiều người 

Mối quan hệ của con người được quy bằng số lượng bia rượu được uống, bằng nồng độ cồn với những quy ước như uống hết mới là bạn tốt, uống hết mới cho về, uống hết mới được nói, rồi có thể là uống hết mới được chào… Dùng rượu bia để điều khiển, yêu cầu nhau. 

Không chỉ chuyện trên bàn nhậu của những huynh đệ sống chết có nhau mà bia rượu đang như “nhập” vào mọi ngóc ngách trong đời sống của người Việt.

Rượu bia bị lạm dụng một cách biến trướng, điều khiển các mối quan hệ, công việc. Có quản lý tuyển người tiêu chí hàng đầu là phải biết nhậu, nhân viên mới phải biết nhậu mới nể mặt đàn anh, giáo viên vào làng vận động học sinh đến trường, nói chuyện với phụ huynh cũng phải nhậu. 

Mất mạng, đi tù vì bằng hữu

Dốc lòng vì bạn nhậu nhưng không ở đâu, không nơi nào, không mối quan hệ nào lại trở mặt nhanh, thậm chí nguy hiểm chết người, có thể cách biệt âm dương chóng vánh như ở bàn nhậu.

Sự việc vừa mới xảy ra giữa tháng 4 vừa qua ở Tiền Giang. Trách bạn mời đến nhậu mà không nhậu chỉ lo hát karaoke, hai người bạn xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, một người dùng ghế inox đánh vào đầu bạn mình tử vong.

Bạn nhậu ẩu đả ngay tại nhà (Ảnh: Lê Đăng Đạt)

Trước đó, hai thanh niên 9X ở Nghệ An lãnh án tù vì đánh bạn nhậu chấn thương sọ não, bị thương tật 73%. 

Trước nữa, đầu năm 2019, một thanh niên 22 tuổi đánh bạn nhậu chấn thương sọ não vì đang nhậu mà vợ người này cứ đến làm phiền, gọi về. Chàng trai lãnh án 7 năm tù. 

Cuối 2018, một thanh niên ở Đồng Tháp bị bạn nhậu đánh chết vì nhậu “3 tăng” mà vẫn chưa chịu về. Người ra tay là anh bạn nhậu lúc mới 22 tuổi cũng bị kết án 14 năm tù… 

Nhiều vụ việc con giết cha, cha giết con, chồng giết vợ, vợ giết chồng… cũng xuất phát từ chuyện nhậu nhẹt, say xỉn. Sẽ không bao giờ có thể kể hết những vụ việc giết người, bị giết bắt đầu khởi nguồn từ bàn nhậu, từ chính những người bạn nhậu hay liên quan đến những người chồng, ông bố, đứa con mê nhậu nhẹt.  

Phải nói, việc uống bị lạm dụng, ép nhau uống bằng thứ văn hóa “không uống là khinh” không chỉ những người bên bàn nhậu gánh hậu quả mà nó còn kéo theo hệ lụy đến những người ngoài cuộc.

Gần đây là việc những tài xế say xỉn điều khiển xe gây nên những cái chết thương tâm cho những người vô tội. Đó là những lời thảm thiết trước vấn nạn nhậu đang được đổi bằng chính mạng người. 

Ép nhau uống vì bằng hữu, vì tình anh em… cái thú vui mà người trong cuộc có thể dành hết cho nhau về cả tiền bạc, tâm ý, thời gian.

Nhưng đi cùng với đó là những hậu quả quá kinh khủng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đến tất cả mọi người khi quyết định cầm ly hay ép người khác uống. 

Một khi chúng ta chưa chịu buông rượu bia xuống, mức tiêu thụ bia rượu của chúng ta không chịu lùi thì còn lâu mới mong chúng ta có thể tiến lên được. 

Lê Đăng Đạt  

Exit mobile version