Thú vị cùng Beatboxing

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 06/03/2010
Lần cập nhập cuối: 15/04/2021

Có khi là cả một bản hòa âm đủ loại nhạc cụ với đủ loại bè khác nhau…

Bạn đừng vội ngạc nhiên hay khó chịu, bởi đó là sinh hoạt định kỳ của Beatboxing Club tại TPHCM (nói nôm na là những người mô phỏng các loại nhạc cụ, âm thanh bằng miệng).

Vui chơi lành mạnh

Nhóm Beatboxing Club có hơn 20 người, còn rất trẻ. “Già nhất” sinh năm 1986, trẻ nhất mới 12. Họ tìm đến với nhóm hoàn toàn tình cờ. Phạm Việt Anh Minh, học sinh lớp 9A4 Trường THPT tư thục Á Châu cho biết: “Em tham gia nhóm từ ngày đầu thành lập (8/3/2009) đến nay. Tập luyện thú vị vô cùng. Bố mẹ em hoàn toàn ủng hộ, bởi đây là một cách giải trí rất lành mạnh…”.

Minh là một trong những tay chơi khá cứng của nhóm. Em tự tin với “nghề” của mình, nên mỗi lần nhà trường có chương trình văn nghệ là đăng ký biểu diễn ngay. Minh nói: “Nhớ lần đầu em biểu diễn là hôm 20/11, các thầy cô ai cũng ngạc nhiên, thú vị, nói gì đến các bạn học sinh. Em diễn xong, nhiều bạn đã đến xin “học nghề”…”. Minh không từ chối và một nhóm nhỏ chơi beatboxing tại trường Á Châu đã ra đời gần ba tháng qua, sinh hoạt định kỳ mỗi tuần hai buổi.

Cũng tự tin như Minh là cô bé Bỉnh Chơn, nữ sinh lớp 92 Trường Collette. Dù chưa biểu diễn lần nào, nhưng mỗi giờ ra chơi là cô bé lại đánh trống, thổi kèn bằng miệng cho cả lớp xem. Khoảng hơn tháng nay, mấy lớp lân cận biết Chơn có “nghề” nên mời em “lưu diễn” suốt. Bỉnh Chơn nói: “Vui lắm. Em biết beatboxing khoảng một năm nay và luyện hằng ngày. Ở nhà ai cũng nói em làm ồn quá, nhưng có lẽ nhờ kết quả học tập của em ngon lành nên ba mẹ cũng cảm thông cho những “cơn ghiền” làm kèn, làm trống của em. Sắp tới, em sẽ biểu diễn ở trường nhân lễ hội mùa xuân cho thầy cô và các bạn xem…”.

Nhóm có đầy đủ nam nữ, nhưng nữ ít hơn, vì theo như các bạn nghĩ, tâm lý ngại ngùng, e dè, khiến các bạn không dám thể hiện mình. Tự nhiên một cô gái lại chu môi, phồng má, đánh lưỡi thấy cũng… kỳ kỳ. Thế nhưng Tuyết Nhi, nữ sinh lớp 11, Trường Hàn Thuyên cho biết, con gái lại có ưu thế hơn con trai ở những lúc thể hiện bè cao, hơi dài… Vì vậy Nhi vẫn theo nhóm, dù ở nhà ba mẹ kêu Nhi… khùng hoài!

Làm nghề không phải dễ

Vì là một nhóm hoạt động tự phát, sinh hoạt với nhau nhờ đam mê là chính nên chi phí của nhóm do các thành viên tự đóng góp, chủ yếu là để… có nước uống, thỉnh thoảng vào nơi có micro mà luyện giọng, “thi đấu” cùng nhau. Thường thì nơi nhóm chọn tổ chức các cuộc thi offline là các quán karaoke cho vừa túi tiền sinh viên học sinh. Trưởng nhóm Minh Tuấn (biệt danh Doulbe – T) chia sẻ: “Trong nhóm có nhiều bạn biểu diễn khá thuần thục những loại “nhạc cụ”, nhưng chúng tôi cũng còn phải tập luyện rất lâu dài. Beatboxing không chỉ là năng khiếu mà còn là một sự khổ luyện. Chỉ riêng ba âm cơ bản  Kick drum, Hi-hat và Snare drum mỗi người phải mất từ một đến ba tháng để tập. Nhiều bạn thiếu kiên nhẫn, tập xong âm cơ bản là… bỏ cuộc chơi. Những người trụ lại, hình như ai cũng có một thần tượng để hướng tới”.

Doulbe – T bật mí, anh sẽ theo đuổi con đường biểu diễn nghệ thuật này. Thần tượng của anh là nghệ sĩ người Anh: Beardyman là DJ và là beatboxer số một thế giới. Hiện anh vẫn thường đi diễn cùng Mr-T, một thành viên trụ cột của nhóm, ở các trường cao đẳng, đại học và các liên hoan hip-hop trong giới sinh viên học sinh. Để nuôi nghề, Doulbe – T vừa phải bán quần áo thời trang qua mạng, vừa tập luyện, biểu diễn, vừa theo học chính quy tại trường cao đẳng nghệ thuật.

Beatboxing Club tại TPHCM trong ngày sinh hoạt định kỳ thứ bảy tuần cuối tháng 1/2010.

Lê Thành Tâm, SN 1986, cho biết: “Mê lắm nên nhà ở Dĩ An, Bình Dương, tôi vẫn tìm đến đây để cùng các bạn luyện tập. Có vào cuộc mới thấy thật công phu, không phải muốn làm là được ngay. Nội bước căn bản tôi tập phải ba tháng”.

Cả nhóm cho biết, sẵn sàng đón nhận thêm bất kỳ thành viên  mới nào, bởi như Tuyết Nhi thì: “Có thêm nhiều người am hiểu nghệ thuật này, chúng em sẽ tự tin hơn. Bây giờ, nhiều lúc về nhà có hứng cũng không dám luyện…”.  Mong mỏi của Beatboxing Club là sẽ có một cuộc thi tài thật sự dành cho loại hình nghệ thuật này trong dòng hip-hop. Hai năm gần đây, qua thông tin  trên mạng, các bạn đã thấy những cuộc thi tương tự được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực châu Á. Nghe đâu giữa năm 2009, từng có một cuộc tranh tài của các beatboxer ở Hà Nội…  TPHCM thì vẫn còn chờ.

Cả nhóm sẵn sàng làm quen với các bạn mới tại quán cà phê ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng vào mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật; hoặc muốn biết thêm thông tin về nhóm, hãy gửi e-mail đến địa chỉ: streetart_dt@yahoo.com.

Theo Nghi Anh
Phụ nữ TPHCM 
Exit mobile version