Hoạt động và thành tích nổi bật:
– Giải thưởng President Award (tương đương thủ khoa) bậc đại học ĐH Quốc tế RMIT
– Học bổng toàn phần bậc Đại học và thạc sĩ Kinh doanh quốc tế – ĐH Quốc Tế RMIT.
– Học bổng AmCham 2014.
– Giải thưởng Lãnh đạo của trường Đại học Quốc tế RMIT (Student Leadership Recognition Award 2014 – RMIT).
– Từng là Giám đốc (Director) ASEAN Entrepreneur Foundation.
– Giải nhất cuộc thi “Chìa khóa thành công” 2015.
– Đại biểu Hội nghị sinh viên lãnh đạo trẻ tiềm năng lần thứ 5 tại Phnom Penh, Campuchia
– Đại biểu hội nghị Nhà lãnh đạo trẻ ASEAN CIMB (CIMB Young ASEAN Future Leaders 2015) tại Kuala Lumpur, Malaysia
– Đại biểu hội nghị Youth Ag Summit 2015 tại Canberra, Australia
– Đại biểu hội nghị Indonesia FEALAC Youth Conference 2015 tại Bandung, Indonesia
– MC cho nhiều chương trình của Unilever, Suntory Pepsico, CPA Australia, RMIT, AIESEC Hanoi…
Dám thử và theo đuổi đến cùng
Bảo luôn cho rằng, xuất phát điểm của mình giống như bao bạn bè xung quanh, và những dấu ấn của ngày hôm nay, là kết quả của quá trình không ngừng học hỏi, cùng thái độ “dám thử và làm đến cùng.”
“Mình dám nộp hồ sơ với những cơ hội lớn, mà nhiều khi không nghĩ là sẽ được nhận. Mỗi lần ứng tuyển là một lần mình rèn luyện bản thân. Để chuẩn bị hồ sơ cho cơ hội mới, mình sẽ biết bản thân thiếu gì để tích lũy thêm.”
Và theo Bảo, nhiều khi nhờ những sự chuẩn bị đó, lại dẫn lối cho nhiều cơ hội khác, như câu nói: “Dù cả thế giới nói rằng bạn không có bất cứ cơ hội nào để thành công thì hãy bình tĩnh và tiếp tục chiến đấu. Tinh thần lạc quan sẽ khiến bạn có thể chiến thắng trong dài hạn”.
Bảo kể rằng một người bạn người Úc Bảo gặp trong hội thảo đã chia sẻ một ý tưởng kinh doanh khá mới lạ, lúc đầu nghe chừng thật viển vông. Tuy nhiên, bạn ấy vẫn luôn tin tưởng ý tưởng đó, đồng thời liên tục trau dồi, học hỏi để biến ý tưởng thành hiện thực. “Mình học được ở các bạn tinh thần khám phá, quyết liệt với cái mới. Điều kì diệu chỉ xảy ra khi chúng ta quyết tâm làm điều gì đó”, Bảo tâm sự
Và với mỗi việc Bảo làm, cậu luôn có tâm thế theo đuổi đến cùng. Trước đây, với môn kinh tế và thống kê, Bảo từng nghĩ đó không phải là môn học mình thực sự yêu thích. Khác với nhiều người – sẽ dễ dàng bỏ qua môn học này, thì Bảo lại cố gắng hết sức, dành nhiều thời gian để học tập, nghiên cứu. Và cuối cùng, Bảo trở thành người có thành tích tốt nhất cả lớp, thậm chí còn được thầy giáo tin tưởng giao vị trí “gia sư” hỗ trợ, hướng dẫn các bạn môn học đó trong cả 3 kỳ liên tục.
Với Bảo, “tinh thần lạc quan sẽ khiến bạn có thể chiến thắng trong dài hạn”.
“Đó là việc rất nhỏ nhưng đã tạo nên nếp tư duy cho mình. Nếu không thử đến cùng, sẽ không bao giờ biết có gì thú vị, đáng giá chờ đợi ta phía trước. Nhiều khi tham gia vận động tài trợ cho dự án, mình cũng bị 20 – 30 người từ chối, nhưng mình chưa bao giờ nản lòng, từ bỏ giữa chừng”.
Để làm được điều này, Bảo thường xuyên đưa ra những mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường cụ thể, ví dụ dành bao nhiêu thời gian, đạt kết quả như thế nào… “Mình phải cảnh giác với cảm giác của bản thân. Mình thường có suy nghĩ đã đầu tư đủ thời gian, công sức rồi, nhưng thực sự không phải vậy. Việc đặt và thực hiện theo mục tiêu là cách để không bị chi phối, ảnh hưởng bởi cảm xúc.”
Với Bảo, học cũng là một dạng trải nghiệm, nên khám phá việc học cũng là hành trình khám phá bản thân. Bảo cho rằng, nếu học nửa vời vẫn đủ qua môn, nhưng không giúp bản thân biết rõ mình có thực sự thích khi làm điều đó không? Có thể theo đuổi lĩnh vực đó một cách lâu dài không?…
Từ việc không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức, kĩ năng mỗi ngày, Bảo trở nên tự tin và dám thể hiện bản thân. Chàng trai đa tài cởi mở trong việc trao đổi, giao lưu với mọi người, từ đó có được những tình bạn đáng giá. Ngoài ra, Bảo cũng mạnh dạn thể hiện bản thân, chứ không ngại ngùng, rụt rè ở những môi trường quốc tế.
Trong một số hội thảo nước ngoài, Bảo đã đứng lên đặt câu hỏi, và không ngờ, điều đó lại gây ấn tượng khá tốt. “Mình đã rất tự hào khi được các bạn quốc tế khen câu hỏi hay. Mình thấy rằng, tự tin là yếu tố vô cùng quan trọng, để phát triển bản thân, để dùng thế mạnh tỏa sáng đúng lúc, từ đó có những trải nghiệm thú vị, tuyệt vời”.
Theo Bảo, để trở thành một công dân toàn cầu, mỗi người trẻ cần hội tụ đủ 3 yếu tố: tiếng Anh, hiểu biết và thái độ.
Cho đi là nhận lại
Hai năm qua, Bảo là gương mặt diễn giả quen thuộc ở nhiều chương trình dành cho người trẻ tại Hà Nội. Bảo không chỉ chia sẻ về hành trình phát triển bản thân, còn hướng dẫn tận tình các bạn sinh viên rèn luyện những kĩ năng cần thiết đối với công việc, cuộc sống.
“Các bạn sẽ không khó để tìm nguồn tham khảo trên mạng, nhưng vẫn cần người giải quyết vấn đề cụ thể ở từng cá nhân. Mình muốn những kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân sẽ truyền tải và lan tỏa cho các bạn”, Bảo nói.
Với hoạt động chia sẻ này, Bảo quan niệm cho đi đồng nghĩa việc nhận lại. Lắng nghe câu chuyện của các bạn trong mỗi lần chia sẻ, Bảo cũng học được khá nhiều điều. “Hơn nữa, trong quá trình đó, mình lại trăn trở đào sâu và lại có thêm kiến thức về chủ đề, lĩnh vực đấy.”
Với những nỗ lực của mình, Bảo từng là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu được nhiều người nhắc đến qua cụm từ “Công dân toàn cầu”. Theo Bảo, để trở thành một công dân toàn cầu, mỗi người trẻ cần hội tụ đủ 3 yếu tố: tiếng Anh, hiểu biết và thái độ.
Theo Bảo, hiểu biết ở đây bao gồm kiến thức, kĩ năng. Không chỉ giỏi chuyên môn, người trẻ cần có kiến thức về chính trị – văn hóa – xã hội và thuần thục các kĩ năng cần thiết để làm việc, sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thái độ Bảo muốn hướng đến là sự cảm thông và chấp nhận khác biệt, đa dạng về văn hóa, lối sống, tính cách con người ở nhiều vùng đất khác nhau khi giao lưu, hội nhập.
Và với chàng trai này, ai cũng có thể trở thành công dân toàn cầu, nếu có đủ 3 yếu tố đó, không nhất thiết phải du học hoặc tham gia các chương trình quốc tế, vì ngày nay, sự phát triển của mạng Internet đã xóa nhòa mọi ranh giới.
Hoài Thư