Thiết kế trang phục “Bàn thờ” cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ gây tranh cãi gay gắt

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 29/05/2019
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Tối ngày 28/5, Ban tổ chức (BTC) Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đăng tải thiết kế Bàn thờ lọt vào top các thiết kế được bình chọn để Hoàng Thùy làm trang phục dân tộc khi tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm nay.

BTC giới thiệu về bài thi Bàn thờ: “Bài thi này có ý tưởng từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Là sự kết hợp hình ảnh thân quen: ảnh thờ, bát hương (là điểm nhấn cho trang phục, lấy cảm hứng từ gốm sứ Bát Tràng), lọ hoa (đem đến không gian tự sự, đầy thanh tịnh cho người xem), mâm cỗ (sự tâm linh, lòng thành tâm hiếu nghĩa đối với người đã khuất).

Để lột tả hết ý nghĩa của trang phục này, người trình diễn cần một phong thái trang trọng, với một thái độ thành tâm. Đến giữa sân khấu thể hiện cái tâm, lòng thành bằng cách thắp 3 cây nhang để vái và xá 3 cái.

Sau đó, người trình diễn xoay lưng lại phía sau để giúp người xem thấy được vật phẩm dâng lên bàn thờ (mâm cỗ dần dần hạ xuống nhờ vào động cơ). Mặt sau trang phục có khung thờ thể hiện sự bất ngờ cho người xem nên trang phục có thiết kế động cơ vào mâm cỗ giúp nâng lên hạ xuống trong lúc trình diễn.

Thiết kế Bàn thờ ngay khi được đăng tải đã nổ ra cuộc tranh luận khá gay gắt từ cộng đồng mạng.

Thiết kế “vô tiền khoáng hậu” này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận, thu hút được 40 ngàn like, 20 ngàn bình luận và 10 ngàn lượt chia sẻ.

Một số ít cho rằng sự sáng tạo là không có giới hạn, tuy nhiên, phần lớn khán giả đưa ra nhận định tiêu cực về thiết kế này.

Á hậu Hoàng Thùy – người sẽ được mặc các thiết kế do khán giả bình chọn cũng phải thốt lên khi chia sẻ lại thiết kế này: “Cho mình lên hương sớm thế bạn gì ơi”.

Ngay sau thiết kế được đăng tải, cộng đồng mạng đều dậy sóng, nhiều người không đồng tình và cho rằng thiết kế này đang xúc phạm đến sự linh thiêng của tổ tiên nhiều hơn là sự tôn vinh. Như anh H.L nhận định: “Dùng bàn thờ thi sắc đẹp. Tôi cho rằng đây là sự điên rồ chứ không sáng tạo gì cả. Loạn chuẩn là đây, sự tụt dốc thảm hại về thời trang và nghệ thuật biểu diễn”.

Khán giả A.T cũng đồng quan điểm với anh H.L khi cho bình luận: “Bàn thờ với lư hương không thể đặt ở mông hay ngực được. Đó là đồ linh thiêng, tôn nghiêm nên không thể đem ra câu view một cách rẻ tiền”.

Anh cũng đưa ra nhận xét về thiết kế đang gây sóng gió này: “Mới nhìn thì thấy buồn cười vì hình ảnh bạn này lấy ý tưởng không phải từ hoa sen, tre hay ẩm thực mà là một hình ảnh quen thuộc nhưng ít ai dám nghĩ đến để làm thành quốc phục.

Nhìn một lúc thì lại muốn khóc vì cách bạn ấy chuyển tải thành bộ trang phục thật sự thô và hơi phản cảm ở chỗ để mặt người mẫu vào ảnh thờ. Hình ảnh bàn thờ thiên về tâm linh tín ngưỡng nên rất khó chuyển tải vào trang phục, đòi hỏi người thiết kế phải khéo léo để tránh phản cảm”.

Chị Q.N đưa ra lời nhắn nhủ với BTC: “Không thể thẩm thấu nổi sự sáng tạo kiểu này, nhất là phần khung ảnh. Ban tổ chức nên cân nhắc thật kỹ”.

Một trong số những thiết kế được giới thiệu trước đó nhận được lời khen từ khán giả

Tuy nhiên, với sự quan tâm và chia sẻ nhanh chóng của cộng đồng mạng, nhiều người e ngại thiết kế sẽ lọt top 15 trang phục cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe.

Hoàng Thùy phải thảng thốt vì sự quan tâm của khán giả: “Like và share với tốc độ “bàn thờ” là có thật mọi người ah”.

Ban tổ chức sẽ tiếp tục nhận bài dự thi thiết kế quốc phục đến hết ngày 15/6. Top 15 bài thi được chấm điểm và bình chọn cao nhất sẽ được thuyết trình trước ban giám khảo và có cơ hội trở thành quốc phục của Việt Nam tại đấu trường nhan sắc Miss Universe 2019.

Băng Châu

Exit mobile version