Thiết bị thông minh Đài Loan ứng dụng trong hệ thống giao thông thông minh Việt Nam
Đi đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị chính xác và thông minh Đài Loan có thể kể đến là tập đoàn Advantech. Được thành lập năm 1983 tại Đài Loan, Advantech là đối tác tin cậy cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực smart city và giải pháp IoT (Internet of Things – internet kết nối vạn vật). Tính đến năm 2018, Advantech có khoảng 8,000 nhân sự với trụ sở đặt tại 27 quốc gia. Doanh thu năm 2017 đạt 1,5 tỉ USD, chiếm 32% thị phần máy tính công nghiệp thế giới. Tại Việt Nam, các giải pháp và thiết bị của Advantech đang được ứng dụng và hoạt động tại nhiều hệ thông khác nhau như hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống thu thập dữ liệu và quản lý cửa hàng xăng; hệ thống xử lý cuộc gọi khẩn cấp (113); hệ thống máy tính công nghiệp đang sử dụng rộng rãi trong phần lớn các trạm phân phối điện 110KV, 220KV và 500KV.
Một trong những công ty ứng dụng nhiều thiết bị Advantech trong suốt hơn 10 năm qua là Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) (Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM đã liên tục đưa ra các giải pháp, cải tiến công nghệ trong lĩnh vực giao thông thông minh như thu phí không dừng, hệ thống quản lý giao thông, hệ thống giám sát tốc độ và vượt đèn đỏ, hệ thống kiểm soát tải trọng, hệ thống quản lý điều hành giao thông và xe buýt,… Theo ông Lâm Thiếu Quân – Tổng Giám đốc ITD cho biết: “Về giao thông thông minh , chia ra làm 3 hệ thống: Thứ nhất về điều khiển giao thông, tức là có hệ thống quan sát, điều khiển giao thông từ hệ thống camera, quan sát về tình trạng giao thông, từ đó có thể ra được các điều khiển giao thông từ trung tâm. Thứ hai là hệ thống giám sát xử phạt vi phạm tức là có thể quan sát các hành vi vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, lấn tuyến, chạy quá tốc độ. Thứ ba là quản lý vận tải hành khách công cộng tức là ứng dụng công nghệ trong vận tải hành khách công cộng để đảm bảo chạy đúng giờ, tạo luồng ưu tiên và sử dụng các loại vé thông minh, vé điện tử cho hành khách…”
Thiết bị chính xác Đài Loan trong sản xuất và gia công những sản phẩm tinh xảo trong các nhà máy Việt Nam
Theo ông Nguyễn Lưu Dũng – Chuyên gia tư vấn giải pháp công nghệ của Tập đoàn Vinamachines: “Nhiều thiết bị Đài Loan đáp ứng được nhu cầu thực tế sản xuất, giá thành tốt hơn, thông thường máy do Mỹ sản xuất vào khoảng 400.000 USD, nhưng do Đài Loan sản xuất chỉ còn một nửa, tầm 200.000 USD. Ngoài ra, do sự gần gũi giữa các nước láng giềng, khi nhập từ Đài Loan, các vấn đề hậu mãi, bảo trì, bảo dưỡng sẽ được đảm bảo hơn.” Hiện nay, Vinamachines đang cung ứng ra thị trường những máy móc công nghệ cao từ Đài Loan như máy cắt bằng tia nước Flow. Máy cắt bằng cách sử dụng một tia nước có áp suất có thể đạt từ 40.000 psi đến trên 87.000 psi hoàn toàn tự động. Mỹ ứng dụng công nghệ này gia công các chi tiết cho Boeing, NASA để ra những linh kiện composit cực kỳ cao cấp, có thể chịu nhiệt đến 2.000 độ C hoặc -200 độ C.
Ngoài ra, trong ngành công nghiệp đúc gang, Công ty TNHH Công nghiệp Shin Fung (Trảng Bom, Đồng Nai) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Đài Loan và ứng dụng 100% thiết bị máy móc từ Đài Loan, chuyên đúc các sản phẩm kim loại gang cung ứng cho thị trường Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Úc, Nhật,.. Năng lực sản xuất đạt hơn 6,000 tấn/năm. Doanh nghiệp đã đưa vào ứng dụng máy công cụ chính xác CNC để gia công các bộ phận máy, phụ tùng ô tô, vỏ motor,.. với mức dung sai thấp 0.03mm, có quy cách từ 600mm trở xuống. Ông Kang Chao Tung – Tổng Giám đốc Shin Fung “Công ty cũng đang lên đề án xây dựng nhà máy sản xuất gang tự động hóa, nâng cao năng suất, cải thiện môi trường làm việc trong thời gian tới.”
Nhận xét về việc ứng dụng máy công cụ chính xác Đài Loan trong các nhà máy tại Việt Nam, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí – Điện Tp.HCM cho biết: “Từ năm 1997 đến nay, nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thường chọn máy công cụ chính xác Đài Loan vì về cơ bản, máy Đài Loan đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sản xuất, giá cả hợp lý, an toàn sử dụng, hiệu quả ổn định, là lưa chọn tốt hơn các máy Nhật bản đã qua sử dụng hoặc máy của Trung Quốc giá rẻ. Các doanh nghiệp có yêu cầu sản phẩm chất lượng cao hơn thường mua máy mới của Nhật, Châu Âu, chất lượng cao nhưng giá cũng cao hơn máy Đài Loan và vẫn có thể sử dụng đồng thời cùng máy Đài Loan cho những sản phẩm, công đoạn phù hợp.”
Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia nhập khẩu những sản phẩm chế tạo máy từ Đài Loan và đứng vị trí thứ 8 trong những quốc gia nhập khẩu phụ tùng và chi tiết máy công cụ của Đài Loan cùng với các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Nhật Bản,… (Theo thông tin tổng hợp chuẩn bị cho sự kiện triển lãm máy công cụ quốc tế tại Đài Bắc – TIMTOS 3/2019).
Trần Thanh