Nào, mở cửa lòng mình ra…
Năm 2004, giới truyền thông của Anh đã bị thu hút bởi blog cá nhân của một nhân vật có tên là Belle de Jour (belledejour-uk.blogspot.com). Người ta gọi blog này là Diary Of A London Call Girl (Nhật ký của một cô gái gọi ở Luân Đôn). Nó nhanh chóng trở thành blog ăn khách nhất năm. Dân trẻ bị hút bởi những câu chuyện rất “thầm kín” của cô gái.
Chưa bao giờ cái tôi của dân trẻ thể hiện “xả láng” như qua blog. Tại Trung Quốc là cơn sốt về những blog bàn chuyện giới tính, tình yêu bị coi là cấm ở các forum. Đến nỗi chính quyền phải đóng cửa hàng loạt trang chủ cung cấp dịch vụ blog miễn phí.
Tờ Mercury News năm 2003 đã đưa tin về sự kiện anh chàng Patrick Ly (18 tuổi, sống tại San Jose, Mỹ) công khai với thế giới thông qua blog cá nhân của mình (www.xanga.com/pat_star) sự thật: mình là gay.
Câu chuyện bắt đầu khi Patrick say mê một bạn trai cùng lớp tới mức ngày nào cũng ghé thăm blog của “đối phương” để đọc những tâm sự của anh ta. Sau đó, Patrick cũng duy trì một nhật ký riêng để ghi lại sự kiện trong ngày cũng như những diễn biến về cảm xúc của mình với “đối tượng”.
Nhưng hỏi vì sao dân trẻ mê blog đến thế, thì các blogger đều rất thành thực: “Bạn rất ngại nói xấu, chê bai một số người, nhưng trên blog thì không ai ngại cả!” Rất tiếc, chính sở thích hơi… điên này của dân trẻ thế giới lại dẫn tới những câu chuyện rất không có hậu: Ba học sinh 14 tuổi bị đuổi học vì tội lăng nhục giáo viên của trường Henri Mattisse de Garges-lès-Gonesse (Pháp) trên blog.
Đình đám nhất là “vụ” Ellen Simonetti – cô tiếp viên 30 tuổi xinh đẹp của hãng hàng không Delta (Mỹ) bị đuổi việc tháng 10 năm ngoái vì tội đã blog lên trang của mình những tấm hình chụp Ellen với dáng hình khêu gợi trong bộ đồng phục của hãng và hàng loạt chuyện sex trên các chuyến bay.
Khi kiến thức cùng được chia sẻ…
Các bloger bình chọn Jolienyc.blogpost.com và blog.nadinehaobsh.com là 2 blog đỉnh cao về thời trang. Đây là những blog cá nhân của Nadine Haobsh, một chuyên gia về chăm sóc sắc đẹp 24 tuổi.
Cô đã từng là trợ lý biên tập cho chuyên mục về chăm sóc sắc đẹp trên các tạp chí uy tín như Lucky Magazine và Ladies’ Home Journal. Có rất nhiều bạn trẻ đã nhờ Nadine tư vấn về cách chăm sóc sắc đẹp trên blog của cô. Tung lên mạng vào tháng 5/2005, đến nay blog này đã hút trên 250 nghìn lượt truy cập.
Click và… bạn sẽ ngạc nhiên!
Đúng là rất ngạc nhiên vì ngay cả giới báo chí nước ngoài cũng đang có xu hướng tìm thông tin qua chính các blog. Từ thảm họa sóng thần, giới truyền thông lao vào tham khảo các blogger – chính là những người dân địa phương đã tận mắt chứng kiến thảm họa nói gì về điều họ thấy. Đó là những dòng viết đầy xúc cảm, không hề hoa mỹ và tràn ngập thông tin, hình ảnh sống động.
Cơn bão Katrina ở Mỹ vừa qua, nhân dân thế giới đã có được một cái nhìn rất chân thực và sống động qua thông tin được post trên blog của một cư dân New Orleans tại địa chỉ www.mgno.com và nhiều blog khác.
Còn trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2004, các blogger cũng hăm hở đưa thông tin liên quan tới chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên. Các ứng cử viên này cũng dựa vào blog để lôi kéo cử tri. Howard Dean, cựu ứng cử viên của Đảng Dân chủ ở vòng đầu, đã sủ dụng blog để liên kết những người ủng hộ mình lại.
Blog Việt, chỉ là “nhật ký điện tử thôi sao”?
Website www.blogvietnam.net mới chỉ có 2.000 blog nhưng đã phải tạm ngừng việc đăng ký mới vì quá tải. Dịch vụ blog miễn phí trên cổng tri thức Thánh Gióng (thanhgiong.net.vn/) cũng chung số phận.
Một địa chỉ cung cấp blog miễn phí cho người Việt đang hoạt động là www.nkvn.com, mới đi vào hoạt động hồi tháng 3/2005 song đến nay đã có tới gần 700 blog cá nhân. Nếu tính cả những dịch vụ cung cấp blog miễn phí của nước ngoài như Google, MSN, AOL, Yahoo… thì số lượng blog Việt sẽ lên tới hàng trăm ngàn.
Nhưng nội dung trên các blog của mình thì nghèo nàn kinh khủng. Có blog, tác giả post được một hai bài thì sau đó… quên luôn. Một số blog thì chỉ như cái album ảnh tự tạo. Có blog được tạo ra với chỉ 1 nội dung: “Ngứa tay tạo thử cho đỡ ngứa tay thôi mà”. Chịu luôn!
“Đúng là blog mới chỉ như một cái nhật ký điện tử của dân mình” – Một blogger tâm sự. Có thể là một nhật ký tình yêu với tên miền được ghép từ tên của “hai đứa”. Có thể là blog “câu khách” để tiện thể giới thiệu “bộ sưu tập” web sex. Lại còn cả những vị khách vô văn hoá post lên những phản hồi không lịch sự trên các blog văn minh.
Một cuộc chơi của dân trẻ khát tự do đang định hình trong cái gọi là blog. Họ đang tạo dựng cuộc sống riêng trong không gian ảo để chia sẻ và khẳng định mình. Tất nhiên, cũng như nhiều trào lưu khác, cái tốt và cái xấu vẫn cứ song hành như tay trái và tay phải. Quan trọng là ta sử dụng chúng thế nào mà thôi. Mỗi blog là một ngôi nhà riêng của bạn, tại sao không?
Theo Phan MinhSinh Viên Việt Nam