Thế hệ dễ tổn thương, ngại sức ép
Ben Hsu, 25 tuổi, đã đổi việc hơn 10 lần trong vòng 5 năm, trong đó, có nơi anh chàng này bỏ công ty ngay sau một ngày làm việc. Ben Hsu tốt nghiệp trường dạy nghề, hiện đang thất nghiệp.
Ở Đài Loan, những người trẻ tuổi như Hsu, ra đời trong thập niên 80, được mệnh danh là “Thế hệ Quả dâu tây”. Tên gọi này xuất phát từ hình tượng quả dâu tây, một loại quả dễ bầm dập – như con người dễ hư vì cuộc sống nhung lụa, dễ quỵ ngã vì một chút sức ép.
Những “quả dâu tây” này trở nên nổi bật nhờ các phương tiện thông tin đại chúng ở Đài Loan với các câu chuyện không thiếu phần rùng rợn do các chủ lao động kể lại.
Hiện nay, 3,5 triệu người trong số những người trẻ tuổi ở Đài Loan, chiếm 15% trong tổng số 23 triệu dân ở Đài Loan, đang bị chỉ trích vì sự vô trách nhiệm và bỏ qua lời dạy của thế hệ đi trước: chăm chỉ sẽ thành công. Những người chỉ trích nói, nhiều thanh niên trẻ đã chạy trốn khi gặp khó khăn. Và rằng, “thế hệ quả dâu tây” là một vấn đề gây đau đầu cho những người chủ lao động.
“Những người sử dụng lao động nói với chúng tôi rằng những người trẻ tuổi đó thường biến mất sau ngày đầu tiên mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Đôi khi, chúng tôi còn phải đánh thức họ dậy để tới chỗ hẹn đúng giờ”, Lee Fang-yi, trợ lý Giám đốc PR ngân hàng 1111 Job Bank, cơ quan môi giới việc làm, cho biết.
“Có một lý do mà những thanh niên thuộc thế hệ dâu tây thường đưa ra là Gia đình không thích tôi làm việc ở đó hoặc Công việc đó quá tẻ nhạt. Họ dường như không thể chịu được stress” – Lee nói một cách bực tức. Liv Cheng, 24 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, đã từ bỏ ý định trở thành giáo viên dạy nhạc sau khi gặp phải một chút khó khăn tại trường học ở địa phương. “Giáo viên mà có nhiệm vụ phải lau sàn và đi đổ rác”, Liv phàn nàn khi nhớ lại công việc. “Tại sao tôi phải làm việc đó? Tôi có phải lao công đâu. Tôi thà không có việc còn hơn”.
Cũng giống như Hsu, Liv đang thất nghiệp.
Hiện nay, khoảng 1/3 giới trẻ Đài Loan thay đổi việc hơn 3 lần trong 3 năm, kết quả khảo sát của Job Bank, cơ quan tuyển dụng lớn nhất Đài Loan cho biết.
Ước mơ của “những quả dâu tây”
Vậy khái niệm về một công việc lý tưởng của thế hệ quả dâu tây là gì? – “Lương cao, công việc nhẹ nhàng, nơi làm gần nhà – cơ bản là như vậy”, Lee nói.
Nhưng, ngay cả khi những người như Liv và Hsu có được việc làm như vậy thì đôi lúc họ rất ngang ngạnh. Max Fang, giám đốc PR của Job Bank nói: “Khi được yêu cầu làm thêm việc, họ sẽ hỏi “Tôi sẽ được lợi gì nếu làm việc đó?”. Điều này sẽ khiến những người quản lý bực mình vì một khi sếp ra chỉ thị thì nhân viên phải tuân thủ không thắc mắc. Và đừng hy vọng những con người trẻ tuổi đó làm việc thêm giờ. Họ cho rằng làm việc để sống chứ không phải sống để làm việc”.
Lớn lên trong thập niên 80 và đầu 90, “thế hệ quả dâu tây” được sống trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Đài Loan. Khó khăn và nghèo đói là những điều xa lạ với những con người trẻ tuổi này, nhiều nhà quan sát cho biết.
“Thế hệ quả dâu tây” cũng là thế hệ những người được nuông chiều, do vào thời điểm họ ra đời, mô hình gia đình ở Đài Loan bị thu hẹp, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con và nhiều bậc phụ huynh không muốn ép con cái phải đi làm sau khi tốt nghiệp.
“Mọi nhu cầu của thế hệ quả dâu tây đều được đáp ứng kể từ khi họ còn rất trẻ. Vì thế, họ không có khát vọng vươn lên hay có mong muốn đạt được một vị trí cao trong xã hội”’, tạp chí Global View trích lời nhà bình luận về tình hình xã hội Wang Shing-ching. Trong một cuộc khảo sát gần đây, tạp chí này cho biết, “thế hệ quả dâu tây” định nghĩa thành công khác hẳn với những thế hệ trước. Họ xếp sức khỏe, gia đình và hôn nhân, sự nghiệp là 3 thứ quan trọng nhất trong thước đo thành công. Trong khi đó, theo quan niệm xưa, sự nghiệp và tiền bạc được xếp ở vị trí khá thấp.
Giáo dục cũng là nguyên nhân gây ra những suy nghĩ đảo ngược trên. Các nhà quan sát chỉ rằng các trường học ở Đài Loan ít chú trọng tới việc giảng dạy các giá trị đạo đức như chuyên cần và rèn luyện.
Hương thơm của “dâu tây Đài Loan”
“Thế hệ dâu tây” được đánh giá cao về sức sáng tạo. |
Dù “thế hệ quả dâu tây” có hàng loạt nhược điểm, nhưng không phải người nào cũng nhất trí rằng thế hệ trẻ này không có phẩm chất nào nổi bật để đổi lại những điểm không tốt đẹp của họ.
“Không phải thanh niên Đài Loan nào cũng như vậy, nó còn tùy thuộc vào từng người”, Liao Chi-han, 23 tuổi, làm việc tại một hiệu sách và từng đi làm trong thời gian nghỉ hè khi còn là sinh viên cho biết. “Tôi cho rằng những lời chỉ trích như vậy không chỉ nhằm vào những người thuộc lứa tuổi của tôi. Nó giống như một giai đoạn chuyển giao, khi đó, tất cả những người trẻ tuổi đều phải trải qua khi họ bước đời và đi làm”.
Ngay cả những người chỉ trích cũng thừa nhận thế hệ này cũng nổi bật trong một số lĩnh vực, ví dụ như sự sáng tạo. “Họ có trí tưởng tượng phong phú”, ông Hope Ong, giám đốc các vấn đề chung ở Microsoft – Đài Loan nói.
“Được sinh ra trong thời đại tự do truyền thông, họ được tiếp nhận hàng loạt thông tin, giúp kích thích sáng tạo”. Họ là những nhân tài mà Đài Loan đang cần, một số người nói.
“Khi kinh tế Đài Loan dần đi tới các giá trị chuỗi và tập trung vào những lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển, chúng tôi cần những người như họ, người có khả năng nghĩ vượt khuôn khổ”, ông Fang cho hay. Họ rất giỏi công nghệ, từ các chương trình máy tính mới nhất tới các thiết bị hiện đại – đó chính là điều khiến thế hệ lớn tuổi ở Đài Loan phải ghen tỵ.
Nhiều cá nhân trong “thế hệ dâu tây” cũng có bước đi bứt phá. Thay vì lựa chọn một công việc ổn định trong văn phòng, nhiều người đã khởi nghiệp bằng một công ty riêng, họ làm mọi việc từ bán các sản phẩm tự chế tới kinh doanh áo phông tự vẽ trên mạng.
Do đó, vẫn còn nhiều điều về thế hệ này mà mọi người có thể chứng kiến.
Theo lời ông Ong tại Microsof: “Họ thuộc về một thế hệ mà khi lớn lên đã đặt cho cha mẹ lẫn thầy cô rất nhiều câu hỏi. Bạn không thể hy vọng họ khép miệng và làm theo chỉ dẫn. Họ có thể rất tận tụy và chuyên tâm nếu bạn biết cách thuyết phục”.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet/Mạng lưới tin tức châu Á