Lim, 27 tuổi, đã đi học tiếng Anh ở Mỹ và tốt nghiệp đại học bốn năm, kể những ngày này cô chỉ muốn khóc. Lý do là Lim chẳng được nơi nào tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Lim đã gửi hồ sơ tới hàng chục công ty nhưng chẳng nhận được cú điện thoại hẹn phỏng vấn nào.
Lim tâm sự điều tệ hại nhất không phải không được tuyển dụng mà là nghe tin bạn bè đã xin được việc. Lim tự hỏi liệu mình có đòi hỏi quá nhiều không khi cô muốn đảm bảo nghề nghiệp, làm những việc thật sự liên quan đến bằng cấp, có bảo hiểm và phúc lợi. Câu trả lời là “không”, nhưng tất cả bạn bè Lim và gia đình cô đều nói “có”, và họ khuyên Lim nên tìm những việc ít hấp dẫn hơn.
Hiện nay, ở Hàn Quốc có hàng ngàn thanh niên như Lim. Họ đang sống rất chật vật và phải nhượng bộ trước sự thật là chỉ có vài công việc thường xuyên, nhiều công việc thời vụ và tạm thời.
Giáo sư Woo Seok Hoon gọi những người trẻ này là “thế hệ 880.000 won” – họ kiếm được rất ít tiền mặc dù có học vấn cao, lòng nhiệt tình và khả năng chịu đựng trong công việc. Những thanh niên ngoài 20 tuổi thuộc “thế hệ 880.000 won” ở Hàn Quốc chỉ kiếm được khoảng 880.000 won mỗi tháng từ những công việc tạm thời.
Hiện tại, dường như việc trở thành công chức – những người làm việc đến tận độ tuổi 50, hoặc thậm chí 60 mà không sợ bị sa thải – là nghề nghiệp được sinh viên xứ Hàn ưa chuộng nhất. Năm nay, chính quyền thủ đô Seoul nhận được 144.445 đơn xin làm công chức. Với lượng đơn này, tỉ lệ cạnh tranh là 83 chọi 1.
Giáo sư Woo cũng cho biết thêm, những anh hùng mới thuộc “thế hệ 880.000 won” là những người không đi theo mục tiêu hay đam mê của mình, mà là những người có khả năng xin được những công việc ổn định tại các tập đoàn lớn. Giáo sư Woo cho rằng “thế hệ 880.000 won” mất sự độc lập bởi họ biết rằng họ sẽ không thể mua nhà riêng bằng khoản tiền lương của mình trừ phi một điều bất bình thường xảy ra. Trước đây, ở thế hệ cha mẹ họ, chỉ cần chăm chỉ và tiết kiệm là có thể mua được nhà riêng. Nhưng giờ đây, chỉ có rất ít người trẻ có thể mua căn hộ ở Seoul bằng tiền tiết kiệm.
Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 8%. Năm nay, chỉ một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được việc làm ổn định. Và tất nhiên, những người tốt nghiệp trường cao đẳng và trung học có ít cơ hội trở thành công nhân viên thường trực trong môi trường việc làm khó khăn như hiện nay. Còn theo các học giả, sự gia tăng lượng nhân viên không thường trực có thể rất nguy hiểm cho xã hội vì nó phá vỡ đạo đức xã hội và nền tảng cộng đồng.
Theo Thương VũTuổi Trẻ/Koreatimes