Hiện đang là Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, PGS. Văn Như Cương là người thầy được học trò hết mực yêu quý. Những câu chuyện kể về sự tận tâm của thầy Cương với học trò đã vượt ra khỏi khuôn viên nhà trường, được xã hội biết tới và khâm phục.
Bức thư gửi học sinh nhân dịp Tết của thầy Văn Như Cương
Vài hôm nữa thôi, các em sẽ tạm xa trường để ăn Tết, chơi Tết, vui Tết cùng với gia đình và họ tộc… Nhân dịp đầu xuân Giáo Ngọ, thầy chúc các em và gia đình một năm mới ‘Mã đáo thành công”.
Thầy có một vài lời căn dặn các em để chúng ta có một cái Tết vui tươi đầm ấm và an toàn về mọi mặt. Hãy ăn uống một cách điều độ, hợp vệ sinh, đừng thấy ngon miệng là ăn, tránh ngộ độc thực phẩm. Hãy vui chơi có chừng mực, đi lại phải hết sức cẩn thận, tuân thủ luật lệ giao thông. Không nên chỉ bận rộn tụ họp với bạn bè mà hãy dành nhiều thời gian hơn để gần gũi, chăm sóc, và chuyện trò với ông bà, cha mẹ, anh chị em… trong gia đình.Hãy giữ đúng thời gian sinh hoạt thường ngày: Không thức quá khuya, không dậy quá muộn, không ngủ nướng, không nằm ườn … Hãy giúp đỡ gia đình bằng những việc làm vừa sức mình: rửa bát đĩa, ấm chén sau bữa ăn, thu dọn giuờng chiếu chăn gối khi ngủ dậy, tham gia quét dọn nhà cửa, lau chùi bàn ghế, cùng gia đình tham gia nấu nướng các món ăn. Hãy dành một số thời gian trong 10 ngày nghỉ Tết để ngó ngàng đến sách vở, làm các bài tập được thầy cô giao về nhà “ăn Tết”, tạo một quyết tâm cao trong học kì thứ hai.
Cuối cùng, thầy có một đề nghị sau đây: Theo tục lệ, mỗi em đều có một số tiền mừng tuổi (còn gọi là tiền lì xì). Các em không nên sử dụng số tiền đó một cách hoang phí trong dịp Tết. Hãy để dành vào những việc khác sau Tết. Thầy mong muốn các em có một hành động nghĩa cử: Trích ra một ít từ tiền mừng tuổi của mình để “lì xì” đầu năm cho “Quỹ Tình Thương của trường Lương Thế Vinh”. Trích ra bao nhiêu phần trăm từ tiền mừng tuổi là tùy các em, không có cũng không sao.
Thầy xin thông báo với các em: Thầy không có tiền mừng tuổi (vì tuổi của Thầy không nên “mừng” mà chỉ nên “lo”) nhưng Thầy cũng sẽ có một khoản ủng hộ vào “Quỹ Tình Thương”. Thầy chưa biết chính xác là bao nhiêu vì thầy quyết định: số tiền mà thầy ủng hộ sẽ bằng tổng số tiền mà tất cả các em ủng hộ!
Sắp đến ngày Ông Công lên Trời“.
Việc PGS. Văn Như Cương khuyên học trò dùng tiền mừng tuổi (lì xì) làm từ thiện sẽ tạo thói quen biết chia sẻ với cộng đồng từ khi các em còn bé. Đồng thời, ông cũng tự mình nêu gương bằng cách đóng góp “số tiền mà thầy ủng hộ sẽ bằng tổng số tiền mà tất cả các em ủng hộ”. Trong chuyện này, thầy giáo cũng không nêu việc làm từ thiện ra như một quy định bắt buộc mà là khuyên.
Qua lời lẽ trong bức thư, có thể thấy tấm lòng của người làm nghề với sự nghiệp giáo dục con trẻ, không chỉ là giáo dục kiến thức trên lớp mà chăm lo phát triển toàn diện nhân cách của học trò.
Mai Châm