Thầy giáo dạy toán mải miết “chạy show” MC đám cưới vẫn dạy giỏi

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 18/12/2014
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Thầy Đinh Như Huy cho biết, thầy bắt đầu dạy học từ năm 2005 và dẫn chương trình cưới từ năm đầu năm 2008. Thầy Huy từng đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy và hoạt động như: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (năm 2007), Giải nhì Hội thi giáo án điện tử cấp tỉnh (năm 2009), Giải Ba hội thi Đồ dùng dạy học cấp tỉnh (năm 2012), Bằng khen tỉnh đoàn năm các năm, Giấy khen cán bộ đoàn xuất sắc năm 2014…  Việc dạy học và làm MC cho đám  cưới là hai công việc được thầy đảm nhiệm song hành.

 

Cơ duyên đến với việc làm MC cưới của thầy giáo dạy toán rất tự nhiên. “Lúc đầu bạn bè, đồng nghiệp nhờ nói cho vui trong đám cưới của họ, thế rồi người khác nhờ… Sau đó họ gọi mình, gửi tiền công và mình bắt đầu đi làm MC đám cưới từ đó”, thầy Huy kể.

 

Chia sẻ về việc vừa dạy học và vừa làm MC đám cưới, thầy Huy cho hay: “Làm MC đám cưới và dạy học có điểm chung là đều phải đứng trước đám đông, một cách tự tin, chững chạc và có khả năng xử lý tình huống tức thời”.

 

Thầy Đinh Như Huy với vai trò làm MC đám cưới. Ảnh: NVCC

 

Thầy Huy chia sẻ, nghề dẫn chương trình đám cưới đem đến niềm vui, tiếng cười trong ngày hạnh phúc của các cặp đôi uyên ương, là nghề “kết tóc se duyên” cho những con thuyền hạnh phúc.

 

Lúc lên sân khấu người dẫn cần có sự hài hước và phải duyên nhất định còn nghề dạy học, mang tri thức đến cho các thế hệ. Khi đứng trên bục giảng thì người thầy phải nghiêm túc hơn để truyền đạt kiến thức cho học trò.

 

Khác với hình ảnh bóng bẩy, nổi bật của một MC đám cưới, khi trên lớp thầy giáo Như Huy là một thầy giáo vui tính, tâm lý nhưng cũng rất nghiêm khắc.

 

“Có lần, một học sinh vô tình nói tục trong lớp, mình yêu cầu học sinh đó rót một cốc nước thật to, phạt em. Em uống để rửa cái miệng…”. Một lần khác: “Có học sinh bẻ cây bàng ở trường, mình gọi học sinh đó ra xin lỗi cây bàng…”, thầy Huy nhớ lại.
 

Thầy giáo Đinh Như Huy trong một tiết toán tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: NVCC.

 

Thầy giáo dạy toán hồ hởi kể về những kỷ niệm nhớ nhất khi làm MC đám  cưới: Trong một lần dẫn chương trình hát mừng đám cưới, mình nhận một chiếc phiếu ghi: “Bài hát mưa phi trường, trình bày: Ngọc Lan, lúc ấy mình không để ý, cứ nghĩ là “chị” nên giới thiệu: “Có súng thì phải có nòng/ Có nam, có nữ đẹp lòng dân quân”, để thay đổi không khí hát mừng hạnh phúc, một giọng ca nữ đến từ hội hôn sẽ gửi đến chúng ta ca khúc…., chúng ta hãy chào đón tiếng hát của chị Ngọc Lan.

 

Mọi người đang chờ đợi, bỗng dưng, một anh rất phong độ từ từ tiến lên (sau này mới biết anh là Trần Ngọc Lan), cả hội hôn được trận cười, toát cả mồ hôi, tôi liền ứng tác: Cho tôi xin lỗi đôi lời/ Tên anh như vậy ông trời cũng thua/ Nói sao biết nói cho vừa/ Thôi thì anh hát bài “Mưa phi trường”. Thế là anh Ngọc Lan và cả hội hôn đều vỗ tay. Tôi nhẹ cả người”.

 

“Một lần khác, trong lúc đang chờ khách đến dự, phía dưới có một số khách mời đã đến, bỗng gia chủ đến nói với tôi: Chú dẫn chương trình nói giúp tôi để họ (khách) khoan mở bia. Theo quán tính (thực ra mà nói, đây là vấn đề tế nhị), tôi liền ứng tác: “Cô dâu chú rể ngoài kia/Nên chi quý vị để bia trên bàn”. Lúc ấy một anh nhìn tôi có vẻ tức giận. Tôi liền nhanh ý tiếp lời: “Mở bia trò chuyện râm ran/Đợi một lát nữa mở màn Vu quy”, thế là họ cười”.

 

Nếu cứ lặp đi lặp lại cách dẫn giống nhau sẽ không thể tránh được sự nhàm chán, chính vì vậy thầy Huy luôn tìm tòi, sáng tạo cách dẫn mới, sáng tác lời dẫn, học các tiết mục ảo thuật…

 

Các tiết mục ảo thuật mà thầy Huy trình diễn khiến người xem thán phục như: ngọn lửa biến thành hoa hồng, khăn thành gậy, miếng vải biến thành tiền, miếng khăn cắt ra rồi ghép lại…

 

Thầy Đinh Như Huy biểu diễn tiết mục ảo thuật trong một lễ vu quy. Ảnh: NVCC

 

Công việc MC cưới được thầy Huy xác định là nghề tay trái. Tuy là nghề tay trái nhưng thu nhập từ công việc rất ổn định. Mỗi tháng, thầy Huy dẫn trung bình khoảng… 12 đám cưới. Có đám cưới tổ chức 2 đến 3 tiệc, mỗi tiệc thầy nhận cát -sê 400.000 đồng (trong khoảng thời gian 2 tiếng). Ngoài ra thầy còn kiêm luôn cả in thiệp cưới, giấy khen…

 

Phong tục ở Thừa Thiên Huế, tổ chức cưới hỏi thường diễn ra vào buổi trưa nên việc làm MC đám cưới của thầy Huy không bị ảnh hưởng tới công tác giảng dạy. Thầy Huy cho biết, làm nghề MC đám cưới khiến anh cảm thấy vui và yêu đời hơn vì vậy mà chưa bao giờ anh nghĩ tới việc sẽ dừng công việc này.

 

Thầy Huy cho rằng khó nhất ở công việc làm MC đám cưới là việc thường xuyên tiếp xúc với người có chất men trong người vì thế nên lúc nào cũng cần có thái độ nhẹ nhàng, thân thiện…

 

Theo Đông Vũ

Dân Việt

Exit mobile version