Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam công số sáng qua (1/6) cho thấy, tuy khá cởi mở về chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân song nhiều bạn gái kiến thức mang thai rất hạn chế. Đơn cử với câu hỏi: “Liệu một bạn gái có thể mang thai sau lần quan hệ tình dục đầu tiên không?”, có tới 30% thanh niên trả lời: không có khả năng.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (gọi tắt là SAVY) lần đầu tiên được tiến hành năm 2003 với hơn 7.500 người tham gia. Cuộc điều tra thứ hai được thực hiện trong hai năm 2008 – 2009 được tiến hành với hơn 10.000 vị thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 14 – 25 sống ở khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. |
Tìm việc làm ngày càng khó khăn
Dù thanh thiếu niên ngày nay rất năng động nhưng họ đều cho rằng tìm việc làm hiện nay rất khó. Những người gặp khó khăn trong tìm việc phần lớn hạn chế về học vấn.
Tuy tự lập khá sớm khi vừa đi học vừa đi làm nhưng đại đa số thanh thiếu niên ngày nay vẫn có mối quan hệ mật thiết với gia đình. Tuy nhiên, vị thành niên và thanh niên ngày nay có xu hướng ít tâm sự khó khăn của mình với các thành viên trong gia đình; ít trò chuyện về tình yêu, tình dục, hôn nhân. Dù vậy, ở giai đoạn này, gia đình vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ.
Bia rượu, thuốc lá không xa lạ
Tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá ở thanh thiếu niên khá phổ biến và tăng nhanh. 60,5% nam và 22% nữ được hỏi cho biết họ đã từng say rượu/bia và đến 80% số thanh niên bị say từ 2 lần trở lên; từng lái xe máy sau khi uống rượu.
Nghiên cứu cũng cho thấy, việc lớn lên trong gia đình có người uống nhiều rượu hay nghiện rượu có ảnh hưởng tiêu cực đến học vấn thanh niên.
20,4% thanh niên được hỏi cho biết đã từng hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Đáng nói, trong nhóm thanh niên có hút thuốc hàng ngày thì có tới 2/3 hút từ 6 điếu trở lên. Đây là một tỷ lệ khá cao và là một nguy cơ xấu tới sức khỏe con người.
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ, những kết quả nghiên cứu về thanh niên, vị thành niên Việt Nam này rất có ý nghĩa, cho thấy sự thay đổi, xu hướng phát triển trong kiến thức, thái độ, hành vi, lối sống… của thanh niên. Trên cơ sở này sẽ tạo ra nguồn dữ liệu cho các chương trình và chính sách của quốc gia dựa trên số liệu và bằng chứng về thanh thiếu niên.
Ví như với việc uống rượu bia, sự gia tăng tỷ lệ thanh niên từng uống rượu bia là một chỉ báo cần được gia đình, xã hội, Nhà nước quan tâm để có những tuyên truyền, chế tài đối với các hành vi bán rượu bia, thuốc lá cho trẻ ở tuổi vị thành niên, từ đó mới có thể giảm được tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng các mặt hàng này.
Các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi này cũng cần chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con, trao đổi, thảo luận với con nhiều hơn về các vấn đề tình yêu, tình dục, hôn nhân và phối hợp với nhà trường, xã hôi để có thể tạo một môi trường lành mạnh cho sự phát triển của thanh thiếu niên.
Ngọc Linh