Sẽ chẳng mấy ai để ý tới hai bạn trẻ mặc đồ tối màu lặng lẽ làm công việc của những công nhân vệ sinh môi trường nếu như trên lưng Minh Giang không đeo một chiếc thùng rác màu xanh khá to. Nhất là khi trên thùng rác còn có dòng chữ mang ý nghĩa bảo vệ môi trường: “Thêm một người nhặt rác, bớt một người xả rác”.
Bởi vì thấy lạ nên một số người đã đi theo hỏi hai bạn trẻ đang làm việc gì, vì sao lại địu thùng rác to như vậy trên lưng?
Trần Minh Giang cho biết, anh và bạn Nguyễn Khánh Loan đang hoạt động công ích, cụ thể là nhặt rác trên phố đi bộ. Đây là hoạt động tự phát của một nhóm bạn trẻ gồm khoảng 20 người, trong đó có Giang và Loan. Loan chính là người nhỏ tuổi nhất trong nhóm.
Biết được cả nhóm đều là nhân viên của một cửa tiệm làm tóc tại Hà Nội, có người hỏi: “Các bạn làm như thế này để PR cho cửa hàng à?”. Giang trả lời rằng: “Chúng mình đâu có mang theo biển hiệu, cũng không hô hào gì thì làm sao quảng cáo?”.
Hai bạn trẻ cho biết, hoạt động nhặt rác trên phố đi bộ đã được nhóm thực hiện từ tháng 11/2016 tới nay, đều đặn vào buổi tối Chủ nhật hàng tuần. Nhóm nhặt rác “chưa kịp đặt tên” này chia làm 10 tốp nhỏ, mỗi tốp có một người địu thùng rác trên lưng đi cùng với 1-2 người phụ trách nhặt rác.
Các tốp đi vòng quanh những con phố đi bộ để thu gom rác mà người đi đường xả ra, đồng thời lặng lẽ tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường thông qua chính việc làm của các bạn.
Hành động của các bạn trẻ được người dân trên phố đi bộ ủng hộ nhiệt tình. Là một trong những người thường xuyên thấy nhóm bạn trẻ nhặt rác vào cuối tuần, bà Phạm Thị Hạnh, nhà quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi thấy các cháu còn nhỏ mà có ý thức tốt. Người trẻ mà không ngại bẩn, chịu khó đi nhặt rác như thế là hiếm. Tôi ủng hộ và sẽ bảo các cháu nhà tôi ra đây xem để học tập”.
Được biết, ý tưởng “đi nhặt rác” này do trưởng nhóm là Trần Minh Thắng sinh năm 1982 nghĩ ra và được sự ủng hộ của tất cả các thành viên. Những chiếc thùng rác cũng do mọi người tự bỏ tiền ra mua.
Sau mỗi buổi đi thu gom, rác được nhóm đưa về những điểm tập kết rác thải công cộng. Còn những chiếc thùng xanh lại được cọ sạch để tiếp tục được địu trên lưng các thành viên vào tuần sau nhằm giữ vệ sinh.
Mai Châm