Xem ra, tấm bằng thạc sỹ vẫn chưa thể đảm bảo cho tương lai. Sự lãng phí chất xám và tiền bạc như vậy sẽ còn trầm trọng hơn nếu không có sự cân đối trong đào tạo và sử dụng nguồn lao động chất lượng cao này.
Trong 417 học viên cao học khóa 2006-2009 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội có tới 300 người thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1980 đến 1984), chiếm tỷ lệ 71,94%. Rất nhiều cách đây chưa đầy nửa năm trước còn là sinh viên nay đã trở thành những học viên cao học.
Có một thực tế là ngày càng nhu cầu đi học sau đại học để lấy tấm bằng thạc sĩ ngày càng lớn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH nhiều SV đã mong muốn ra trường nếu có điều kiện sẽ học luôn lên cao bởi họ cảm thấy tấm bằng cử nhân chưa thể đảm bảo chắc chắn cho tương lai. Việc đi học cao học ngay khi còn trẻ là điều thuận lợi bởi khi đó họ chưa phải vướng vào cuộc sống gia đình và cũng chưa quên kiến thức.
Xét đến cùng, việc trẻ hóa đội ngũ học viên cao học là cần thiết và đáng mừng trong xu thế trẻ hòa lực lượng lao động chất lượng cao hiện nay và đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho thấy rằng thế hệ 8X là những người cầu tiến và luôn lo lắng cho tương lai.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thất nghiệp mới đi học cao học. Ý kiến này có vẻ cực đoan nhưng không phải không có lý khi chúng ta nhìn vào trong số 300 học viên cao học 8X của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn năm nay thì chỉ có 79 người có việc làm, còn lại đều không khác gì sinh viên, có nghĩa là hàng tháng vẫn phải xin 100% trợ cấp không hoàn lại của gia đình.
Tình hình nhiều trường khác cũng tương tự. (Việc làm ở đây được hiểu là một công việc cho thu nhập tương đối ổn định, không kể làm trong hay ngoài nhà nước, cũng chưa bàn đến việc có làm đúng nghề được đào tạo hay không). Những người may mắn tìm được việc làm thì con đường để đến với tấm bằng thạc sỹ xem ra vẫn còn rất gian nan.
Kinh phí một học viên cao học phải nộp một tháng là 480.000 đồng (trong đó 200.000 đồng học phí, 280.000 đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo). Theo quy chế, tất cả các học viên sau ĐH đều phải đóng học phí.
Các học viên là các bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan nhà nước có quyết định cử đi học trong chỉ tiêu có kinh phí của nhà nước, được miến đóng góp kinh phí hỗ trợ đào tạo.
Các trường hợp còn lại phải đóng góp toàn bộ kinh phí hỗ trợ đào tạo. Sinh viên mới ra trường xin vào làm ở các cơ quan nhà nước đã khó, vào được biên chế, thành người nhà nước lại càng khó hơn (nhất là trong tình hình hiện nay con đường vào biên chế vẫn là con đường dài).
Bởi vậy, hầu hết các học viên 8X có việc làm đều không phải là công chức nhà nước để được hưởng các đãi ngộ về kinh phí. Với đồng lương tên dưới 1 triệu đồng/tháng mà phải nộp tới 480 nghìn đồng tiền học phí thì họ vẫn phải nhờ vào trợ cấp của gia đình để sống, để học.
Theo Hoàng LanSinh viên Việt Nam