Tết dương là một ngày đặc biệt với dân “ét-vê”, đặc biệt là dân “ka-tê-ích Mê-tờ-ri” (KTX Mễ Trì – nơi tụ hội quần hùng của sinh viên 2 trường ĐH KH Tự nhiên và ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) tụi mình.
Sáng tinh sương, trưởng phòng 201 B1 Thế Trung “lãnh đạo” anh em nhanh chóng dọn dẹp “chiến trường” vốn đầy vỏ mì tôm và thuốc lá. Mọi hôm, chắc chắn Triều Ngọc và Minh Long sẽ chí choé cãi nhau xem ai đi đổ rác, nhưng hôm nay cả hai ngoan hiền đột xuất.
30 phút sau, hai bì rác – kết quả của hai tuần không dọn dẹp được hốt đi. Giàn bóng nháy được treo lên cùng với dòng chữ “Happy new year 2006” do mấy anh em hì hục cắt dán từ mấy ngày nay. Căn phòng sạch sẽ, sáng bóng lạ thường.
Đức Mậu trán lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn cười thật tươi khi nghĩ đến cảnh: “Hôm nay các thầy cô trong khoa và các nàng đến chúc Tết chắc sẽ ngạc nhiên lắm đây!”
8h30…
Tiếng loa vang lên thúc giục mọi người về sân kí túc xá tham gia trò chơi do Ban quản lí kí túc tổ chức. Nhiều trò chơi hấp dẫn kéo mọi người hào hứng tham gia như: đi xe đạp chậm, nhảy xa… và vui nhất vẫn là trò kéo co.
Qua ba hiệp đấu với khoa Sử, nhờ sự chung sức của các thầy giáo người Trung Quốc và thầy dạy tiếng Nhật, khoa Đông Phương thắng với tỷ số 2-1. Phải công nhận dân khoa Sử “trâu bò thật” nhưng bọn mình đâu có kém – những kẻ chiến thắng tự tán dương mình như thế.
Nhóm sinh viên K50 mệt phờ nhưng vui lắm. Linh Nam thở không ra hơi. Còn thầy giáo Trung Quốc thì vừa thở vừa nói: “Tham gia cùng với các bạn, tôi như được sống lại thời sinh viên của mình. Có lẽ đây là Tết Tây vui nhất của tôi từ trước tới nay. Các bạn sinh viên Việt Nam thật sự tạo cho tôi ấn tượng về tinh thần làm việc tập thể và sự trẻ trung ”.
10h…
Cuộc thi kéo co kết thúc, khoa mình chỉ vào được tứ kết. Thế mới “chim cú” chứ. Tuy nhiên, vui là chính. Sinh viên mà!
Tết này, việc làm trại của khoa do các em K50 đảm trách. Tụi con gái xung phong trang trí, còn lũ con trai tình nguyện làm chân sai vặt cho các nàng. Phải trang trí thế nào cho “bật” được phong cách khoa Đông Phương mà vẫn tràn ngập không khí đón Tết thực sự là “vấn đề”.
Cuối cùng, cả lũ nhất trí lấy mành trúc vẽ hình ngôi đền Ấn Độ và bức tranh Vạn lí trường thành treo hai bên. Những chiếc đèn lồng của Trung Quốc treo hai bên cổng chào làm bằng dây thừng kết nối với tre, tôn lên vẻ đẹp mộc mạc của trại.
Bóng bay và mấy giàn đèn nháy trang hoàng xung quanh cùng chiếc bàn thờ với mâm ngũ quả thật ấn tượng. Con gái khoa mình cũng khéo tay phết đấy chứ!
13h45…
Trường Sơn nảy ra ý tưởng góp vốn bán hàng. Kế hoạch được duyệt ngay: thịt nướng và nem chua rán là hai “mặt hàng” chủ yếu cho “chiến lược kinh doanh” tối nay.
Dốc hết hầu bao, góp được 300 nghìn, chạy đi chợ mua thịt về thái, ướp và xiên vào que tre. Ngồi hai tiếng đồng hồ, lưng mỏi, bụng đói đến rã rời. May mà đến chiều công việc cũng hòm hòm.
231 xâu thịt nướng. Tối nay hi vọng sẽ “làm ăn” được. Tha hồ mà “chặt chém”, nhất là với tên nào… dẫn bạn gái đi!
Chiều tối…
Các trại đã hoàn thành việc chấm điểm và đây cũng là thời điểm mà những tay có “máu” kinh doanh hoàn tất việc chuẩn bị để bán hàng. Hì hục với lò than hoa, trong ánh sương chiều, mùi thịt nướng thơm lừng làm “điếc mũi” tất cả những ai đi qua.
Bên cạnh, các trại bạn cũng đang kê bàn ghế và bày hàng. Lác đác đã có một vài khách, nhưng chủ yếu vẫn là sinh viên trong trường.
Ngước lên sân khấu, tất cả đã sẵn sàng cho đêm văn nghệ đáng nhớ phục vụ “cư dân” Mễ Trì và “bà con” các trường lân cận.
20h30…
“Cây nhà lá vườn” cũng chuyên nghiệp không kém! |
Sân KTX chật ních người. Ấn tượng nhất trong chương trình văn nghệ là các tiết mục do sinh viên tự biên tự diễn và mấy em bé thiếu nhi ở quận Đống Đa. Từ những bài ca truyền thống đến các ca khúc hiện đại được các “ca sĩ vườn” thể hiện hết sức say mê. Tuy chỉ là “cây nhà lá vườn” nhưng tất cả đều vô cùng thích thú.
Các gian hàng ở các trại tấp nập khách ra vào. Lời mời chào và chèo kéo không ngớt. Khoái nhất là vớ được một anh chàng “gà công nghiệp” hay các đôi tình nhân thì thoải mái “hét” giá lên… tận trời. Cả với các thầy cô giáo cũng không được “tha”. Biết tâm lý các thầy cô không nỡ từ chối khi học trò chào mời, cả lũ lại ranh mãnh “chặt và chém”.
Đi hội chợ ẩm thực Tết sinh viên là dịp để bạn được thưởng thức đặc sản hội tụ từ các vùng miền của đất nước như: bánh bèo Huế; cu-đơ, ốc nóng Nghệ An; nem chua Thanh Hoá; cơm lam, rượu cần Hoà Bình… và vô số các món ăn dân dã được các bạn sinh viên giới thiệu.
Giao thừa!
Sân KTX vang lên những tiếng hò reo chúc mừng năm mới. Pháo sáng được đốt lên hoà trong khúc hát “Happy new year”. Tại các phòng, mọi người ngồi bên nồi lẩu đang bốc khói nghi ngút và cùng nâng chén chúc mừng năm mới. Chương trình văn nghệ dành cho khách mời cũng bắt đầu.
Các bạn nam sau khi đã “tê-lê-phê” bắt đầu sang các phòng chúc Tết và đều có chung điểm hẹn: “Phòng nữ ở bên C”. Đây là dịp để mọi người nói lời chúc mừng cho năm mới và cũng là cơ hội cho các chàng “thắt chặt quan hệ” với các phòng nữ láng giềng. Và tất nhiên, đây cũng là cơ hội để không ít anh chàng “lợi dụng” để “tỉnh tò”.
Trong đêm vui, tại một góc hành lang khuất, thỉnh thoảng có một vài bạn nữ thút thít khóc vì nhớ mẹ, nhớ người yêu… Điểm giao hòa của năm mới có đủ dư vị của ngọt ngào, vui sướng và cả một chút buồn chen lấn như chính tâm tư của tụi trẻ bọn mình.
Sinh viên Mễ Trì vui Tết đến hai, ba giờ sáng mới tan cuộc. Để rồi hôm sau lại tất tả lao vào ôn thi…
Hạnh Văn
(K48 Đông Phương học – ĐHKHXH&NV)