Có một thời gian rất dài, trong xã hội truyền thống, tuyệt đại đa số người Việt Nam dù vì bất kỳ một lý do gì phải “ly hương” cũng luôn giữ mối liên hệ với bản quán của mình. Đặc biệt là với Ngày Tết Nguyên đán gắn với thời vụ nông nhàn cũng là mùa lễ hội, cùng với tập quán coi Ngày Tết là dịp đoàn tụ không chỉ với người đương sống mà cả với tổ tiên và các bậc tiền nhân đã khuất. Chính vì vậy, việc sum họp gia đình đối với con Việt không phải chỉ là một bản năng sinh học mà nó đã trở thành một tâm thức được trao truyền như một giá trị nhân văn.
Tuy nhiên, cái thời đại mà chúng ta đang sống đây đã và đang diễn ra biết bao nhiêu biến đổi to lớn tác động vào xã hội và tâm thức mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ. Mọi thứ đều nhanh gấp và không ngừng biến đổi với tốc độ chóng mặt. Khoảng cách địa lý, nhờ những thay đổi của công nghệ truyền thông và phương tiên giao thông giờ như thu hẹp lại. Người ta ngồi một chỗ có thể tiếp xúc với miền quê của mình, từ cảnh vật tới con người một cách dễ dàng. Mở “google map” có thể nhìn thấy mái ngôi nhà ở quê mình cách xa hàng ngàn cây số, nhấc máy điện thoại – truyền hình có thể nói chuyện với những người ruột thịt đang sống ở quê nhà bất cứ lúc nào… Còn những tiến bộ của giao thông cũng làm mọi khoảng cách đều trở nên ngắn lại gấp bội lần so với con đường hồi hương thuở xa xưa…Trong lúc đó, những người không ở xa gia đình thì cuộc sống nhiều thú vui và tâm lý muốn “đổi gió” cũng đẩy họ xa với nét văn hóa đoàn tụ dịp Tết.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Trên mặt bằng của sự phát triển xã hội, nhu cầu đi đây đi đó để xả hơi sau một năm lao động hay học tập vất vả khiến nhiều bạn trẻ nghĩ đến cơ hội tìm đến những phát hiện mới mẻ ở những phương trời xa lạ hơn là về với gia đình, với vùng quê dường như đã quá quen thuộc. Cũng có bạn biện hộ bằng những suy nghĩ nông cạn rằng đời còn dài, sẽ có nhiều cơ hội khác cho gia đình, cha mẹ thì vẫn ở đấy, chẳng giận bao giờ, chỉ cần cú điện thoại, ít quà là đủ “Tết” rồi. Ngày càng nhiều người trẻ tận dụng dịp Tết cho những chuyến du lịch hay kế hoạch tận hưởng, quên đi thời điểm thiêng liêng mỗi năm chỉ có một lần để gia đình sum họp. Xu hướng không tránh được đó không chỉ do tác động của công nghệ hay những tập quán ngoại lai mà có lẽ chính yếu nhất là từ “sự ích kỷ mang tính thời đại” của giới trẻ.
Nhưng sẽ có một ngày các bạn nhận ra rằng chính những điều tốt đẹp mà các bạn học đựoc ở các xứ sở khác, từ thời trang hay phim ảnh của Hàn Quốc, công nghệ tinh vi của Nhật Bản, hay tinh thần dám dấn thân trong sáng tạo của Hoa Kỳ hay sự kiên trì tinh xảo của Do Thái… đều sâu rễ bền gốc với những giá trị truyền thống của quê hương và dân tộc của họ. Đương nhiên, với những sức quyến rũ hời hợt dễ lôi cuốn các bạn từ những trào lưu biến dạng của văn hoá ngoại lai hay sự thái quá trong việc tôn sùng công nghệ, phai nhạt với những giá trị nhân văn sẽ có ngày các bạn nhận ra sự nông cạn, thậm chí sự độc hại của nó. Các bạn cần hiểu rằng, sau mỗi lần sống trong không khí yêu thương với gia đình nơi quê hương, trong giá trị văn hóa truyền thống như ngày Tết, không chỉ tâm hồn mà trong hành trang tri thức và tình cảm của các bạn những trải nghiệm về quê hương, bản quán…rộng ra là về đất nước của mình sẽ giúp bạn vươn xa hơn trên con đường trưởng thành.
Về quê đón Tết cùng gia đình và các bạn sẽ thấy càng thấm thía rằng: không có món quà nào tuyệt vời hơn gia đình sum họp, và cũng không có thời khắc nào rộn ràng hơn ngày Tết đoàn viên.
Xem clip tại đây: https://www.youtube-nocookie.com/embed/sJHOY1I0eMM?rel=0
Xuân 2015
Dương Trung Quốc