Tết độc đáo của người Mông giữa lòng Hà Nội

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 09/01/2017
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021
 Năm nay, cộng đồng người Mông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội đã cùng nhau tổ chức lễ hội “Tết Mông xuống phố” để chào đón năm mới 2017 và quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông với mọi người.

Năm nay, cộng đồng người Mông đang sinh sống và học tập tại Hà Nội đã cùng nhau tổ chức lễ hội “Tết Mông xuống phố” để chào đón năm mới 2017 và quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của người Mông với mọi người.

Không gian Tết với những đặc sản ẩm thực của người Mông như thắng cố, mật ong rừng, bánh giầy; những gian hàng quần áo, nhạc cụ truyền thống độc đáo như sáo, khèn. Đặc biệt, gian hàng đồ thổ cẩm, trang sức thu hút được nhiều bạn trẻ tới xem nhất.

Đây là dịp để các bạn trẻ ở Hà Nội có cơ hội trải nghiệm văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao.

Trong ngày này, những bạn sinh viên người Mông từ các trường trên địa bàn Hà Nội đã cùng nhau khoác lên mình trang phục truyền thống. Người Mông ở những vùng khác nhau lại có những bộ quần áo truyền thống khác nhau. Trong ảnh, bạn Giàng Thị Pàng được khá nhiều người chú ý bởi bởi bộ trang phục cầu kỳ và lộng lẫy.

Ném pao là một trò chơi không thể thiếu trong những ngày hội truyền thống, lễ tết của người Mông. Những chàng trai, cô gái thường ném pao qua lại cho nhau để tìm người giao duyên.

Bà Hờ Thị Chứ – nghệ nhân làm trang phục truyền thống của người dân tộc Mông ở Mù Cang Chải cũng xuống Hà Nội để trò chuyện và hướng dẫn cho mọi người cách vẽ sáp ong lên vải.

Đây được xem là cách làm trang phục truyền thống độc đáo của người Mông

Ngoài các hoạt động văn hóa tái hiện ngày Tết, ngày hội còn trưng bày triển lãm ảnh về cuộc sống bình dị của người Mông.

Với thông điệp “Không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn mà tất cả là sự đa dạng hòa hợp”, cuộc thi tranh biện về văn hóa và cuộc sống của người dân tộc thiểu số “Hiện đại hay lạc hậu” đã diễn ra rất sôi nổi, hào hứng.

“Tết Mông xuống phố” không chỉ là cơ hội để các bạn dân tộc Mông từ mọi miền đất nước tìm hiểu và giao lưu lẫn nhau mà còn là dịp để người dân Hà Nội có cơ hội trải nghiệm nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Tiểu Phương – Lan Phương

Exit mobile version