Một phần diện tích đất nông nghiệp thuộc xã Hưng Tây (Hưng Nguyên, Nghệ An) đã được thu hồi để phục vụ dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bởi vậy hơn 1 năm nay, các thửa ruộng màu mỡ ở đây đã ngừng sản xuất để đơn vị đầu tư thi công các hạng mục công trình. Tại nhiều cánh đồng, do chưa thi công đến nơi nên vẫn được giữ nguyên trạng, chưa bị đổ nền đất đá, thân cây lúa, gốc rạ sau thu hoạch để lâu ngày trở thành một lớp mùn trên bề mặt ruộng.
Sau hơn 1 ngày mưa tầm tã, từ các thửa ruộng nở trắng nấm rơm từ gốc rạ hoai mục. Những chiếc nấm to cỡ chiếc cúc áo, đội lớp đất bở tơi nhú lên. Chỉ từ trong vòng 1-2 ngày, nấm lớn nhanh bằng ngón tay cái, nếu không kịp thời thu hoạch, nấm sẽ “nở”, hỏng, không còn giá trị sử dụng. Bởi vậy, khi trời chưa tan sương, người dân các xóm Khoa Đà 2, Khoa Đà 2 (xã Hưng Tây) đã tay rổ, tay thùng đưa nhau ra đồng nhặt nấm.
Tay rổ, tay thùng đi nhặt nấm sau bão
Ông Hoàng Văn Tùng (xóm Khoa Đà 2) cùng vợ đi nhặt nấm từ sớm. Trong 2 ngày, hai vợ chồng ông nhặt được khoảng 15kg nấm rơm. “Nấm sạch đây, hoàn toàn tự nhiên. Nấm giàu giá trị dinh dưỡng, dễ chế biến. Một số được sơ chế, để tủ lạnh ăn dần, số còn lại rửa sạch, phơi khô để dành”, ông Tùng cho hay.
Bà Võ Thị Hằng (Khoa Đà 3) huy động cả con gái và cháu gái đi nhặt nấm. Để khỏi mất thời gian cho công đoạn sơ chế sau khi mang nấm về nhà, bà Hằng và các con, cháu của mình mang kéo đi cắt gốc nấm, chỉ lấy phần thân và nụ nấm. “Qua mấy công đoạn sơ chế, cắt gốc, rửa sạch thì nấm nó nát mất”, bà Hằng lý giải.
Nhà có 2 mẹ con, ăn không hết bao nhiêu nhưng thấy nấm nhiều, bà Hằng vẫn đi nhặt về, phần thì ăn, phần lớn thì mang đi biếu anh em, họ hàng xa. “Cái anh nấm sạch này người ta quý hơn cả thịt gà ấy chứ. Lộc trời, chia mỗi nhà một ít ăn cho vui thôi. Ruộng nương thu hồi làm dự án hết rồi, mai mốt người ta xây nhà máy lên, chẳng có nấm sạch như thế này mà ăn nữa đâu”, bà Hằng cho hay.
Do nấm phát triển nhanh, nhất là khi nắng lên nên thời gian thu hoạch nấm chỉ kéo dài 2-3 ngày.
Người dân ra đồng nhặt nấm vào sáng sớm.
Hoàng Lam