Tâm sự của một chàng trai

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 02/04/2008
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Cũng như bao gia đình khác trong làng, mẹ tôi cũng là một nông dân thứ thiệt, Bố tôi làm làm ở ngành dược vì công việc bận rộn nên công tác liên miên và hầu như không có thời gian ở nhà, mỗi năm cũng chỉ về được 1-2 lần vài ba bữa lại cùng đoàn đi. 5 anh em chúng tôi lớn lên trong vòng tay chăm sóc yêu thương của mẹ với bữa rau, bữa cháo qua ngày.

 

Năm tôi sinh ra cũng là lúc gia đình bước vào những tháng ngày cơ cực, khó khăn vất vả nhất. Bệnh tật, ốm đau triền miên, không còn cách nào khác mẹ tôi đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền chữa bệnh cho tôi, những thứ có giá trị trong gia đình do bố tôi mua về mỗi lần đi công tác cũng được bán đi lấy tiền để nuôi 5 anh em chúng tôi. Mẹ tôi, sáng chạy chợ, chiều lại tất tả ngược xuôi theo người ta đi làm thuê, cuốc mướn đổi công lấy gạo về, những hôm ốm liệt giường mẹ cũng phải gượng dậy để chạy từng bữa ăn cho chúng tôi.

 

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những bữa rau cháo cơm độn, gắn liền với sự chăm non, săn sóc đùm bọc yêu thương của mẹ và anh chị và cũng gắn liền với những tiếng dọa nạt, mắng nhiếc của người bố làm chức to có quyền cao. Bố tôi mỗi ngày một thăng tiến kèm theo đó cũng bận rộn hơn vài ba năm về thăm nhà một lần, không ngó ngàng, quan tâm. Tuy không công khai nhưng cả gia đình, anh em đều biết rằng bố tôi đã có rất nhiều “quan hệ” bồ bịch bên ngoài nên muốn bỏ mẹ con anh em chúng tôi.

 

5 năm, rồi 15 năm trôi qua anh em chúng tôi khôn lớn, mẹ tôi cũng mỗi ngày thêm một nếp nhăn trên đôi gò má gầy gò và vầng trán sám nắng tự bao giờ. Tôi đến trường trong sự tủi nhục mang “danh hão” con ông thủ trưởng và được gọi bằng cái tên “cậu ấm”, vì nể công việc, chức quyền của người bố mà bao năm trong long tôi đã chết mà mọi người trong làng vẫn bề ngoài tôn trọng nhưng bên trong luôn nguyền rủa, chê trách cả gia đình tôi. 

 

Năm 1999, anh cả tôi bước vào giảng đường Đại học kinh tế Thái Nguyên, chị hai tôi học xong 12 cũng bỏ đi Miền nam làm công nhân. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chỉ một mình mẹ quán xuyến, thức khuya làm việc cả đêm ngày chỉ mong đủ tiền gửi nuôi anh tôi ăn học mà không có sự hỗ trợ nào của bố. Hy vọng, niềm tự hào của mẹ tôi đổ dồn vào anh nhưng rồi nhanh chóng bị sụp đổ – anh tôi bị tai nạn và mất hoàn toàn trí nhớ cộng thêm những chấn thương sọ não ảnh hưởng tới thần kinh. Khi nghe được tin cả gia đình tôi bàng hoàng, mẹ tôi đã ngất ngay sau đó.

 

Gượng dậy sau cú sốc của anh, mẹ tôi lại lầm lũi một mình một tay bươn chải tiếp tục nuôi chị ba tôi học Đại học Vinh (năm 2001) và chăm non anh trai tôi. Những hôm động trời anh lại lên cơn, mẹ tôi chỉ biết ôm lấy anh và van khóc mặc anh đánh đấm và ném mọi thứ có giá trị trong nhà . Trong khi đó người thân, họ hàng, làng xóm dần dần xa lánh gia đình tôi vì họ sợ “…sợ bị liên lụy, sợ bị mang tai họa…” ra đường họ nhìn bằng ánh mắt khinh miệt, nguýt ngoảy.

 

Cũng năm đó, công việc làm ăn của bố tôi gặp nhiều trắc trở – những chuyến hàng của bố đi biên giới bị cướp. Bố tôi đã phải bán hầu như hết gia tài của mình bao gồm cả căn biệt thự nhỏ ở thành phố cùng với  số vàng mà bố “tặng” cho mẹ và chị trước đó để trả nợ đền cho công ty. Sau vụ đó bố tôi xin nghỉ công tác và về hưu sớm. Kể từ đó, những lời dèm pha, bàn tán, chửi rủa  được trút vào gia đình tôi, có người chửi bố tôi ngu lấy phải người vợ… “đen đủi” làm sạt nghiệp …. 

 

Về nhà sống bằng đồng lương ít ỏi trợ cấp, chính bố tôi lại trở thành người “ăn bám” mẹ. Mẹ tôi không hề trách cứ, đổ lỗi cho bố với những lỗi lầm đã gây ra mà càng yêu bố hơn trước, như chợt nhận ra sai lầm trước đây của mình bố tôi lại dồn tất cả số vốn còn lại vào chăn nuôi, buôn bán để nuôi anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần nhìn anh trai tôi bố lại nuốt nước mắt chảy vào trong và tự trách mình, ân hận.

 

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, chị tôi ra trường gánh nặng cũng được vơi vớt đi phần nào. Bố mẹ tôi mỗi ngày một già yếu, tôi lại bước chân vào giảng đường đại học Huế, nhiều lúc nghĩ bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi bố mẹ vì thương bố mẹ ở nhà tần tảo bữa rau bữa cơm trắng, nhưng cứ mỗi lần tôi có ý định đó mẹ lại cầm tay tôi và bảo: “Cả gia đình ta nuôi hy vọng vào con. Đừng làm bố mẹ và chị, em thất vọng, dù khổ mấy, cực mấy bố mẹ cũng chịu đựng được miễn sao con ăn học nên người”. Thương bố, thương mẹ tôi chỉ còn cách ôm lấy sách mà học thật giỏi với quyết tâm “vực” dậy gia đình.

 

Phan Bá Mạnh (lược ghi)

Exit mobile version