Dịp hè hàng năm, đâu đó có những con lạch ngăn cách đường đến trường của các em học sinh, gây cách trở cho việc đi lại, vận chuyển của bà con nghèo ở những vùng quê sông nước đã được nối liền bằng những chiếc cầu bê tông.
Hình ảnh những chiếc cầu khỉ chông chênh, nguy hiểm vắt qua những con lạch, con mương mùa mưa lũ nay đã được thay bằng những chiếc cầu bê tông bởi các bạn sinh viên trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Các bạn đang căng dây để định vị trụ cọc
Các chàng sinh viên kỹ sư “xây cầu” coi việc làm này như một công việc thường niên, có tính truyền thống của nhà trường vào mỗi dịp hè. Không ít bạn sinh viên trong số họ cũng sinh ra từ những gia đình, vùng quê nghèo khó, mùa nóng thì khô hạn, nhưng mùa mưa thì bão lũ. Vì thế, các bạn thấu hiểu và đồng cảm hơn ai hết trước những khó khăn của các em học sinh và đồng bào nghèo đang sinh sống ở những vùng đất như thế này.
Trăn trở muốn đem kiến thức đã học, áp dụng phương pháp thi công mới trên nền kết cấu địa chất và địa hình trắc trở của miền sông nước, các bạn muốn góp sức mình xây nên những cây cầu bê tông chắc chắn và an toàn hơn. Đó gần như đã trở thành trách nhiệm cộng đồng trong lý tưởng sống của họ.
Chuẩn bị xuống trụ – Một trong những công đoạn quan trọng nhất
Bạn N.Đ.Sơn (năm cuối Đại học TPHCM) tâm sự: “Mỗi lần nghe tin thời sự ở đâu đó các em học sinh chết đuối do bị đắm đò, mình thấy rất xót xa. Mình tự nhủ phải đem những gì học được để làm gì đó cho những em nhỏ khác. Đây là một trong những chiếc cầu mà mình và các bạn sinh viên cùng trường góp sức xây nên”.
Nỗi lòng của Sơn cũng là suy tư của nhiều sinh viên đại học Bách Khoa. Cùng chung một suy nghĩ, các bạn đã ngồi lại với nhau và lập ra những kế hoạch mùa hè xanh cụ thể theo năng lực và ngành học của mình. Họ phối hợp, liên kết với các hội từ thiện, các “Mạnh Thường Quân” có lòng nhân ái đóng góp tài chính để mua vật liệu xây dựng cùng các trang thiết bị dùng cho những công trình liên quan khác.
Từ liên hệ chính quyền địa phương, đi tiền trạm để khảo sát địa hình, rồi về thiết kế bản vẽ, lập dự án tiến độ thi công, và “ra quân” hành động, các bạn đều thực hiện vô cùng nhịp nhàng và tâm huyết.
Khó khăn chỉ là chuyện nhỏ
Vì là xây cầu bê tông thay cho cầu khỉ, địa hình là những con lạch, kênh, và phương pháp cũng như phương tiện thi công rất thô sơ, chủ yếu mang tính sáng tạo tùy biến theo địa hình, nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Công đoạn quan trọng nhất là xuống trụ cọc. Các bạn dùng phương pháp thổi cát nhờ một máy bơm nước công suất mạnh, thổi nước vào ngay chân trụ, cho đất cát bay ra, cọc cứ thế lún xuống dần.
Địa điểm xây cầu không thể dùng xe máy để vận chuyển vật liệu, nên đội tình nguyện vận dụng chiếc ghe nhỏ để chuyển vật liệu vào. Việc lội nước, dầm mình suốt cả buổi để di chuyển trụ cọc, vật liệu là chuyện thường.
Dầm mình dưới nước để giữ cọc.
Nửa người trên bị thiêu đốt dưới cái nắng chang chang, nửa phần phía dưới thì ngâm trong nước, bạn Huy – đội trưởng vừa cười vừa nói: “Chịu khó một chút không sao mà. Tụi mình phải cố gắng hoàn thành sớm để bà con và các em học sinh có cầu mới để đi là vui rồi. Khó khăn là chuyện nhỏ ý mà”.
Lúc giăng dây, giữ thăng bằng để xuống trụ cọc, các bạn sinh viên mặt nhễ nhại mồ hôi vẫn hát vang bài ca “Hò kéo pháo”. Tiếng hò reo, tiếng hát như tiếp thêm sức lực cho những “màu áo xanh” hăng say làm để tiếp tục mang đến những niềm vui và hy vọng.
Các em học sinh vui sướng đi trên cây cầu mới…
Bà con, thanh niên ở đây cũng nhiệt tình phụ giúp giúp các bạn một tay, chăm sóc trà nước, bánh kẹo. Một bác nông dân rất thương các bạn trẻ, nên ngày nào bác cũng đi bắt cá ngon về “chiêu đãi”. Và có một bác còn hay làm thơ tặng các bạn: “Chú ngâm thơ tặng bọn nó, cho bớt mệt lúc xây cầu. Bọn nhỏ này vậy mà tốt ghê. Nhờ tụi bay và các nhà hảo tâm, bà con ở đây có cái cầu để đi rồi. Các chú và bà con quý và thương tụi nó như con”.
Ngày khánh thành cây cầu, nhiều em nhỏ đã chạy đến nắm tay các anh chị sinh viên. Nhiều em ngượng ngịu không nói lên lời, nhưng những đôi mắt ấy lại ánh lên niềm quý mến và biết ơn.
Một bạn trong đội tâm sự: “Nhìn những nụ cười của các em trong chiếc áo trắng tinh và chiếc quần sẫm màu hớn hở bước qua cầu, mình thấy nao nao cảm giác hạnh phúc khó tả. Hạnh phúc này thật lớn lao so với công lao đóng góp nhỏ nhoi của mình”.
Là nhờ sự quyết tâm của những “áo xanh tình nguyện”…
Không còn những cảnh đi qua cầu mà bị rơi tõm xuống nước, ướt hết sách vở, quần áo, chiếc cầu mới sẽ trở thành người bạn thân thiết đưa các em đến trường.
Hạnh phúc là khi được chia sẻ. Mang lại niềm vui cho người khác cũng là mang lại hạnh phúc cho chính mình. Với quan niệm sống ấy, những chàng sinh viên “xây cầu” với chiếc áo xanh tình nguyện sẽ còn tiếp tục xây thêm nhiều chiếc cầu nhân ái khác.