Suất cơm từ thiện của cô giáo mắc bệnh ung thư

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 23/08/2015
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Giọt nước mắt phía sau nụ cười

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Ngô Kim Loan là sự thân thiện, vui vẻ đúng với hình ảnh cô nuôi dạy trẻ. Thế nhưng, chúng tôi chẳng thể ngờ rằng, đằng sau những nụ cười ấy là cả một cuộc đời đầy mưa giông, sóng nổi.

Cô giáo Ngô Kim Loan sinh năm 1977, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương, cô về địa phương thành lập Trường mầm non tư thục Tú Chi. Một mình cô giáo trẻ này đã mở được 3 cơ sở.

Cuộc đời cô Loan tưởng như được trải đầy hoa hồng, thế nhưng, đến năm 2012, cô cùng gia đình như nghe sét đánh bên tai khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Bầu trời như sụp xuống trước mắt cô giáo trẻ. Vậy là mọi kỳ vọng vào tương lai tưởng như tắt ngấm. Những ngày đầu phát hiện ra bệnh, cô sống thu mình trong một góc tối cuộc đời cùng với những cơn đau quặn thắt. Thế rồi, căn bệnh quái ác ấy còn “rủ” thêm nhiều loại bệnh khác tấn công lên cơ thể cô giáo trẻ như bệnh lopus ban đỏ, đau xương khớp…

Chính trong những ngày sống ở đáy cùng của tuyệt vọng và đau đớn ấy, cô Loan lại thấu hiểu, đồng cảm hơn với nỗi đau của con người, nhất là những người bệnh cùng cảnh ngộ. Cô tâm sự, sau những lần đi khám bệnh chứng kiến cảnh bệnh nhân nằm chen chúc chật chội, bệnh tật cướp đi của họ sức khỏe, tinh thần lẫn tài chính, cô lại mong muốn làm một cái gì đó để chia sẻ với họ.

Vâng, “một cái gì đó” ấy cứ day dứt trong cô. Cô về bàn với gia đình, người thân và bạn bè thì nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình. Vậy là cô giáo mang trong mình đầy khổ đau ấy đã quyết định làm một việc nhân văn là nấu những suất cơm từ thiện cho những bệnh nhân của viện K cơ sở 2 và người nhà của họ.

Tháng 2.2014, cô Loan bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Những ngày đầu làm công việc này, nhóm của cô gặp vô vàn khó khăn. Nhân lực của nhóm từ thiện chỉ khoảng 10 người (cô Loan cùng các cô giáo trong trường) mà nấu tới hơn 80 suất cơm. Vừa nấu các cô vừa đi phát vé cơm (giá 5.000 đồng), rồi mang cơm vào tận trong giường bệnh. Dù gần như bỏ toàn bộ chi phí để nấu bữa ăn nhưng những ngày đầu nhóm từ thiện của cô chưa nhận được sự hưởng ứng. Phía bệnh viện do chưa rõ về mục đích của cô nên không cho vào, nhiều bệnh nhân còn tỏ ra e ngại. Lòng tốt của cô đôi khi còn bị người khác lợi dụng. Cô Loan nhớ lại, có lần nhóm cô đứng phát vé ngoài bệnh viện, có người xưng là người nhà bệnh nhân đến tiếp cận để mua 8 suất ăn, mọi người vui vẻ phát vé và còn mang tận nơi. Sau này, họ mới biết, đó là các đối tượng xấu đang đánh bạc trong nhà một hộ dân gần đó, biết về nhóm từ thiện của cô nên đã trục lợi.

Bệnh nhân Hoàng Văn Vinh nhận vé ăn từ nhóm từ thiện. 

“Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?”

Mặc dù ban đầu khó khăn là thế, nhưng mục đích trong sáng, tấm lòng cao cả và sự kiên trì cuối cùng cũng chiến thắng. Sau hơn 1 tháng làm công việc từ thiện, tất cả mọi người đã hiểu được tấm lòng của cô giáo trẻ. Các bác sĩ trong bệnh viện đã tạo mọi điều kiện cho nhóm từ thiện. Các bệnh nhân cùng người nhà thì rất mong chờ, cứ đến chủ nhật là họ lại ra cổng mong ngóng nhóm từ thiện của cô. Việc làm của cô giáo trẻ ấy còn có sức lan tỏa rất lớn. Sau khi biết đến việc làm của cô, một nhóm các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã đến tình nguyện giúp đỡ cô, họ sẵn sàng làm mọi việc từ nấu ăn cho đến phát vé, phát cơm miễn phí…

Nhóm sinh viên này đã nhiệt tình giúp cô trong vòng 6 tháng. Nay sinh viên các trường đại học vào năm học thì cô lại nhận được sự giúp sức của các bạn thanh niên đoàn xã Tam Hiệp. 12 bạn đoàn viên thanh niên chủ nhật nào cũng đến quây quần bên cô để làm công việc đầy ý nghĩa nhân văn. Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Mai Thủy – một trong những thanh niên tình nguyện – chia sẻ, bạn biết đến chương trình của cô Loan cách đây 2 tháng. Vậy là chủ nhật nào bạn cũng có mặt trong ngôi nhà ấm áp này để giúp mọi người. Khi làm công việc này, bạn không chỉ giúp đỡ được những người kém may mắn mà chính cuộc sống của bạn cũng phong phú hơn, ý nghĩa hơn.

Theo chân nhóm tình nguyện của cô giáo Loan, chúng tôi đã chứng kiến việc lòng tốt lan tỏa tới những mảnh đời bất hạnh. Bạn Ngô Thanh Kim Huệ (em gái ruột của chị Loan) dẫn mọi người đi phát vé cho người bệnh. Có đi cùng các bạn trong đội tình nguyện này, chúng tôi mới thấy, để làm được việc tốt hiện nay cũng không dễ dàng gì. Đến cổng viện, nhóm chúng tôi gặp một “sự cố”. Một bà trung niên với mái tóc xoăn sành điệu, giọng chua chát và đanh thép gọi giật lại: “Này, bán cho mấy vé ăn nào”. Thấy các bạn trẻ ngần ngừ, bà ta tiếp tục: “Tao cũng là người nhà bệnh nhân đấy nhé!”. Nhưng, sau đó, các bạn ấy đã rất cứng rắn, mạnh mẽ, kiên quyết không bán vé cho người phụ nữ này.

Kim Huệ tâm sự, khi đi phát vé ăn cho mọi người, các bạn thường xuyên gặp tình huống này, rất nhiều người không tốt lợi dụng các bạn để lấy các suất ăn gần như miễn phí. Những ngày đầu gặp phải, các bạn vô cùng lúng túng, thậm chí lần sau đi phát vé còn mang cả khẩu trang nữa. Nhưng giờ đây, các bạn đã quen với những va chạm này nên kiên quyết từ chối. Huệ trầm ngâm bảo tôi: “Làm việc tốt bây giờ cũng không phải dễ gì anh ạ”.

Đúng là muốn làm việc tốt bây giờ rất khó, nhưng khi những việc tốt ấy đến với những người cần giúp đỡ thật sự thì nó càng có ý nghĩa nhân văn. Người đầu tiên chúng tôi gặp trong lần phát vé này là bác Hoàng Văn Vinh (quê ở Nam Định) bị mắc bệnh u phế quản. Bác Vinh cho biết, mình vừa xuống bệnh viện K được gần một tuần. Giữa thành phố ồn ào xa lạ cùng căn bệnh hiểm nghèo, bác cảm thấy lạc lõng. Đây là lần đầu tiên, bác nhận được sự giúp đỡ của nhóm từ thiện và dường như cảm thấy ấm lòng hơn.

Còn bác Lê Thị Hiền – người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Thìn (quê Nghệ An) – chia sẻ, các bác đã xuống viện được vài tháng. Chủ nhật nào, các bác cũng nhận cơm của nhóm từ thiện. Các bác bảo, cơm của bạn ấy ngon hơn cơm quán rất nhiều. Không chỉ vậy, các bác còn được các bạn trẻ ân cần hỏi han chu đáo, những phút chia sẻ ấy như một liều thuốc giảm đau hiệu quả.

Để kết thúc bài báo này, tôi xin mượn một lời bình trong bộ phim tài liệu “chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Để thấu hiểu nỗi đau của con gười không phải một việc dễ dàng gì, nhất là chúng ta không sống cuộc sống của người đời?”. Có lẽ, sống trong nỗi đau của người bệnh nên cô giáo Ngô Kim Loan là người thấu hiểu nhất? Không chỉ thấu hiểu, mà cô còn thực sự chia sẻ với họ, điều đó tuy nhỏ nhưng đáng quý biết bao.

Theo Lao động

Exit mobile version