Cuộc trò chuyện của chị với Dân trí sẽ lý giải những “uẩn khúc” này.
Thất bại lớn nhất là sự đầu hàng
Chị đã từng gắn bó tới 11 năm ở Truyền hình Việt Nam, đã nổi tiếng, vậy tại sao chị lại rời bỏ truyền hình?
Năm 1990 tôi vào Truyền hình (TH), lúc ấy TH có rất nhiều thay đổi, rất nhiều cái mới. Tôi là người rất thích xây dựng các ý tưởng mới và được thực hiện một cách toàn tâm toàn ý cho các ý tưởng đó. Như chương trình “Câu chuyện quốc tế” mỗi tuần xuất hiện tới 5 năm trên truyền hình, là một trong những chương trình mà tôi rất thích. Nhưng mọi thứ nếu cứ mài đi mài lại mãi cũng chán… Đến năm 2000 tự nhiên tôi lại rất quan tâm đến xã hội học, đến khoa học nhân văn, đến dư luận của công chúng, vậy nên tôi thử sức sang một môi trường mới để xem mình có khả năng làm cái mình thích đến đâu.
Chị cũng là người chuyển khá nhiều nơi làm việc? Với một phụ nữ, việc chuyển khá nhiều nơi làm việc có phải là sự chọn lựa đúng đắn không?
Tôi luôn thích sự vận động, luôn thích tìm tòi và khám phá.
Vậy lý do tại sao chị lại trở về với Truyền hình?
Anh Trần Bình Minh (Phó TGĐ Đài THVN) có lần gặp tôi anh ấy nói: Sẽ dành cho Thu Uyên mỗi tuần 1 tiếng đồng hồ vào sáng Chủ nhật, nền là một “Talk show” Thu Uyên có dám nhận không, nếu nhận thì xây dựng chương trình này thật nhiều ý tưởng, thật hay ho vào. Thế là tôi quyết định nhận làm.
Và vì sao tên chương trình lại là “Tại sao không?”?
Trong cuộc sống này có rất nhiều thứ mà mình có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao không? Tại sao anh không thử dám đăng ký để làm một chuyến viễn du lên tận Bắc Cực. Tại sao một thanh niên con nhà giàu lại quyết định đi học chỉ bằng xe đạp. Chính là họ tự tạo áp lực cho mình để rèn luyện… Hay như câu chuyện của ông Kim Ngọc mà báo Dân trí đang thực hiện. Ông ấy dám đổi mới, dám áp dụng khoán hộ. Tại sao lại không? – đúng không. Và trong những lần cả nhóm ngồi với nhau, chúng tôi cứ quay đi quay lại với cái tên Tại sao không và thấy nó thật thích hợp.
Vậy mục đích cuối cùng mà chương trình này muốn mang lại là gì?
Con người luôn luôn phải đối diện với chính mình và ai cũng mong muốn làm cuộc đời mình tốt hơn. Có nhiều con đường mà họ có thể đi và cách mà chúng tôi đưa ra là một sự chọn lựa. Họ có dám thay đổi mình không, có dám dấn thân không?
Chị có bị áp lực công việc luôn đè nặng không?
Thường xuyên. Như việc xây dựng chương trình này chẳng hạn. Tôi ở TPHCM nhưng vẫn thường xuyên bay ra Hà Nội và đi…
Chị có nghĩ mình là một người nổi tiếng không?
Không bao giờ, và tôi rất ghét cái cụm từ này. Có lẽ là may mắn bởi tôi xuất hiện thường xuyên trên truyền hình. Còn nói về công việc, thực ra tôi với một chị lao công, hay một anh lái xe sẽ không có gì khác nhau cả. Chúng ta hoàn toàn bình đẳng bởi mỗi người đều đang thực hiện công việc của mình. Và có lúc nào ta phải tự vấn: Liệu ai mới hơn ai, tôi với những người khác. Vậy đừng bao giờ cho rằng mình nổi tiếng hoặc cố gắng để đạt được điều ấy. Rất phù phiếm.
Chị đã bao giờ thất bại?
Tôi luôn là người bắt đầu, chẳng hiểu vì sao lại vậy và tôi cố gắng để không bao giờ thất bại. Một nhân vật mà trong chương trình đầu tiên xuất hiện vào tháng 4 này có nói với tôi: “Thất bại lớn nhất là sự đầu hàng”. Tôi rất tâm đắc với câu nói này.
Vậy những lúc buồn chị hay làm gì?
Tôi cố làm việc để quên đi nỗi buồn.
Thỉnh thoảng chị có tự thưởng cho mình một món quà nào không?
Tôi thích buổi sáng dậy tự thưởng cho mình một ly cà phê. Sau đó là làm việc, có khi đến 8-9 giờ tối mới về nhà. Món quà mà mình cảm thấy thú vị là một công việc nào đó mình định ra mà hoàn thành được tốt đẹp.
Chị có quan tâm nhiều đến trang điểm không?
Quả thật là không nhiều lắm.
Tại một buổi ghi hình của “Tạo sao không?”. |
Ngày 1/3/2006, Dân Trí điện tử đã chính thức ký thoả thuận hợp tác cùng thực hiện chương trình và bảo trợ thông tin cho “Tại sao không?”. Tiêu chí của “Tại sao không?” cũng khá giống với mục đích của Dân trí đang theo đuổi: Tại sao không dám làm những điều mà nhiều người khác cho là không thể làm. |
Tôi không bao giờ giàu được
Chị vẫn thường nhận được các lời mời về làm việc chứ?
Mới đây tôi cũng nhận được một lời mời về xây dựng một tờ báo điện tử cho một tập đoàn khá lớn. Nhưng tôi phải nói thật, tôi quản lý rất kém, không biết kinh doanh, tôi chỉ thích làm chuyên môn, nên tôi từ chối.
Vậy có khi nào chị lại rời bỏ Đài Truyền hình một lần nữa không?
Bây giờ thì tôi chưa nghĩ đến, bởi vì Đài đang tạo tất cả các điều kiện tốt nhất để tôi thực hiện ý tưởng của mình. Nhưng còn sau này thì chưa thể biết được. Biết đâu tôi lại…
Nhìn chị ai cũng nghĩ là chị được cưng chiều từ hồi bé và có cuộc sống vật chất rất đầy đủ?
Tôi vẫn thường nhủ, mình là người tương đối nghèo. Cho đến bây giờ tôi vẫn ở nhà thuê. Dù tôi lái xe ô tô rất ác nhưng vẫn không gom đủ tiền để mua xe. Nhưng tôi không bao giờ cho rằng tiền bạc là mục tiêu mà mình theo đuổi, nó chỉ là phương tiện. Có nhiều người bảo rằng tôi là người mà tâm tính vẫn còn sót lại của thời bao cấp. Tôi không thể làm giầu được.
Vậy theo chị cái nghèo có đi với hèn không?
Tôi không cho là như vậy. Bố mẹ tôi là những nhà khoa học, đều học hành ở nước ngoài và có học vị Tiến sĩ, Giáo sư nhưng hai cụ đều rất nghèo. Nhưng đó là cái nghèo thanh cao. Tự mình phải đặt ra cho mình chuẩn mực sống. Có bao nhiêu người giầu có, dư thừa tiền bạc mà sống cũng vẫn rất hèn đấy thôi. Đạo diễn Đặng Nhật Minh có lần từng phát biểu: Nghèo vẫn có thể sạch được.
Vì sao Thu Uyên lại chọn Dân trí điện tử làm đơn vị bảo trợ thông tin cho “Tại sao không?”
Dân trí là một tờ báo điện tử mạnh. Nó khác xa với ngày đầu mới xuất hiện. Lúc đầu nó chỉ là một tờ báo chuyên đi cóp nhặt thông tin từ báo khác, nhưng bây giờ nó đã là một tờ báo được nâng tầm lên rất nhiều. Dân trí có nhiều bài sâu sắc, có vị thế. Một tờ báo điện tử muốn mạnh phải làm được như vậy, có những cái của riêng mình. Tiêu chí mà Dân trí theo đuổi cũng rất phù hợp với mục tiêu của “Tại sao không?” ví dụ như “khổ học thành tài”, “diễn đàn dân trí”…
Xin cảm ơn Thu Uyên!
Đức Trung
(thực hiện)