Chọn nước súc miệng
Nước súc miệng thường có các chất sát khuẩn (acid boric, kẽm sulfat, menthol, fluor…) pha chế dưới dạng dung dịch. Khi mua nước súc miệng, bạn cần kiểm tra hàm lượng cồn. Cồn có tác dụng làm cho hơi thở thơm tho, nhưng nếu lượng cồn quá lớn thì đó có thể là nguyên nhân khiến cho bạn bị khô khoang miệng. Bạn cũng cần chọn loại nước súc miệng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Nước súc miệng chuẩn được các bác sĩ nha khoa khuyên dùng là loại có những thành phần hóa học như cetylpyridinium chloride, chlorhexidine, sanguinarine và phenolic. Chúng có tác dụng giảm vi khuẩn trong miệng, giúp hơi thở thơm tho trong vòng 8 giờ. Hãy chắc chắn rằng loại nước súc miệng bạn chọn phải chứa thành phần flour vì đây là thành phần thiết yếu giúp cho răng chắc khỏe, loại trừ mảng bám và cũng được xem như chiếc “áo giáp” phòng ngừa chứng bệnh sâu răng. Khi sử dụng nước súc miệng, bạn nên chú ý tới hàm lượng fluor trong nước phải phù hợp, nhất là với trẻ em. Với trẻ dưới 3 tuổi, bạn không nên chọn nước súc miệng có fluor, trừ trường hợp em bé đang bị sâu răng nghiêm trọng. Do lượng cồn trong nước súc miệng cao nên tuyệt đối không cho trẻ em dùng nước súc miệng của người lớn. Mặc dù có nhiều loại khác nhau nhưng nước súc miệng chỉ có tác dụng hạn chế sâu răng, sát khuẩn chứ không chữa được sâu răng hay làm trắng răng như một số người nhầm hiểu.
Cách dùng hiệu quả
Nước súc miệng không phải là vô hại và vẫn có thể gây những tác dụng phụ khi sử dụng. Bản thân nước súc miệng nếu dùng đúng cách sẽ rất tốt, giúp diệt được vi khuẩn có hại cho răng. Ngược lại, dùng quá nhiều, không theo chỉ dẫn sẽ diệt một số vi khuẩn có lợi, làm thay đổi môi trường cân bằng vùng miệng. Thậm chí có trường hợp còn gây ố răng, hư những mảnh trám răng, rối loạn vị giác, kích ứng miệng, lưỡi… Cũng như kem đánh răng, bạn không nên lạm dụng nước súc miệng, chỉ dùng không quá 2 – 3 lần/ ngày. Với nước có chứa fluor, chỉ dùng 1 lần mỗi ngày. Do nước súc miệng chứa lượng cồn cao làm mất nước nên nếu sử dụng quá nhiều lần sẽ gây khô miệng. Tình trạng này kéo dài quá lâu có thể dẫn đến bệnh hôi miệng, tăng thêm tình trạng sâu răng… Ngoài ra, sử dụng thường xuyên và lâu dài, nước súc miệng có thể gây cảm giác nóng rát trong nướu, lưỡi…
Nước súc miệng không nên để trong thời gian quá lâu sẽ làm giảm tác dụng. Vì vậy khi chọn mua, bạn cần chú ý đến hạn sử dụng của nó.
Chỉ nên coi nước súc miệng là một “vũ khí” hỗ trợ kem đánh răng để làm sạch răng miệng và các mảng bám trên răng thay vì sử dụng nó để thay thế kem đánh răng. Nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng. Sau khi dùng nước súc miệng, bạn không nên ăn hoặc đánh răng sau khoảng nửa giờ. Lưu ý không được nuốt nước súc miệng. Có trường hợp cơ địa người dùng dị ứng với một chất nào đó trong nước súc miệng mà không biết. Tốt nhất, trước khi sử dụng bất cứ một loại nước súc miệng nào, nên xem thành phần, tác dụng. Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
Các dung dịch súc miệng thường dùng
Dung dịch betadin: Khi vào cơ thể, chất iốt trong dung dịch này được giải phóng từ từ, có tác dụng sát khuẩn, chống nấm, làm mất mùi hôi. Dung dịch betadin súc miệng chỉ có nồng độ iốt 7%, thấp hơn dung dịch sát khuẩn ngoài da (10% iod) hoặc vệ sinh phụ nữ. Vì vậy, khi dùng betadin súc miệng, cần lựa chọn đúng nồng độ và chỉ nên dùng trong các trường hợp nhiễm nấm họng, bên cạnh việc sử dụng các thuốc diệt nấm đặc hiệu.
Dung dịch givalex: Là một chế phẩm được chỉ định rộng rãi trong viêm họng, viêm quanh răng, có tác dụng sát khuẩn, chống phù nề. Khi sử dụng, nên pha loãng 1/10 với nước ấm để tăng thêm hiệu quả vì trong thành phần của dung dịch còn có menthol, nếu dùng với nồng độ cao sẽ gây tổn thương niêm mạc họng.
Nước muối: Một số người quan niệm nước muối nồng độ càng cao thì sát khuẩn càng tốt. Thực ra, cơ thể luôn ở trạng thái pH trung tính nên nồng độ các dung dịch súc miệng có pH ở dạng toan hoặc kiềm đều không phù hợp, rất dễ gây tổn thương các tế bào. Vì vậy, chúng ta nên sử dụng dung dịch nước muối ở nồng độ tương đương nồng độ của cơ thể, vừa giúp bảo vệ lớp tế bào niêm mạc họng vừa có tác dụng sát khuẩn. Nồng độ nước muối phù hợp là 0,9% (độ mặn tương đương nước canh). Nên dùng nước muối để vệ sinh răng miệng sau đánh răng buổi tối, buổi sáng.
Dung dịch listerin: Thành phần chủ yếu là thymol nồng độ 0,064% và một số hương liệu; có tác dụng sát khuẩn và chống phù nề nhẹ niêm mạc. Dung dịch này được chỉ định súc miệng ngậm trong 30 giây, 2 lần/ngày.
Dung dịch T-B: Thành phần chủ yếu là axít boric nồng độ 0,3%, tinh dầu quế, tinh dầu bạc hà, có tác dụng sát khuẩn nhẹ trong vệ sinh răng miệng.
Theo SKĐS