Sự cố phong bì ngàn đô trong lễ ăn hỏi nhà đại gia

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 05/04/2018
Lần cập nhập cuối: 29/12/2020

Anh Nguyễn Trung Đức (SN 1994 – Hoài Đức, Hà Nội) bén duyên với nghề dịch vụ cho thuê đội đỡ lễ, bê tráp ăn hỏi từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất ở trường đại học.

Sau một lần được người quen nhờ đi bê tráp giúp, anh nảy ra ý định tổ chức một đội ngũ chuyên nghiệp phục vụ các đám ăn hỏi.

Anh Nguyễn Trung Đức có kinh nghiệm 4 năm làm dịch vụ tổ chức đội bê tráp, đỡ lễ ăn hỏi ở Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh

Anh nói: “Ban đầu tôi rủ bạn bè thân cùng làm. Nhóm có khoảng 10 người và mỗi ngày nhận lời bê lễ cho 2 đám. Hôm nào ngày đẹp, sắp xếp được thời gian chúng tôi có thể làm 3 đám.

Mỗi đám tôi được phong bì 50 nghìn đồng và thêm 50 nghìn đồng tiền bồi dưỡng ngoài thì tổng thu nhập được 100 nghìn đồng. Công việc đơn giản, dễ làm lại có đồng ra đồng vào. Khi đó tôi nghĩ nghề này nếu làm quy mô hơn có thể kiếm được số tiền kha khá nên bắt đầu phát triển đội ngũ nhân sự”.

Theo anh Trung Đức, hiện đội ngũ cộng tác viên của anh đã lên tới gần 200 người, phần lớn đều là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn Hà Nội.

“Đội hình bê tráp, đỡ lễ ăn hỏi được coi như bộ mặt của nhà cô dâu, chú rể nên khi tuyển nhân sự tôi đặc biệt lưu ý đến ngoại hình. Chúng tôi yêu cầu nam cao từ 1m70 trở lên, nữ có khuôn mặt ưa nhìn, duyên dáng và không quá béo hay quá gầy” – Trung Đức cho hay.

Chàng trai sinh năm 1994 tâm sự, nghề này dù là nghề tay trái nhưng cũng mang lại cho anh khoản thu nhập kha khá, tự lo được tiền học hành, sinh hoạt mà không cần đến sự hỗ trợ của gia đình.

Bốn năm theo nghề, anh từng được chứng kiến nhiều đám hỏi của các gia đình khá giả. Ấn tượng nhất trong số đó có lẽ phải kể đến đám hỏi của con trai vị đại gia đất Cảng .

Anh Nguyễn Trung Đức chia sẻ, nhiều đám ăn hỏi được trang trí sang trọng, xa hoa không khác gì tiệc cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chú rể người Hải Phòng, nhà cô dâu ở Long Biên, Hà Nội. Cả hai đều là du học sinh từ Úc về. Hai gia đình cũng có mối quan hệ làm ăn kinh doanh với nhau từ nhiều năm trước.

Lễ ăn hỏi ở nhà gái được tổ chức tại căn biệt thự rộng lớn, toàn bộ hội trường trang trí bằng hoa hồng, không gian mang phong cách Châu Âu cổ điển.

Hoành tránh nhất là sính lễ ăn hỏi của nhà trai. Bố mẹ chú rể chuẩn bị tới 21 tráp ăn hỏi. Mỗi tráp được chở bằng 1 chiếc xe hơi sang trọng.

“Người nhà chú rể tiết lộ, sính lễ ngày hôm đó phải lên tới gần 100 triệu đồng chưa kể tiền lễ đen (lễ bằng tiền mặt cho nhà gái)” – Trung Đức nhớ lại.

Anh Đức từng rất ấn tượng khi tổ chức nhân sự bê tráp, đỡ lễ cho các đám hỏi của gia đình giàu có. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Trung Đức phải mất nửa tháng để chuẩn bị đủ số lượng nhân sự bê và đỡ tráp ăn hỏi lên tới 42 người. Anh cho biết thêm, do cô dâu chú rể đều có ngoại hình cao ráo nên họ yêu cầu khá khắt khe.

Họ muốn đội hình nữ phải cao từ 1m65 trở lên, nam cao khoảng từ 1m75 đến 1m80. Cô dâu còn thuê cả chuyên gia trang điểm về làm đẹp cho đội hình đỡ tráp.

Cũng chính trong đám hỏi này, một sự cố bất ngờ xảy ra khiến anh phải tái mặt. Theo lời anh Đức, khi các thủ tục đám hỏi diễn ra gần xong, đến phần lại mặt cho nhà trai (nhà gái trao lại 1 phần sính lễ cho nhà trai), mẹ cô dâu thông báo cho anh Trung Đức biết, nhà trai mang đến 3 phong bì tiền mặt, mỗi phong bì có 30 triệu nhưng khi kiểm tra lại chỉ còn 2 phong bì.

Bà nghi ngờ cặp đôi nam nữ bê tráp tiền đã lấy phong bì đó. Ngay lập tức, anh Đức tập hợp đội hình bê tráp vào phòng riêng, cùng hai bà mẹ trao đổi tình hình.

Cô gái đỡ tráp tiền rất lo lắng và hoang mang, liên tục khóc lóc khẳng định mình không ăn cắp. Mẹ cô dâu còn đe dọa sẽ đưa vụ việc ra công an khiến tình hình trở nên căng thẳng.

Trong lúc ai nấy đều lo lâu thì bất ngờ bố cô dâu từ dưới nhà chạy lên thông báo đã tìm được phong bì tiền. Lúc bày trí trên tráp, 3 phong bì được gắn bằng băng dính cùng vài hộp bánh nhỏ. Do gắn không chắc chắn, lúc bê vào nhà 1 phong bì tuột ra, rơi xuống đất, nằm lẫn với đống pháo giấy màu sắc.

Lúc này, cô gái trẻ được minh oan, anh Đức mới thở phào nhẹ nhõm. Mẹ cô dâu biết mình trách nhầm người đã xin lỗi và mời cả đội ở lại ăn cơm tối cùng gia đình.

Một đám hỏi khác khiến anh Đức ấn tượng là lễ ăn hỏi của cô dâu, chú rể Việt kiều.

Hai vợ chồng qua Mỹ sinh sống, tình cờ gặp gỡ và nên duyên. Cô dâu chú rể có việc đột xuất không về kịp lễ ăn hỏi nên hai gia đình đã gọi sang bên Mỹ bằng video call (1 tính năng gọi điện thoại có hình ảnh) để hai vợ chồng có thể thấy lễ ăn hỏi của mình diễn ra ở nhà.

“Lễ ăn hỏi đó mặc dù vắng mặt cô dâu chú rể nhưng rất ấm cúng và vui vẻ. Vì bố mẹ cô dâu lớn tuổi, con vắng nhà, họ hàng cũng ít nên tôi bảo mọi người ở lại dọn dẹp nhà cửa giúp nhà cô dâu mãi tối muộn mới về”, anh Đức tâm sự.

Anh Đức cũng nói thêm, mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau. Dù góp mặt trong đám cưới sang trọng, xa hoa hay giản dị, ấm cúng, anh đều cảm thấy vui vẻ và thoải mái vì mình đã góp chút công sức, mang đến sự trọn vẹn cho cô dâu, chú rể.

Theo Nhật Linh – Thanh Hải

Vietnamnet

Exit mobile version