Sống thử để…tiết kiệm tiền thuê nhà!

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 04/04/2015
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Lợi thì có lợi…

 

Các bạn trẻ – nhất là những người đi làm, đi học xa nhà- do thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, quản lý sát sao của gia đình nên nhiều khi có những suy nghĩ và hành động theo cảm tính. Vì muốn thể hiện mình là người lớn, không ít bạn trẻ đã cho phép mình được tự quyết định cuộc sống riêng tư bằng việc dọn về ở chung hoặc cho bạn trai/gái đến ở cùng với mình.

 

Biện minh cho hành động này, hầu hết giới trẻ cho rằng, sống thử để hiểu nhau nhiều hơn. Nếu họ cảm thấy không hợp, thì sẽ kết thúc từ trước đó, như vậy sẽ giảm tỷ lệ ly hôn.

 

Nguyễn Văn Hải- một nam sinh đang theo học tại Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải- chia sẻ: “Việc sống thử sẽ tiết kiệm được tiền thuê nhà, giảm chi phí ăn uống, không phải làm việc nhà. Đặc biệt là chúng tôi sẽ có những trải nghiệm đích thực cho cuộc sống gia đình sau này như kinh nghiệm quan hệ vợ chồng, quan hệ với gia đình và quản lý kinh tế. Vì vậy, với mình việc trải nghiệm sống thử cũng không phải là xấu”.  

 

Sống thử để hiểu nhau hơn? (Anh minh họa)

 

Cùng quan điểm trên, Vũ Thị Hồng Xiêm (Hòa Bình) hiện đang là thực tập sinh cũng không giấu giếm: “Trước đây, lúc mới học năm thứ nhất mình có yêu một bạn trai cùng quê, sau một thời gian chúng mình đã quyết định chuyển về sống với nhau. Việc làm này vừa tiết kiệm các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày cho cả hai đứa, bên cạnh đó mình lại có thể dễ kiểm soát người yêu. Hơn nữa, khi yêu nhau thì người ta có nhu cầu ở gần nhau thôi.

 

Lúc đầu bọn mình ở với nhau cũng xảy ra nhiều mâu thuẫn nhưng rồi cả hai cũng bỏ qua cho nhau. Sau những lần như thế thì chúng mình lại hiểu nhau hơn và hiện cả hai đã về ra mắt gia đình để tính chuyện hôn nhân”.

 

Nhưng bất cập hại

 

Cũng có khá nhiều cặp đôi sống thử sau này nên duyên chồng vợ và sống hạnh phúc bên nhau, nhưng cũng không ít trong số đó là viễn cảnh đường ai nấy đi.

 

Nhiều người ví von, ngày xưa, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, lại có nhiều hủ tục lạc hậu như nam nữ không được tự do yêu đương, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, vậy mà các cụ vẫn sống với nhau đến đầu bạc răng long, yêu thương nhau trọn đời.

 

Hiện nay, giới trẻ đã có thể tự do yêu đương, tự do thể hiện cái Tôi của mình, tại sao lại phải “sống thử” mới hiểu được nhau? Rồi khi mọi chuyện xảy ra ngoài ý muốn (bạn gái có bầu) thì các bạn trai thường là khuyên người yêu mình đi “giải quyết”. Có chàng tỏ vẻ galăng, cũng muốn chịu trách nhiệm trước bạn gái và đứa con của mình nhưng lại bị ngăn cấm, cản trở từ phía gia đình nên cũng đành “thôi nhé mình chia tay nhau từ đây”.

 

Ảnh minh họa từ Internet
 

Tôi đã từng chứng kiến những cái kết buồn của các cặp vợ chồng hờ, họ chính là những người bạn thân thời còn chung một giảng đường đại học với tôi. Trong số ấy có Nhi và Minh.

 

Họ là hai người bạn khác quê nhưng yêu nhau ngay từ khi cả hai bắt đầu nhập học. Thời gian đầu mới yêu, tuy khác phòng trọ, nhưng Nhi luôn nấu cơm, giặt quần áo, chăm lo cho Minh từng bữa cơm đến giấc ngủ, tình yêu của họ khiến ai cũng ngưỡng mộ. Chưa bao giờ họ giận nhau hay cãi nhau dù chỉ nửa lời. Sau này, lấy lý do “để cho tiện”, Nhi bỏ đám bạn gái, ôm quần áo sang sống cùng phòng với Minh như đôi vợ chồng trẻ.

 

Khoảng thời gian vui vẻ hạnh phúc không được bao lâu thì mâu thuẫn giữa Minh và Nhi xảy ra và ngày càng nhiều. Ban đầu chỉ là những trận cãi nhau bình thường, sau rồi đang nửa đêm mọi người xung quanh luôn bị đánh thức bởi những cái tát, nắm đấm, những lời chửi mắng mà Minh dành cho Nhi.

 

Kết cục của mối tình sống thử đó là Nhi phải nhập viện, vừa để trồng lại hai cái răng cửa bị gãy do nắm đấm của Minh và “giải quyết” cái thai đang lớn dần trong bụng. Trong lúc Nhi nằm viện thì Minh chuyển chỗ trọ không một lời nhắn nhủ cho bạn gái.

 

Vẫn còn nhiều câu chuyện đau lòng hơn xảy ra từ việc sống thử. Nhiều bạn trẻ muốn được sống thử nhưng lại không được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn sức khỏe nên khi trót mang thai thì ngay lập tức tìm đến các cơ sở nạo phá thai không an toàn.

 

Trong các trường hợp này, các bạn nữ sẽ là người chịu hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản sau này như vô sinh, mất đi quyền làm mẹ, bị mọi người xung quanh rèm pha, khinh miệt….

 

Để những cuộc cãi vã, tự tử, những ca nạo phá thai do sống thử không còn tiếp diễn, mỗi bạn trẻ cần có nhận thức thực tế hơn. Quan trọng là đừng bao giờ lấy lý do “để tiết kiệm chi phí” hoặc “dễ bề kiểm soát lẫn nhau” để biện minh cho hành động “sống thử” của mình, bởi đó là những lời giải thích sai lầm và không thuyết phục.

 

Theo Lưu Tân- Thanh Hằng

Pháp luật Việt Nam

Exit mobile version