Sinh viên ngoại tỉnh: Học xong ở hay về?

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 26/03/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

N.H.Nga (sinh viên ĐH Kinh tế, TPHCM) không giấu giếm khi bày tỏ trăn trở lớn nhất của mình bây giờ là nên ở hay về. Là sinh viên năm cuối, gia đình hiện đang ở Đà Nẵng. Vào TPHCM trọ học, Nga hiểu được thế nào là hoàn cảnh bấp bênh của sinh viên ngoại tỉnh. Phải bươn chải để làm thêm tự kiếm tiền nuôi bản thân, Nga cũng phần nào hiểu được cuộc sống bộn bề của người thành phố: “Bước ra đường toàn thấy những người là người, ai cũng như lao về phía trước, vội vã. Sống ở đây cũng quen, nhưng cảm thấy khó hòa nhập!”.

Với năng lực của mình, cộng với thâm niên đi làm thêm, một số nơi ở thành phố cũng chào mời Nga làm việc, chỉ có điều không phải là công việc thích hợp với ngành học của Nga, mà lương cũng chỉ ở mức trung bình. “Ở thành phố gì cũng đắt đỏ, mình đi làm, riêng tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe đi lại… tính ra chắc không dư, như vậy biết bao giờ mới sắm xe, mua nhà? Nhưng nhiều anh chị đi trước bảo, nếu trụ lại ở thành phố, cơ hội thăng tiến trong công việc sẽ nhiều hơn. Chẳng biết mình có trụ vững đến khi tìm được công việc tốt không”. Nhưng về Đà Nẵng, ngành học của Nga không phải là hiếm, thế nên kiếm được việc cũng không phải dễ. “Về nhà mà có việc làm ngay thì mới không dễ nản, chứ không nhìn cảnh ba mẹ nuôi mình mười mấy năm ăn học, giờ ra trường lại còn “ăn bám”, chắc mình không chịu nổi lại phải quay vào mất!”.

Những trăn trở ấy, sinh viên “đời” nào cũng trải qua. T.V.Tân, sinh viên tốt nghiệp Đại học luật TPHCM, đến từ vùng quê Quảng Nam. Suốt 3 năm ở lại thành phố, với đơn xin việc trong tay, Tân không thể tìm được công việc thích hợp cho mình, không thể chen chân tìm được việc làm ở thành phố. Để “lấy ngắn nuôi dài”, Tân tiếp tục làm gia sư như thời sinh viên để trả tiền nhà trọ, tiền ăn ở và xăng xe để tiếp tục tìm việc… Cuộc sống chật vật, kiến thức ngày một mai một, sự mong muốn được làm việc khiến Tân không thể không nghĩ đến việc phải thay đổi cuộc sống hiện tại. Và cuối cùng, với sự động viên của bạn bè đã và đang làm việc tại quê nhà, Tân trở về, và được nhận vào làm trưởng phòng nhân sự của một khách sạn 3 sao.

Cơ hội tiếp xúc với khách nước ngoài cũng giúp khả năng giao tiếp ngoại ngữ của Tân tốt lên rất nhiều. Tân nghĩ đến việc đi học thêm ngoài giờ làm. Thu nhập cũng dư dả đủ để cho Tân nghĩ đến những việc lớn hơn. “Biết vậy, hồi mới ra trường, tui về quê cho rồi, mất cả quãng thời gian dài uổng phí!”, Tân tâm sự.

Dĩ nhiên, không phải sinh viên nào ở lại cũng gặp trắc trở. Chính vì vậy, trước khi quyết định chọn cho mình hướng đi nào – ở hay về, các bạn sinh viên ngoại tỉnh cũng đều phải xác định rõ cho mình con đường phía trước, chắc chắn lúc nào cũng lắm chông gai. Cái chính không phải ở hay về, mà điều cần quyết định là bạn sẽ phải vượt qua những khó khăn trước mắt như thế nào? Lối đi luôn ở dưới chân mình.

Theo Diệu HiềnThanh Niên

Exit mobile version