Trên thực tế, những gì đang diễn ra trong đời sống SV cũng chứng tỏ điều này. Tuy nhiên, lỗi không chỉ ở phía SV…
Từ những chuyện nhỏ nhất
Một buổi sáng, Nguyễn Thị Thanh, SV năm thứ 2, Trường ĐH Bách Khoa, chạy xe về hướng Mỹ Đình đến chơi nhà một người bạn. Qua một ngã tư, Thanh vội vã vượt đèn đỏ. Vậy là “a lê hấp”, Thanh bị CSGT “chào” ngay tức khắc. Nghe mọi người nói, đã bị CSGT tuýt thì kiểu gì cũng có lỗi, ngoan nhất là “nộp phạt” trước khi biết tội thì nhanh được đi, bằng không thì… Thế là bạn luống cuống rút tờ polymer đỏ, định “nộp nóng”…
Đang ngủ ngon trong phòng trọ, Nguyễn Thế Minh, SV Trường CĐ Giao thông nghe tiếng gọi cửa kiểm tra của Công an phường Triều Khúc, Quận Thanh Xuân. Sau đó, miệng thì làu bàu bực tức nhưng Minh vẫn phải “chân nam đá chân chiêu”, thất thểu lên phường làm đăng kí tạm trú. Thực ra, mấy hôm trước chủ nhà có nhắc nhưng Minh đã cố tình lờ đi.
Trên đây chỉ là 2 câu chuyện nhỏ, điển hình trong vô số những câu chuyện mà SV là người có hành vi vi phạm pháp luật. Ở trường hợp thứ nhất, Thanh đã có tới 2 “tội” là vượt đèn đỏ, vi phạm Luật Giao thông đường bộ; hối lộ người thi hành công vụ, vi phạm Điều 289 Bộ Luật Hình sự. Còn trường hợp của Minh lỗi là vi phạm Nghị định 51/CP về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu.
Tuy nhiên, không phải chỉ có những vi phạm vặt. Trình độ cộng với láu cá và một chút nông nổi có thể “dẫn lối” cho SV thực hiện những hành vi vi phạm lớn hơn nhiều lần.
Mới đây dư luận học đường đã xôn xao khi nghe tin 2 thanh niên (một là cựu SV ĐHQG, một đang là SV ĐH Bách Khoa) đã lên mạng Internet, dùng thủ thuật tinh vi để lấy cắp tiền từ thẻ tín dụng của những chủ tài khoản là người nước ngoài rồi “ship” hàng về Việt Nam, sau đó dùng CMND giả nhận hàng. Vụ việc đã bị Công an Hà Nội phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Không biết hay không cần biết?
“Kiến thức pháp luật của SV hiện nay là cực kì hạn chế. Chính vì sự thiếu hiểu biết này đã dẫn đến những vi phạm pháp luật của SV”- Th.S Nguyễn Như Trang, GV khoa Xã hội học, ĐH KH XH&NV, nhìn nhận. Cũng theo cô Trang, khi vi phạm pháp luật, hầu như các SV này đều không biết việc làm của mình vi phạm điều gì.
Trong hai trường hợp trên, khi hỏi Thanh: “Bạn có biết đưa tiền cho CSGT như thế là vi phạm pháp luật không?” thì Thanh cười vô tư: “Đằng nào thì cũng là “nộp phạt”, nộp phạt sớm thì được đi sớm chứ mình cũng không biết mắc lỗi gì!”. Còn Minh thì hằn học: “Tự dưng mất toi 50K làm đăng kí tạm trú. Hơn năm ở thế này rồi, có “tạm trú tạm vắng” gì đâu?”
Không chỉ biện minh theo kiểu “không biết không có tội” của phim chưởng, ngay cả khi vi phạm và bị phạt rồi, nhiều bạn vẫn không chịu tìm hiểu về hành vi vi phạm để tránh tái phạm.
Trong nghiên cứu của nhóm giảng viên, SV trường ĐH Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng: Nguyên nhân của việc SV thờ ơ với pháp luật đầu tiên phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật (vì có chấp hành thì mới chịu tìm hiểu và hiểu pháp luật); không biết nên tìm hiểu những nội dung gì trong hệ thống các văn bản pháp luật (vì có quá nhiều bộ luật, luật, văn bản dưới luật); và sau cùng là tâm lý không cần hiểu để rồi có hành vi ứng xử với xã hội theo “kinh nghiệm dân gian” và cảm tính.
Giảng dạy pháp luật trong nhà trường: cưỡi ngựa xem hoa!
Theo Th.S Nguyễn Như Trang, việc hiểu biết kiến thức pháp luật cơ bản một cách mơ hồ không hoàn toàn thuộc về lỗi SV. Một cán bộ của Vụ Giáo dục pháp lý và Phổ biến pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng đồng tình khi cho rằng nhà trường (trừ các trường Luật, khoa Luật) có một phần trách nhiệm khi bố trí chương trình và chọn phương pháp giảng dạy các môn học về pháp luật chưa hợp lý, nhất là ở một số khoa, ngành đặc thù như Báo chí, Ngân hàng, Ngoại thương…
Theo chương trình đào tạo của Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia HN), Khoa chỉ đưa vào chương trình đào tạo 2 môn học là “Nhà nước và Pháp luật” và “Luật Báo chí xuất bản – các văn bản dưới luật” với 4 đơn vị học trình = 60 tiết học. Chỉ 4/188 “trình”, quả là quá ít, chưa kể môn học “Luật báo chí xuất bản” còn bị cắt xén, ghép vào giảng dạy với môn Cơ sở lí luận báo chí.
Tương tự, ở Truờng ĐH Ngoại thương, trong chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, SV chỉ được học 3 đơn vị học trình môn “Pháp luật trong hoạt động Kinh tế đối ngoại”.
TS Tâm lý học Ngô Đình Trung – người đã 5 năm nay cất công tìm hiểu về ứng xử của SV Việt Nam với pháp luật, nhận định: “So với SV nước ngoài thì SV Việt Nam ít chịu học luật hơn hẳn. Điều này dẫn đến hệ quả là việc chấp hành pháp luật của SV Việt Nam rất kém. Thí dụ, khi nước Pháp mới ra bộ luật gì thì hầu như tất cả SV Pháp đều nắm được và họ tìm hiểu xem tác dụng của nó như thế nào, còn ở Việt Nam thì điều này nghe ra chỉ có SV trường Luật”.
Rõ ràng, những kiến thức về pháp luật không những giúp SV ta điều chỉnh hành vi để tránh vi phạm hay trở nên cứng cỏi hơn mỗi khi bị bắt nạt. Quan trọng hơn, nó thể hiện một thái độ “nhập cuộc” đầy tích cực của những người trẻ có học thức, văn hóa trước xã hội và cộng đồng.
Theo Trần Đình TúSinh Viên Việt Nam