Sinh viên “chạy” xe ôm

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 08/04/2008
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Chạy xe không xấu nhưng…

Với tiền trợ cấp có hạn của gia đình, nhiều SV sống xa nhà phải tự mình kiếm thêm để chi tiêu trong cơn bão giá. Tìm việc làm thêm cũng không dễ, bởi thế không ít SV đã tận dụng con xế nổ của mình để chạy xe ôm.

Ngay ở trước cổng chợ đêm SV ở Mai Dịch, Cầu Giấy vào tầm mười rưỡi, mười một giờ khi chợ chuẩn bị đóng cửa có khá nhiều “bác” xe ôm đứng đón khách ở đây. Đúng như cậu em tôi nói, có cả những “bác” là SV vì mặt người trẻ măng, thư sinh, đứng khép nép chẳng dám kéo khách mà chỉ mời lí nhí, có cậu còn bịt khẩu trang kín mít…

Đứng hỏi chuyện, một “bác” tên N, ra dáng thư sinh nhất ở đây, sau một lúc lúc túng, cậu tâm sự: “Em học năm hai trường CĐ Thành Đô. Em mới đi xe thôi, hôm em đi học tiếng Anh về qua đây thấy có người vẫy xe xin đi nhờ. Đúng lúc em kiếm việc làm thêm mà chưa được, em quyết định ra chợ SV đợi khách là SV đi chợ quá giờ xe buýt”.

Theo N, đứng đây còn có 3, 4 SV nữa cũng chạy xe ôm. Nhưng ai cũng ngại, sợ gặp người quen nên lúc nào cũng bịt khẩu trang kín mít. Nếu gặp người quen thì quay sang nói… mình đang đứng chờ bạn vào chợ rồi tìm đường… chuồn.

Minh không phải là tên của cậu sinh viên năm thứ hai trường ĐH Công nghiệp Hà Nộị, “bác’ xe ôm cứ tối lại đứng bắt khách ở cạnh bến đỗ xe ô tô trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy). Bởi vì khi được hỏi về việc chạy xe của mình, cậu đã nói: “Đừng ghi tên thật của em, ai mà biết mình chạy xe thì… xấu hổ lắm. Sợ nhất là bố mẹ ở quê mà biết sẽ thêm lo lắng. Cứ gọi em là Minh, tên đệm của em”.

Với tiền trợ cấp của gia đình hàng tháng chưa đến một triệu đồng từ tiền học phí, tiền nhà, ăn uống, sinh hoạt… trước đây mình còn “chắt bóp” được nhưng giá cả mỗi ngày một lên, để đủ chi tiêu Minh phải tự kiếm thêm.

Trước khi chạy xe, Minh đã đi phát tờ rơi, nhân viên trông xe ở quán ăn nhưng công việc chẳng mấy khi suôn sẻ, thời gian làm dài mà thu nhập thì rất thấp. Sau nhiều đêm trằn trọc, đúng vào dịp trước Tết, đúng thời điểm Hà Nội lạnh nhất, Minh quyết định chạy xe ôm…

Minh muốn chạy vào ban ngày nhưng không tìm được chỗ đứng. Sau mấy hôm lòng vòng cậu mới tìm được một chỗ ở đường Hoàng Quốc Việt, gần một bãi đỗ ô tô. Vào ban đêm, chỗ này chỉ có đúng một “bác” đứng đợi khách.

Minh làm liều đến xin anh này đứng cùng. Anh này đồng ý, sau đó trò chuyên Minh mới biết anh này cũng là SV, tên là H, đang học năm cuối trường ĐH Giao thông Vận tải.

“Cứ chiều em lại đi, đến tối muộn mới về nhưng bạn bè trong xóm trọ cũng không ai biết. Chạy xe cũng không có gì là xấu nhưng nghĩ việc này so với tuổi sinh viên thì tủi thân quá, chẳng dám nói với ai ” – Minh nói.

Nỗi lòng trong đêm

Phần lớn những SV đi xe ôm đều chạy vào ban đêm vì ban ngày vừa bận học, lại không có chỗ đợi khách. Việc nhiều đêm không có khách một khách nào là bình thường và lúc đó họ xem như “mình đi chơi”.

N nói: “Hôm nào có khách, cũng được khoảng 30 – 35.000 đồng, trừ tiền xăng thì còn lại 20.000. Từ khi chạy xe tới giờ, có duy nhất một hôm được nhiều nhất là 75.000 đồng. Nhiều hôm chẳng có khách nào, cũng ngậm ngùi quay về xem như mình đang đi chơi vậy”.

Nếu N đứng ở chợ sinh viên khá an toàn thì Minh, đứng ở đường vắng dễ gặp phải “dân đi đêm” hơn. Minh cho biết “Chạy xe ban đêm như thế này sợ nhất là gặp phải nghiện và gái. Em tránh hai đối tượng này nên chẳng bao giờ dám đứng muộn quá. Cũng nhiều lần, có những người khác nhìn mặt “không ưa được” đến đi xe, không muốn chở cũng chẳng dám từ chối. Em chưa gặp nhưng anh H đã từng bị anh chị “xin đẹp” tiền xe”.

Nghĩ đến đợt rét trước Tết, đứng đợi và chở khách Minh vẫn chưa hết run. Nhiều hôm không có khách, Minh và cậu sinh viên tên H lại ngồi trò chuyện, tâm sự.
 
“Dạo này, mấy hôm liền không hề có một người khách nào, hai em em vừa lo vừa chán. Anh H nói trong túi chỉ còn 17.000, chẳng biết mai mốt phải sống thế nào. Mình chẳng có cũng chẳng giúp được gì” – Minh kể

Theo những cậu SV chạy xe này thì đi xe mệt, nhiều hôm về nằm li bì không dậy được nhưng không hẳn quá vất vả nhưng người ngoài cuộc hình dung. Mình không phải bỏ vốn nhiều nên chẳng mất vào đâu nhưng buồn nhất là tủi thân, và khi những người thân quen biết thì cũng dễ có chuyện.

Như H, anh bạn đứng cùng Minh, sau một thời gian chạy xe chẳng hiểu sau bạn gái lại biết chuyện. H cũng chẳng giấu nữa, cô bạn gái sau khi khóc lóc đã nói lời chia tay. “Người yêu mình đi xe ôm, ai mà hình dung nổi, họ ra đi cũng không thể trách”, Minh nói.

Tuy nhiên, có lẽ cũng vì là sinh viên đi xe nhìn hiền lành, ngoan ngoãn nên nhiều lúc Minh cũng được nhiều khách hàng tốt bụng ưu ái, chẳng lúc nào bị kì kèo, thậm chí còn cho thêm. Minh kể: “Có cô ở ngay trên đường Bưởi một lần đi xe, biết mình là sinh viên đã trả thêm gấp đôi. Giờ cô “hợp đồng”, cứ đầu tháng và Rằm lại đến chở cô đi chùa”.

Không thể chạy xe thế này mãi nhưng với như N và Minh nói nếu không tìm được một việc làm thêm ổn ổn thì họ vẫn đi xe để có tiền trang trải cho học hành.

“Nhiều lúc cứ lo lắng, thấy giá cả tăng lại cứ sợ chẳng biết rồi đây mình có theo học tiếp được không. Nhưng em mới biết tin sẽ không tăng học phí nữa nên cũng yên tâm hơn rồi. Chạy xe mà học hành ra được trường thì em vẫn làm bác “xe ôm” dấu mặt”- N chia sẻ.

Chạy xe ôm chỉ là một công việc tạm thời để những SV như Minh, N, H trang trải cuộc sống trong cơn bão giá. Cũng như những việc làm thêm khác của nhiều sinh viên, có buồn, có vui, thậm chí có cả nước mắt nhưng phần nào những công việc này giúp nhiều người vượt qua được những lúc khó khăn nhất để thực hiện ước mơ học hết đại học của mình…

Hoài Nam

Exit mobile version