Sinh viên bật mí số tiền “khủng” làm thêm dịp Tết

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 15/02/2011
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Làm Tết bằng cả năm

 

Vì những lý do khác nhau, nhiều sinh viên đã chấp nhận việc đón Tết xa quê để đổi lại những khoản thu nhập lớn chỉ trong một vài ngày Tết.

 

Thu Hà, SV ĐH Sư phạm Hà Nội năm nào cũng chọn cách bán muối và bán lộc đầu năm tại chùa Quán Sứ, một trong những ngôi chùa lớn nhất Hà Nội. Hà cho biết chỉ với số vốn bỏ ra khoảng 300 nghìn, nếu khéo mời chỉ trong đêm giao thừa có thể bán lãi tới 2 triệu đồng.

 

Giỏ hàng của Hà luôn được khách du xuân để ý bởi lời mời chào nhẹ nhàng và một khuôn mặt luôn rạng rỡ. Hà tâm sự: “Nhiều bác mua lộc và muối khen mình nhanh nhẹn hy vọng sẽ mang may mắn đến trong năm mới. Biết mình là sinh viên làm thêm, khách thường mừng tuổi luôn tiền thừa”.

 

Nhiều bạn trẻ kiếm được số tiền không nhỏ nhờ bán muối bán lộc đầu năm.

 

Năm nay, bán lộc đầu năm cùng Hà còn có Phương Nhung, (ĐH Thủy Lợi). Hà không ngần ngại rủ thêm cô bạn thân của mình cùng bán vừa kiếm thêm thu nhập lại có bạn cùng về sau giao thừa. Phương Nhung cho biết: “Chúng em dự định sẽ dành số tiền lãi để năm mới đăng ký khóa học tiếng Anh”.

 

Phạm Thanh Tùng, SV năm cuối khoa Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng đã 2 năm không về quê ăn Tết. Đối với Tùng, Tết là “mùa làm ăn” và dễ kiếm tiền nhất trong năm. Năm nay, Tùng cùng cô bạn chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch buôn rau phục vụ ngày Tết.

 

Từ đêm 30 Tết, Tùng có nhiệm vụ chở rau từ chợ đầu mối Long Biên về tập kết trên vỉa hè phố Liễu Giai. Theo cậu sinh viên này, số tiền vốn bỏ ra tuy khá lớn nhưng lãi suất thì cao hơn gấp nhiều lần so với các công việc làm thêm khác.

 

“Em chỉ tính đơn giản như một bông súp lơ em mua 10 nghìn thì sẽ bán với giá khoảng 30 nghìn, 35 nghìn. Các rau khác cũng thường bán gấp 3, 4 lần nên chỉ trong buổi tối ngày mùng 1, chúng em đã đủ vốn”, Tùng nói. Tùng cũng cho biết thêm, trời càng lạnh người dân sẽ ăn lẩu nhiều và rau xanh lại càng đắt giá. Chỉ bán tới ngày mùng 4 Tết, Tùng đã lãi gần 7 triệu đồng.

 

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng không về quê để làm thêm ngày Tết.

 

Phạm Thị Lan, sinh viên năm 3 ĐHKH XH&NV lại nhanh nhạy mượn đồ nghề của gia đình kinh doanh bún cá đầu năm. Lan cho biết, năm nay nhiều bạn trẻ đã chọn ăn bún cá từ ngay sau khi giao thừa.

 

“Số lượng khách đông nhất thường vào sáng mùng 2 Tết. Nếu không có hai cô bạn giúp đỡ chắc em không bán kịp. Một bát có giá 35 nghìn đồng trừ các chi phí cũng lãi được 15 nghìn”, Lan khoe. Nhẩm tính một lúc, Lan cho biết năm nay đã thu được số tiền lãi khoảng 4 triệu đồng. Số tiền lãi nhờ bán bún cá mấy ngày Tết bằng đúng số tiền Lan đi dạy thêm trong một năm học.

 

Nhiều sinh viên khi không có điều kiện để buôn bán trong dịp Tết lại chọn cách làm thêm tại các quán ăn, quán cafe với số tiền công mỗi ngày cũng gấp 3,4 lần so với bình thường. Những nam sinh viên có phương tiện và sức khỏe lại chọn cách chở hàng thuê trong dịp Tết tại các chợ đầu mối. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại các bạn đều tích lũy được một số tiền khá lớn để trang trải việc học tập sau thời gian nghỉ Tết.

 

Không chỉ vì tiền

 

Đối với mỗi sinh viên, số tiền các bạn kiếm được trong dịp Tết có thể bằng cả năm đi làm thêm hay dạy thêm nhưng những gì họ được không chỉ có tiền.

 

Nhiều bài học về kinh doanh, cuộc sống được bắt đầu từ chính trong những công việc làm thêm dịp Tết.

 

 “Dịp Tết khách đến ăn bún cá đông đến nỗi mình không phục vụ kịp. Nhiều người cũng tỏ ra khó chịu và cáu giận, thậm chí có người còn to tiếng. Những lúc đó mình lại phải học cách nhẹ nhàng xin lỗi để chiều lòng khách. Nhờ đó mà cái tính nóng nảy của mình cũng được kiềm chế phần nào”, Lan tâm sự.

 

Đối với Thu Hà và Phương Nhung dù đều sinh ra trong những gia đình khá giả nên gia đình không khuyến khích việc hai cô bạn bán lộc đầu năm với lý do: “Nhà mình chưa thiếu tiền để các con phải đi làm thêm những ngày Tết.

 

Ban đầu bố mẹ chúng em cũng cấm nhưng sau đó em phải kiên trì thuyết phục cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý. Khi tự kiếm được một chút tiền dù nhỏ chúng em sẽ biết trân trọng đồng tiền hơn. Số tiền lãi sẽ được dùng vào việc học tiếng Anh và các việc có ích”.

 

Việc buôn rau trong những ngày Tết cũng giúp Thanh Tùng rất nhiều trong công việc. Những bài học thực tế từ chính thương trường đã giúp cậu sinh viên này thêm tự tin khi sắp tốt nghiệp đại học.

 

“Tuy chỉ là buôn bán nhỏ, thời vụ nhưng cũng giúp em rất nhiều trong công việc. Em học được cách lựa chọn mặt hàng kinh doanh, đối tượng khách hàng, khả năng đàm phán, thuyết phục ngay trên … vỉa hè. Điều đó cũng rất có ích đấy chứ”, Tùng cười tươi tâm sự.

 

Theo VTC

Exit mobile version